Khủng bố thuốc cảm Tylenol: Những vụ tử vong bí ẩn ở Mỹ

Phương Phương, Theo Đời sống & Pháp luật 22:41 03/09/2018

Cho đến ngày nay, những cái chết vì thuốc cảm Tylenol vẫn là bí ẩn vì giới chức Mỹ không thể xác định ai là thủ phạm đứng sau những vụ việc đáng tiếc.

Khủng bố thuốc cảm Tylenol: Những vụ tử vong bí ẩn ở Mỹ - Ảnh 1.

Một trong những nạn nhân tử vong sau khi dùng thuốc cảm Tylenol bị làm giả ở Chicago. Ảnh: CNN

"Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng mọi người đều nghĩ anh ấy chết do đau tim", Joseph Janus, em trai của nhân viên bưu điện Adam Janus kể lại. Tuy nhiên, sau khi gia đình, họ hàng đến để lo tang lễ thì một người em khác của ông Adam là Stanley Janus bỗng ôm ngực rồi ngã vật ra đất. Một loạt những cái chết bí ẩn ở khu vực Chicago, nước Mỹ bắt đầu từ ngày 29/9/1982, bao gồm: một đứa trẻ 12 tuổi ở Làng Elk Grove, một nhân viên bưu điện ở Arlington Heights, một người mẹ của 4 đứa con ở Winfield đều đột ngột ngã bệnh rồi qua đời.

"Nước bọt chảy từ miệng cậu ấy chảy ra", ông Joseph nói và cho biết thêm: "Mắt cậu ấy trợn lên". Lần thứ 2 trong ngày hôm đó, một chiếc xe cứu thương khác lại kéo đến nhà Janus. Và rồi, một thành viên khác trong gia đình cũng ngã xuống, đó là vợ của ông Stanley, bà Theresa.

Các nhà chức trách đã ngay lập tức cách ly cả gia đình và nghi ngờ 3 người nhà Janus gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, có thể là một loại dịch bệnh mới. Sau đó, một y tá được mời đến hiện trường và bà tìm thấy sự thật: các nạn nhân đã đã dùng thuốc cảm Tylenol. Trong thùng rác, bà tìm thấy một hóa đơn mua Tylenol vào buổi sáng cùng ngày.

"Nguyên nhân là do thuốc cảm Tylenol", cựu nhân viên y tế làng Arlington Heights Helen Jensen nhớ lại. "Có gì đó không ổn với Tylenol", bà nói.

Các vụ giết người bằng Tylenol

Sau khi những "vụ giết người bằng Tylenol" xảy ra khiến ít nhất 7 nạn nhân tử vong (bao gồm 3 người từ gia đình Janus), các nhà điều tra phát hiện ra viên nang Tylenol chứa cyanide.

Cyanide là chất độc ngăn chặn khả năng sử dụng oxy của cơ thể, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Nó đặc biệt gây hại cho tim và não bởi vì các cơ quan này sử dụng rất nhiều oxy.

"Cyanide hoạt động và có hiệu quả rất nhanh" Tiến sĩ Edmund Donoghue, giám đốc y khoa quận Cook, người từng tham gia vụ điều tra cho hay.

Khủng bố thuốc cảm Tylenol: Những vụ tử vong bí ẩn ở Mỹ - Ảnh 2.

Một số chai thuốc cảm Tylenol bị can thiệp và có chứa chất độc cyanide. Ảnh: Getty

Ở dạng tinh thể rắn, cyanide có thể gây tử vong cho con người với số lượng ít hơn 1 gram, mặc dù có nhiều người đã sống sót sau khi dùng nhiều hơn. Một vấn đề khác là ngay cả mùi của cyanide trong chai cũng gây nguy hiểm. "Mùi của cyanide được mô tả là giống như mùi hạnh nhân đắng", ông Donoghue – một người dân quan tâm đến vụ việc từng hỏi chuyện nhà điều tra cho biết. "Một số người sẽ chỉ nói đó là một mùi rất hăng".

Khi các nhà điều tra phát hiện ra rằng ai đó đã ác ý cho cyanide vào một số chai thuốc cảm, người tiêu dùng ngay lập tức được cảnh báo là không nên tiếp tục dùng thuốc. Sau một loạt tai nạn chết người, ít nhất 31 triệu chai thuốc cảm Tylenol trên toàn nước Mỹ đã bị thu hồi bởi nhà sản xuất Johnson & Johnson.

Công ty đã hợp tác với các nhà điều tra và sau đó đưa ra một phần thưởng trị giá 100.000 USD cho ai có thể cung cấp thông tin giúp xác định và kết án kẻ chịu trách nhiệm.

Công ty thuốc đã kết thúc thử nghiệm 1,5 triệu chai và tìm thấy 3 chai chưa mở nhiễm cyanide - đưa tổng số chai thuốc bị làm giả lên đến con số 10 chai. Ông Donoghue nói: “Cho dù là ai mà uống phải thuốc này có cyanide trong đó, người đó đều sẽ chết”.

Cho đến nay, hơn 3 thập kỷ đã trôi qua nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Nỗ lực ngăn chặn thuốc giả

Các quan chức Mỹ vẫn chưa thể xác định kẻ giết người, nhưng họ đã cố gắng ngăn chặn những tai nạn tương tự xảy ra lần nữa.

Vào năm 1982, Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ đã ban hành các quy định đầu tiên về việc đóng gói những loại thuốc không được kê đơn để phân biệt thuốc giả. Công ty Johnson & Johnson công bố kế hoạch để đóng gói kín Tylenol với 3 vòng kiểm soát: một hộp thuốc sẽ có nắp dán, một chiếc nhẫn nhựa quanh cổ và một con dấu.

Johnson & Johnson sau đó cũng chuyển sang sản xuất các "viên nang" rắn thay vì các viên nang chứa đầy bột - loại dễ dàng bị pha trộn cyanide. Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật vào năm 1983, nhìn nhận những kẻ làm giả các loại thuốc và hàng tiêu dùng khác là tội phạm liên bang.

Các yêu cầu đóng gói thuốc bán không theo đơn của cơ quan chức năng cũng yêu cầu các nhà sản xuất thuốc trình bày cụ thể về nhãn hiệu và cách nhận biết thuốc thật. Thay đổi quan trọng này không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng một công cụ để xác định các loại thuốc đã được mở ra hoặc bị tạp nhiễm hay chưa mà còn góp phần thay đổi nhận thức rằng luôn luôn tồn tại những rủi ro liên quan đến thuốc.

Tuy nhiên, những vụ chết người năm 1982 vì thuốc cảm Tylenol vẫn chưa dừng lại. Năm 1986, một phụ nữ đã cho cyanide vào thuốc trị đau đầu Excedrin, đầu độc chồng và một người lạ khiến cả 2 người thiệt mạng. Khoảng 5 năm sau đó, vào năm 1991, một người đàn ông ở bang Seattle cũng cho cyanide vào Sudafed nhằm sát hại người vợ của mình, nhưng nạn nhân tử vong lại là 2 người lạ.

Ông Jay Kennedy, một trợ lý giáo sư tại trường Tư pháp hình sự, Trung tâm chống hàng giả và bảo vệ sản phẩm tại Đại học bang Michigan cho biết: "Nguy cơ luôn luôn tồn tại. Thuốc giả được thực hiện bởi những kẻ có mục tiêu chính là kiếm tiền chứ không phải để giết người nhưng cuối cùng vẫn có rất nhiều người tử vong một cách oan ức”.

(Theo CNN)