Là thảm họa với con người, nhưng thế giới tự nhiên lại rất "thích" cháy rừng

Vũ Huế, Theo Helino 08:45 11/11/2018

Đối với thế giới tự nhiên, cháy rừng giống như một bước ngoặt lớn để mọi thứ được tái sinh mạnh mẽ hơn.

Người dân tại California đang hoảng loạn bởi thảm họa cháy rừng lây lan với tốc độ quá khủng khiếp, thiêu rụi những khoảng diện tích lên đến 80 sân bóng đã mỗi phút.

Nhưng dẫu là một thảm họa quá sức kinh khủng thì "cháy rừng chỉ đơn giản là một phần của tự nhiên" - trích lời nhà sinh thái học Mazeika Sullivan. Bởi vì hầu hết các loài động vật đều được trang bị kỹ năng để đối phó với lửa. 

Là thảm họa với con người, nhưng thế giới tự nhiên lại rất thích cháy rừng - Ảnh 1.

Loài có cánh sẽ bay. Loài có chân sẽ chạy. Loài lưỡng cư thì trốn xuống nước. Còn côn trùng lại chọn rúc vào lòng đất sâu... Ấy là chưa kể, một số loài động vật còn biết tận dụng cơ hội để "hôi của", và một số loài thực vật thì nhân tiện phát tán thế hệ sau.

Cơ hội trời ban cho những loài ranh mãnh

Vào năm 2014 trong lúc dập lửa cháy rừng, một lính cứu hỏa người Úc tên là Gabriel d'Eustachio đã chứng kiến cả đoàn động vật không xương sống nhỏ ào ào lao ra khỏi đám khói. Chúng cũng chỉ bay và nhảy trước ngọn lửa có một quãng ngắn mà thôi.

Cháy rừng cũng là cơ hội lâu lắm mới xuất hiện với một số loài động vật săn mồi tinh ranh như gấu, gấu mèo và chim săn mồi. Khi con mồi hoảng loạn bởi đám cháy, khả năng cảnh giác của chúng cũng giảm sút. Ngay cả hướng chạy trốn cũng rõ mồn một như ban ngày. Thế nên các loài thú ăn thịt này chỉ việc đón lõng là có ngay bữa ăn no rồi.

Là thảm họa với con người, nhưng thế giới tự nhiên lại rất thích cháy rừng - Ảnh 2.

Trong vụ cháy rừng xảy ra ở Australia, các bộ tộc bản địa đã thấy ba loài diều hâu đen, diều hâu trắng và cắt nâu, tha cành cây đang cháy dở sang khu vực khác, làm đám cháy ngày càng loang rộng. Bởi vậy, họ gọi chúng là những con "chim lửa".

Người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến các loài chim này hành động như vậy, song giả thuyết hợp lý nhất là chúng cố ý gây cháy nhằm xua các động vật nhỏ ra khỏi nơi ẩn nấp để dễ bề kiếm ăn. Thực tế, mọi vụ cháy rừng tại Úc đều là bữa tiệc ê hề với nhà "chim lửa".

Là thảm họa với con người, nhưng thế giới tự nhiên lại rất thích cháy rừng - Ảnh 3.

Còn sau đám cháy thì chim gõ kiến là được lợi nhất. Nhờ lửa thiêu chết đám bọ cánh cứng bám trên thân cây, nó chỉ việc mổ mà ăn trọn.

Chết đi để hồi sinh mạnh mẽ hơn

"Mọi người thường nhìn vào khu vực bị cháy trụi và nghĩ rằng rừng đã chết," - Patricia Kennedy, một nhà sinh thái học khác của Mỹ nói. "Nhưng không phải vậy. Rừng chỉ vừa mới thay đổi mà thôi."

Tất nhiên là sau trận hỏa hoạn, cả khu rừng rậm rạp sẽ trở nên trống hoác. Song theo các nhà nghiên cứu, dù cháy rừng có gây tổn thất lớn tới cỡ nào đi nữa, nó cũng chưa bao giờ xóa sạch một quần thể hoặc một loài.

Là thảm họa với con người, nhưng thế giới tự nhiên lại rất thích cháy rừng - Ảnh 4.

Cháy rừng dữ dội thế nào cũng không thể xóa hết được sự sống

Xét ra thì động vật vừa và nhỏ là có nguy cơ bị chết cháy cao nhất. Chúng có thể mất mạng vì chạy quá chậm, hoặc không kịp kiếm được chỗ trốn an toàn. Vài loài cũng có tập tính leo lên cao thay vì chạy đi xa, ví dụ gấu túi (Koala) của Úc, cũng sẽ bị tổn thương.

Nhiệt độ của vụ cháy cũng có thể thấm cả xuống lòng đất vài ba phân, giết chết các sinh vật ẩn nấp bên dưới (thường là nấm và côn trùng).

Tuy nhiên, khi mưa dội xuống lớp tro màu mỡ, cỏ sẽ tái sinh. Tiếp đến là cây cối, nấm và các sinh vật phân hủy đất. Trước rừng cây lá tươi non mơn mởn, động vật ăn cỏ tất sẽ tấp nập kéo về, mang theo luôn các loài thú săn mồi. 

Một hệ sinh thái mới sẽ được hình thành, và luôn đa dạng hơn

Một hệ sinh thái mới hình thành, có thể khác chút ít, hoặc khác rất nhiều so với rừng cũ, nhưng luôn đa dạng hơn.

Nghịch lý ở đây là: thiên nhiên hoang dã cần cháy rừng

Trong khi con người tất tả lo dập cháy, nỗ lực hạn chế cháy rừng, thiên nhiên hoang dã lại thật sự cần được cháy để tái khởi động, thiết lập trật tự và sự cân bằng mới.

Nhiều loại nấm, trong đó có nấm Morchella, cần được kích thích bởi nhiệt độ cao để giải phóng bào tử. Không ít loại hạt cây cũng chỉ có thể nảy mầm sau khi bị lửa đốt cháy lớp vỏ cứng bên ngoài.

Thế nên với tự nhiên, cháy rừng giống như một kiểu tự chữa lành vậy. Việc con người can thiệp vào xét ra lại gây suy giảm một số loài, ví dụ như loài sẻ hót (Passeri). Chúng có tập tính làm tổ trên các cây thông nhỏ của rừng thông non trẻ. Mà quả thông thì lại cần phải bị cháy qua rồi mới bung hạt giống ra được.

Tham khảo: National Geographic