Khủng hoảng rác thải trầm trọng đang xảy ra tại Mỹ, và các chuyên gia vẫn chưa biết cần phải làm gì

J.D, Theo Helino 21:08 06/12/2018

Không chỉ Mỹ, mà nhiều quốc gia như Canada, Anh Quốc... cũng không biết cần phải làm gì sau lệnh cấm nhập khẩu rác mà Trung Quốc đã ban hành vào đầu năm 2018.

Câu chuyện xử lý rác thải đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ngay cả với một quốc gia phát triển như Mỹ. Hiện tại, lượng rác tái chế ở đây đang ngày càng chồng chất, và khổ một nỗi là họ vẫn chưa biết phải giải quyết chúng như thế nào.

Trước kia thì đây là vấn đề của Trung Quốc. Quốc gia này vốn là nhà nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, và Mỹ nằm trong số những nước xuất khẩu nhiều nhất với hơn 4000 tàu container rác tái chế được chuyển đi mỗi năm.

Khủng hoảng rác thải trầm trọng đang xảy ra tại Mỹ, và các chuyên gia vẫn chưa biết cần phải làm gì - Ảnh 1.

Mỗi năm, Mỹ tái chế khoảng 66 triệu tấn phế liệu, nhưng 1/3 số đó được bán ra nước ngoài - chủ yếu là tới Trung Quốc. Thậm chí có năm, vị khách hàng này nhận đến hơn một nửa số phế liệu do Mỹ đưa ra.

Nhưng rồi Trung Quốc cũng chán cái cảnh phải đi nhập khẩu rác, và đưa ra quyết định chấm dứt nhập khẩu phế liệu nhằm tập trung hơn vào việc giải quyết ô nhiễm môi trường trong nước. Quyết định có hiệu lực ngay trong năm 2018, và giờ đây đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện về rác.

Tại sao? Bởi vì thực tế là không có nhiều nơi trên thế giới có thể tiêu thụ nổi khối lượng rác tái chế khổng lồ ấy. Khi Trung Quốc đã lắc đầu thì không chỉ Mỹ, mà cả Canada, Úc, Anh Quốc và một số quốc gia tại châu Âu cũng đều bị ảnh hưởng.

"Không có một quốc gia nào, thậm chí là nhóm quốc gia có thể tiêu thụ nổi khối lượng rác mà Trung Quốc đã từng làm được," - trích lời Adiana Renee Adler - chuyên gia của Viện tái chế rác thuộc Washington.

Từ năm 1992, Trung Quốc đã đứng ra giải quyết đến 72% lượng rác nhựa tái chế trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu mới đây thì vì cái lắc đầu của họ, đến năm 2030 sẽ có hơn 111 triệu tấn rác nhựa không biết phải đi đâu về đâu. 

Khủng hoảng rác thải trầm trọng đang xảy ra tại Mỹ, và các chuyên gia vẫn chưa biết cần phải làm gì - Ảnh 2.

Rác tái chế của Mỹ đang ngày càng bị dồn ứ sau lệnh cấm nhập khẩu rác từ Trung Quốc

"Thực sự không dễ để dự đoán điều gì sẽ xảy ra với số rác vốn được chuyển đến xử lý tại Trung Quốc," - Jambeck, đồng tác giả nghiên cứu từ ĐH Georgia cho biết.

"Một phần sẽ được chuyển đến vài quốc gia khác, nhưng thực sự thì bản thân họ cũng không đủ cơ sở vật chất để giải quyết rác tồn đọng trong nước, nữa là rác từ nước ngoài."

Quay trở lại Mỹ, hiện tại lượng rác đang ngày càng ứ đọng. Rất nhiều cơ sở tái chế rác đã bị quá tải, dẫn đến chuyện họ chẳng buồn phân loại nữa mà để nguyên mọi thứ, chở thẳng ra bãi tiêu hủy. 

Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi. Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là đến năm 2020, họ không còn nhập khẩu rác nữa. Bởi vậy, các điều luật ngày càng được siết chặt.

Tháng 4/2018, Trung Quốc đưa ra kế hoạch cấm nhập khẩu 32 loại phế liệu kim loại. Phân nửa trong số này sẽ bị cấm vào năm 2019, và phần còn lại là năm 2020.

Vậy nên, các quốc gia như Mỹ sẽ phải sớm tìm ra một giải pháp để xử lý rác thải trong nước - bao gồm cả việc hạn chế sản sinh rác nữa, lẫn việc xử lý chúng. Bằng không, rác sẽ ngày càng dồn ứ và chẳng mấy chốc sẽ nhiều đến mức khiến cả quốc gia ngập ngụa trong rác. 

Khủng hoảng rác đã và đang thực sự xảy ra rồi. Trong khi đó, giới chuyên gia vẫn chưa biết cần phải làm gì.

Tham khảo: Science Alert