Quảng Nam: Cô gái 14 năm ăn suốt ngày và nôn liên tục

Dân Trí, Theo 17:07 24/04/2012

Mỗi bữa cô có thể ăn từ 8 - 10 bát cơm...

Nguyễn Thị Như Ý (27 tuổi, trú tại thôn Na Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) 14 năm nay mang trong mình căn bệnh lạ khiến khuôn mặt ngày càng bị lão hóa và sau mỗi bữa ăn, Ý lại nôn ra tất cả những gì vừa ăn mà chưa kịp tiêu hóa.

Ý kể, từ lúc chào đời cho đến năm 13 tuổi, Ý phát triển hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Trong một lần lên cơn đau dạ dày dữ dội, bụng Ý bị phình to, ăn không tiêu và phải đến bệnh viện khám. Các bác sĩ kết luận, cô bị loét dạ dày và cho thuốc về uống nhưng càng uống thuốc Ý càng đau quằn quại, tức ngực, buồn nôn dữ dội.
 
Kể từ đó, Ý nôn ra tất cả mọi thứ mà cô vừa ăn vào. Khuôn mặt của Ý già đi nhanh chóng, cơ thể ngày càng tiều tụy. Đi khám ở bất cứ đâu, các bác sĩ đều không tìm ra chính xác căn bệnh Ý đang mắc phải.

Ý bên người anh trai hơn mình 5 tuổi.
 
Đến năm lớp 10, nhận thấy cơ thể mình bị lão hóa trầm trọng, Ý mặc cảm với bạn bè nên nghỉ học ở nhà. Và từ đó tới nay, cuộc sống của cô gái này vô cùng khốn khổ. Mỗi ngày, trung bình Ý chỉ ngủ được từ 2 - 3 tiếng, nhiều đêm thức trắng vì đau ê ẩm khắp người. Điều kỳ lạ là cô ăn rất nhiều, gia đình cho biết, khẩu phần ăn của cô nhiều gấp 10 lần người bình thường. Mỗi bữa cô có thể ăn từ 8 - 10 bát cơm và bụng cô lúc nào cũng trong tình trạng đói. Vì mỗi khi ăn xong, thức ăn chưa kịp tiêu hóa đã bị “tống khứ” ra ngoài. Bởi vậy Ý cứ ăn liên tục mà chưa bao giờ thấy no.
 
Từ một cô bé khỏe mạnh với cân nặng 43kg, giờ Ý trở nên teo tóp, nặng chưa đầy 24kg, chân tay gầy guộc, mặt nổi sạm và già hơn tuổi rất nhiều.
 
Từ một cô bé khỏe mạnh với cân nặng 43kg, giờ Ý trở nên teo tóp, nặng chưa đầy 24kg.
 
Bác sĩ Nguyễn Đình Diều, Bệnh viện Đa khoa huyện Điện Bàn, người trực tiếp điều trị cho Ý cho biết: “Là người trực tiếp theo dõi và điều trị cho Ý hơn 4 năm nay nhưng tôi vẫn không lý giải được nguyên nhân vì sao bệnh nhân của mình lại mắc phải căn bệnh lạ quái ác như vậy. Hàng tháng, Ý vẫn đến bệnh viện khám đều đặn, chúng tôi vẫn cấp thuốc nhưng những loại thuốc kê trong toa chỉ có tác dụng bồi bổ, giúp Ý giữ được sức khỏe, chống chọi với bệnh tật.”
 
Được biết gia đình Ý nghèo, ba mẹ đều đã già, không còn khả năng lo cho con những bữa ăn liên tục, chứ chưa nói tới chuyện hàng tháng ra Đà Nẵng truyền máu và dịch. Niềm mong mỏi lớn nhất của Ý lúc này là y học sớm tìm ra căn bệnh quái ác của cô, có phương thuốc chữa trị để cô có thể trở lại với cuộc sống bình thường.