Không phải là ngoại hình bạn thế nào, mà bạn đã sống ra sao mới là điều quan trọng

Nâu đá nhiều sữa, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 31/07/2016

Xấu - béo - đen - gầy - lùn… không phải là thứ mà chúng ta có thể đem ra chế giễu một người, như thể họ là một kẻ tham lam - xấu tính - ích kỷ và ác ý.

Vào cấp 1, khoảng lớp 2, lớp 3 gì đấy, lần đầu tiên tôi cảm thấy xấu hổ vì cơ thể của mình.

Đó là trong một lớp học bán trú, chúng tôi đang ngồi xếp hàng để chờ đến lượt mình vào lấy cơm. Khi tôi lấy phần của mình và quay ra ngoài, bất giác, người nấu bếp khi đấy - vốn là chồng của cô chủ nhiệm - đã thốt lên rất to giữa lớp: Chân con bé này to nhỉ! Tôi khựng lại, nửa bối rối, nửa xấu hổ và thật sự không biết phải làm gì khi cả lớp đang quay ra nhìn mình. Dĩ nhiên, sau đó là một chuỗi phản ứng quen thuộc, những tràng cười ác ý của lũ trẻ con đồng lứa. Những biệt danh đã được đặt ra, và tôi dành cả quãng thời gian còn lại của suốt những năm cấp 1, sống trong sự chịu đựng những trò đùa và cả những cái tên xấu xí ấy. Cho đến tận bây giờ khi đã trưởng thành và không một lời chế giễu nào có thể chạm đến sự yếu đuối trong tôi, nhưng khi nhớ lại bản thân mình của năm lớp 2 đó, tôi vẫn cảm thấy nỗi sợ hãi, sự tủi thân và có gì đó oan ức khi trở thành chủ đề trêu chọc của đám bạn cùng lớp.

Không phải là ngoại hình bạn thế nào, mà bạn đã sống ra sao mới là điều quan trọng - Ảnh 1.

Tôi không ngại khi nói rằng, tôi viết bài viết này dựa theo rất nhiều cảm xúc cá nhân, những trải nghiệm mà tôi đã trải qua khi là một đứa con gái không có ngoại hình đúng chuẩn. Đã có lúc tôi rất béo, và bị thằng bạn cùng lớp trừng mắt lên chửi khi trót cười vào một trò đùa của nó. Đã có lúc tôi lại rất gầy. Và hầu như lúc nào tôi cũng trong tình trạng đen nhẻm. Năm tôi học đại học, tôi không cảm thấy buồn cho lắm khi không sở hữu màu da trắng bóc theo phong cách Ngọc Trinh. Tôi cảm thấy điều đó hoàn toàn bình thường và coi đó là một phần cuộc sống của mình. Dù vậy, tôi vẫn nhớ những câu kiểu như: Eo ơi! Sao đen thế - khi một vài người bạn so sánh màu da với tôi. Tôi khi đó - hoàn toàn vô tư và coi đó là một trò vui đùa giữa những người bạn, nhưng khi những lời trêu chọc của họ thốt ra như thể nước da tối màu của tôi là cái gì đó… đáng kinh, tôi cảm thấy đây không đơn thuần là một trò vui nữa, hoặc giả với họ là vui - nhưng là một trò vui khi lấy sự khác biệt của mỗi người làm cái để chế nhạo lẫn nhau.

Và đó là lần đầu tiên, tôi cảm thấy thật sự bị tổn thương và hiểu cảm xúc của mình năm lớp 2, khi đứng giữa lớp bán trú đấy và xấu hổ, cúi đầu về chỗ thật nhanh. Tôi không cảm thấy ghét bản thân hay ghét việc da mình đen nhẻm, tôi ghét cảm giác bị coi là "hỏng", là một "sai lầm", và việc tôi khác mọi người bỗng chốc trở thành một tội lỗi mà tôi phải cảm thấy xấu hổ vì nó.

Không phải là ngoại hình bạn thế nào, mà bạn đã sống ra sao mới là điều quan trọng - Ảnh 2.

Body shaming hay chế nhạo về ngoại hình là một trong những thứ quá quen thuộc mà ai trong chúng ta cũng trải qua ở đời sống hàng ngày. "Sao béo thế, sao lùn thế, sao đen thế, sao gầy thế". Quá nhiều thứ thuộc về ngoại hình của bạn có thể khiến người khác cảm thấy không hài lòng, và những lời chê bai buột ra như một phản xạ mà người nói đôi khi chỉ nghĩ là một câu bông đùa vô hại. Có thể, nó đúng là một lời nói đùa vui vẻ, và người phải nghe những lời nói ấy cũng không cảm thấy quá nặng nề. Cũng có thể, họ bị tổn thương và không nói ra vì đã âm thầm chấp nhận việc không đẹp là một cái sai.

Vậy tất cả chúng ta có đáng phải chấp nhận việc mình "không đẹp" là một tội lỗi cá nhân hay không? Tôi của năm lớp 2 và tôi của thời đại học có đáng phải chịu những cảm xúc tiêu cực như vậy, về một thứ mà mình không thể thay đổi không? Không, chắc chắn là không. Trong số những việc đáng bị chế giễu với tôi (một danh sách dài những việc chơi xấu bạn bè, trở thành một kẻ bất lịch sự nơi công cộng) - không có chỗ cho việc có một ngoại hình không đẹp. Xấu - béo - đen - gầy - lùn… không phải là thứ mà chúng ta có thể đem ra chế giễu một người, như thể họ là một kẻ tham lam - xấu tính - ích kỷ và ác ý.

