"Giếng nước thần" trên đỉnh Trường Sơn

Vietnamnet, Theo 10:05 08/04/2010

“Mỏ nước” duy nhất nằm trên độ cao 1.500 mét trên đỉnh Trường Sơn khiến người dân tôn thờ là “giếng thần”… <img src='/Images/EmoticonOng/10.png'>

“Giếng trời” với nhiều hiện tượng kỳ lạ và cũng là giếng nước duy nhất được người Ma Coong, một tộc người sinh sống trên 18 thôn bản của xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tôn thờ.

Muốn đến giếng này, chỉ có một con đường đi duy nhất là theo Đường 20, xuất phát từ Động Phong Nha qua các địa danh đã đi vào lịch sử như hang Tám Cô, hang Nữ y tá, ngầm Ta Lê, núi Phu La Nhích, ngầm Chữ A…


Chiếc "giếng thần" trên đỉnh Trường Sơn

Từ bản Cà Roòng 1 lên “giếng thần” chỉ có một cách duy nhất: vừa đi vừa “ngửa mặt”, bởi lý do: vách núi dựng đứng, cả tay và chân phải bấu vào vách đá leo lên. Cũng vì thế, con đường dài chừng 30km nhưng chúng tôi phải mất nửa ngày đường cuốc bộ.


Ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã Thượng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình)

Ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã Cà Roòng (người Ma Coong) khẳng định: đây là chiếc giếng duy nhất ở độ cao 1.500m, trên địa hình núi đá vôi. Ở độ cao này, cùng với hiện tượng Castơ chia cắt mạnh, tìm một hố đá có nước là rất khó. Thế nhưng, điều lạ lùng nhất là chiếc “giếng thần” lúc nào cũng đầy ngần ngật nước, kể cả vào mùa khô.

Người dân ở đây cũng đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ. Đàn ông tới giếng múc nước để dùng thì không sao chứ đàn bà, con gái mà đến múc thì giếng sẽ xẩy ra hiện tượng như tự sôi sùng sục, hoặc tự cạn mất nước hay xuất hiện rất nhiều con vật giống con loăng quăng, nước giếng đang trong trở lên hôi hám và bẩn thỉu.

Ông Quách Văn Tâm, nguyên cán bộ biên phòng Đồn 593 đóng trên địa bàn, hiện đang là Bí thư xã đã xác nhận những hiện tượng lạ kỳ này. Ông Tâm còn cho biết thêm, thời kháng chiến chống Mỹ, Thượng Trạch là xã nằm gần đường 20 nên đã trở thành trọng điểm đánh phá và càn quét của mật thám và thám báo. Trong một lần tản cư chạy giặc lên núi Ớt, bà con đã phát hiện ra chiếc giếng lạ kỳ này. Nó là nguồn cung cấp sự sống trong một thời gian dài cho 32 hộ dân người Ma Coong trong thời gian chạy giặc.
 

Để lên được "giếng nước thần" phải mất nửa ngày cuốc bộ...

Nước giếng rất trong, mát, ngọt. Người dân trong xã đã nối hai cây nứa dài để đo độ sâu của giếng, nhưng vẫn chưa thấy chạm đáy... Từ làng Cà Roòng 1 nhìn lên, núi Ớt trông xanh thẫm cùng với những đỉnh núi đá sừng sững. Núi Ớt vẫn là cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ quý, có những cây cổ thụ đường kính tới vài ba người ôm.



Giữa một triền đá vôi rộng mênh mông, trên một độ cao thông thốc gió, “giếng thần” hiện ra tròn xoe và sâu hun hút như thể có một bàn tay thần kỳ đào trên đá. “Giếng thần” này rất sâu. Hai cây nứa tép (một loại nứa nhỏ và dài trên rừng) nối vào mà vẫn chưa chạm đáy" - anh Hoan - người dân sống tại bản Cà Roòng - cho biết.


Núi Ớt vẫn là một khu rừng nguyên sơ với nhiều cây đại thu 3-4 người ôm.

Nước giếng rất trong và mát rượi. Riêng mùa đông nước ở đây lại rất ấm. Người ta có thể múc và tắm cho trẻ con mà không bao giờ sợ bị cảm lạnh. Theo anh Đinh Hoan, chiếc giếng nước thần kỳ này đã cứu sống 32 hộ dân người Ma Coong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ phải lên núi Ớt lánh nạn. Rất nhiều nhân chứng cho biết, mặc dù là nguồn nước duy nhất cho hàng trăm người sinh hoạt nhưng nước giếng không bao giờ cạn. Tuy nhiên, không có bất kỳ một con vật nào dám bén mảng tới uống nước tại giếng nước thần kỳ lạ này.