Ngôi nhà container kỳ lạ ngay tại Việt Nam

VTC, Theo 10:16 15/02/2011

Khó có thể nghĩ “ngôi nhà đồng nát” này lại thuộc sở hữu của 1 người rất giàu.

Ngôi nhà này thuộc sỡ hữu của ông Phạm Đức Thịnh, 1 người nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh và ông còn nổi tiếng bởi ngôi nhà làm bằng container của mình. Mặc dù có rất nhiều ngôi nhà và nhiều đất cát ở TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, bạn bè, người thân lại thường chỉ tìm thấy ông trong ngôi nhà kỳ lạ, được làm bằng những chiếc container phế thải ở một con đường nhỏ, bụi bặm ven sông Cấm, thuộc phường Quán Toan.

Đứng ở đường Nguyễn Văn Túy nhìn vào căn nhà, khó có thể nghĩ đây là một “ngôi nhà đồng nát”. Đó là một ngôi nhà 2 tầng, khá khang trang, được sơn màu ghi trẻ trung, mái tôn đỏ rực, kiểu dáng bình thường như những ngôi nhà khác. Tuy nhiên, lại gần, quan sát kỹ các khe vách, những góc khuất, mới nhận ra lớp thép sơn đỏ của những chiếc container vốn chạy trên những xa lộ.

Căn phòng làm việc của ông giám đốc chuyên kinh doanh đồng nát khá rộng rãi, sang trọng. Trên chiếc màn hình LCD lớn, hiện lên rất nhiều khung hình. Hóa ra, “ngôi nhà đồng nát” này được lắp cả chục chiếc camera. Qua đó, ông biết khách đến gặp mình là ai.

Hiện tại, trụ sở công ty của ông gồm 5 chiếc container, trong đó, có 3 chiếc 20 feet và 2 chiếc 40 feet. Tầng dưới là các phòng làm việc của nhân viên văn phòng, kế toán, kinh doanh. Phòng công nhân ở gồm riêng một chiếc, được thiết kế giường tầng như ký túc xá sinh viên. Một chiếc container đủ cho 20 công nhân ở.


Ông Phạm Đức Thịnh bên ngôi nhà làm bằng container.


Căn phòng sang trọng của giám đốc Thịnh "đồng nát".


Công trình phụ của ngôi nhà container.


Mặt ngoài của ngôi nhà.


Phòng làm việc của nhân viên kế toán, văn phòng là chiếc container 20 feet.


Từ lan can tầng 2, ông Thịnh thảnh thơi ngắm những tác phẩm của mình.




Một số góc khuất lộ ra lớp sắt và màu sơn đỏ đặc trưng của container.

Ông Thịnh vốn là một bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Năm 2007, thành lập Công ty TNHH Thứ liệu Hải Phòng, chuyên buôn bán sắt thép đồng nát. Từ bấy, người ta gọi là Thịnh “đồng nát”.