Có nhiều người cho rằng, việc chê một ai đó về ngoại hình hoàn toàn bắt nguồn từ những mong muốn khiến họ trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta đang quên đi một việc, tốt hơn trong mắt chúng ta, tốt hơn cho vừa tiêu chuẩn xã hội, nhưng có thật sự là điều mà họ cảm thấy cần thiết? Bạn không thể đến trước một người không có nhu cầu sở hữu một thân hình thon thả và nói là hãy giảm cân đi. Bạn cũng không thể nói một cô gái có xương hàm vuông là "nhìn đàn ông thế" cho dù cô ấy hoàn toàn vui vẻ với vẻ góc cạnh của mình. Nếu ai đó cảm thấy thật sự thoải mái và hạnh phúc vì cơ thể của mình - không ai có quyền hạ thấp ngoại hình của họ.

Không phải là ngoại hình bạn thế nào, mà bạn đã sống ra sao mới là điều quan trọng - Ảnh 3.

Tất nhiên, không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình không thích một vẻ ngoài xinh đẹp. Nhưng body shaming hoàn toàn đi ngược lại sự đa dạng đích thực của cuộc sống. Chúng ta không thể mong chờ một xã hội hoàn hảo, nơi tất cả mọi người đều mặc size XS, có mũi cao S-line và cằm V-line. Cuộc sống thật có những người béo, những người gầy và rất gầy, những người có đùi to, những người da ngăm - da đen, có những người da trắng bóc và cả những người có quai hàm bạnh, và chẳng có lý do gì mà họ - những người không sở hữu vẻ đẹp chuẩn chung, phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực từ những lời nói body shame vô thức của bạn.

Body shaming còn là câu chuyện về giới tính, tôi đã từng thấy những chàng trai gầy gò, ốm yếu vật lộn trước những lời miệt thị: Nhìn gay quá. Hay những cô gái có thân hình chắc nịch khoẻ mạnh bị nói là: "Nhìn như đàn ông". Và trong trường hợp bạn đã quên, thì rất nhiều vụ bạo hành trường học đến từ việc vẻ ngoài của bé trai không được "nam tính" như bạn đồng lứa.

Không phải là ngoại hình bạn thế nào, mà bạn đã sống ra sao mới là điều quan trọng - Ảnh 4.

Tôi không muốn nhìn những đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng, mình phải gầy như người mẫu Victoria’s Secret mới có thể nhận được ánh mắt ngưỡng mộ từ người khác. Tôi cũng không muốn con gái mình, con trai mình bất lực đứng trước gương và nhận ra rằng mình không bao giờ có thể nhìn giống Suzy hay Brad Pitt. Và trời ơi, mỗi khi có bất kỳ ai thốt lên một cách kỳ thị trước vẻ ngoài của người khác, tôi luôn cảm thấy một sự tức giận trào dâng. Liệu họ sẽ cảm thấy thế nào, khi con cái mình lớn lên một cách hạnh phúc và giỏi giang, để rồi phải lắng nghe những lời chế giễu về ngoại hình như cách mà họ đã từng chế giễu người khác? Họ sẽ cảm thấy thế nào, khi chính con cái mình bị chê là quai hàm bạnh, là chân cong, là đùi to, là mũi tẹt, là mắt xếch? Họ có thể bỏ tiền cho con mình phẫu thuật thẩm mỹ để có vẻ đẹp theo chuẩn chung, nhưng liệu có phải đó là điều những đứa trẻ mong muốn? Tôi không lên án chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng nó cần được xuất phát từ những mong muốn tự thân chứ không phải là đến từ tác động bên ngoài. Và những đứa trẻ, cần được lớn lên khoẻ mạnh, với suy nghĩ rằng chúng là những tạo vật hoàn hảo nhất chứ không phải là một phiên bản lỗi cần phải thay đổi.

Không phải là ngoại hình bạn thế nào, mà bạn đã sống ra sao mới là điều quan trọng - Ảnh 5.

Tôi biết rằng, body shaming đã trở nên quen thuộc đến mức chúng ta không thể chỉ đơn thuần nói bỏ, là có thể đưa nó ra khỏi cuộc sống. Nhưng đối với tôi, một người đã từng bị body shaming và cũng đã từng body shame người khác - việc học cách không còn nghĩ nhiều và ngăn mình không nói những lời tiêu cực về ngoại hình của ai đó đã khiến cuộc sống của tôi nhẹ nhàng và tích cực hơn rất nhiều. Bạn nhìn mọi người theo một cách khoan dung hơn, bạn chấp nhận sự không hoàn hảo như một phần của cuộc sống, trong một căn phòng với một vài người đẹp và nhiều người "không đẹp như vậy", bạn sẽ đơn giản chỉ là thấy sự đa dạng, sự khác biệt của những con người, chứ hoàn toàn không có sự phân loại béo, gầy, xấu, đẹp. Bạn học được cách nhìn ra những vẻ đẹp riêng của mỗi người, và tự tin về chính bản thân mình.

Bởi đến cuối ngày, không phải việc bạn có xinh đẹp hay không, mà là việc bạn hạnh phúc thế nào và có một cuộc sống tuyệt vời ra sao, đó mới là những gì quan trọng nhất.