Không dám đặt mông lên bồn cầu trong toilet công cộng, bạn đã phạm phải một sai lầm rất lớn

Oct, Theo Helino 17:00 25/06/2018

Nhiều người vì sợ bẩn mà phải "vận công" ngồi rất hờ hững trên bồn cầu, thậm chí leo lên ngồi xổm luôn mà không biết đến những nguy cơ khủng khiếp đằng sau.

Có lẽ hiếm người có thể cảm thấy thoải mái khi bước vào một nhà vệ sinh công cộng. Đa số chỉ dùng để đi "nhẹ", còn phải đến lúc bí bách lắm, không còn lựa chọn nào khác mới tìm cách "hạ bàn" xuống chiếc bồn cầu trong đó.

Cũng dễ hiểu thôi! WC vốn là một từ gắn với định nghĩa bẩn, nữa là một cái WC được hàng trăm, hàng ngàn người sử dụng trước đó.

Không dám đặt mông lên bồn cầu trong toilet công cộng, bạn đã phạm phải một sai lầm rất lớn - Ảnh 1.

Vừa ngồi vừa lo mất...

Nếu bạn cũng sợ thì quả thực là xét trên một số góc độ, bạn không sai đâu. Bản chất của thế giới này là một ổ vi khuẩn, trong đó mỗi chúng ta thậm chí nuôi dưỡng cả một hệ sinh thái vi khuẩn khác nhau trên cơ thể. Như khoa học đã chứng minh thì ít nhất 1kg cân nặng của chúng ta chính là vi khuẩn rồi.

Và cũng theo khoa học thì khi "đi cầu", ít nhất 54% lượng phân thải ra chính là vi khuẩn trong ruột của bạn. Phần lớn là lợi khuẩn, nhưng cũng có trường hợp mang mầm bệnh như E.coli, Staphylococcus (tụ cầu khuẩn), Streptococcus (liên cầu khuẩn)... cùng vô vàn các loại virus khác nữa.

Bản chất toilet công cộng là để nhiều người sử dụng, nên hiển nhiên đó là một nơi bẩn. Nhưng cũng vì nghĩ như vậy nên nhiều người khi sử dụng còn chẳng dám đặt mông xuống, chỉ... ngồi hờ, thậm chí đặt hẳn chân lên bệ để ngồi xổm khi "hành sự".

Vì sợ bẩn, nhiều người hoặc ngồi xổm, hoặc ngồi theo kiểu "vũ trụ" (phải)

Và đó là một sai lầm lớn

Trên thực tế, việc nhiễm khuẩn chỉ vì ngồi xuống một cái bồn cầu là điều rất hiếm khi xảy ra. Đơn giản là vì hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn đều yêu cầu có sự tiếp xúc qua đường miệng: từ tay chạm miệng, tay chạm đồ ăn đi vào miệng, hoặc đồ ăn đặt trên bề mặt bị nhiễm khuẩn...

Còn bản chất da người đã được bao phủ bởi một lớp vi khuẩn tự nhiên, có tác dụng giống như tấm khiên bảo vệ chúng ta vậy. Và ngay dưới lớp vi khuẩn này còn là một tấm khiên khác hiệu quả hơn - chính là hệ miễn dịch. 

Không dám đặt mông lên bồn cầu trong toilet công cộng, bạn đã phạm phải một sai lầm rất lớn - Ảnh 3.

Vi khuẩn bên ngoài có thể bị cơ thể chặn lại, khó lòng xâm nhập

Nói cách khác, bạn chẳng việc gì phải... vận nội công mà ngồi lơ lửng trên bồn cầu, cũng không việc gì phải ngồi xổm trên bệ cả, vì chúng chẳng có tác dụng gì đâu. Mà thậm chí, các tư thế như vậy còn làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, thậm chí khiến bạn dễ gặp chấn thương hơn hẳn.

"Vấn đề khi vận sức "ngồi hờ" là các cơ xung quanh vùng xương chậu - bao gồm cả cơ bụng, cơ lưng và cơ xoay hông - đều bị căng quá mức" - Brianne Grogan - chuyên gia sức khỏe tại Anh Quốc giải thích.

"Cơ hông căng quá mức sẽ khiến bàng quang khó xả nước, khiến bạn buộc phải "rặn" mạnh hơn. Quá trình này lặp lại thường xuyên có thể khiến các cơ quan xung quanh hông bị sệ xuống."

Không dám đặt mông lên bồn cầu trong toilet công cộng, bạn đã phạm phải một sai lầm rất lớn - Ảnh 4.

Cũng theo Grogan, dòng chảy nước tiểu bị nghẽn sẽ dẫn đến tình trạng bàng quang không xả hết nước, và nó khiến tần suất phải "đi" của bạn tăng lên. Trong một số trường hợp, bạn còn dễ bị viêm nhiễm bàng quang, và trải nghiệm ấy thì không hay chút nào đâu. 

Riêng với trường hợp ngồi xổm - sẽ thế nào nếu không may bạn trượt chân? Hơn nữa, bồn cầu vốn không được thiết kế để chịu áp lực quá lớn, và nếu nó vỡ ra thì nguy cơ chấn thương nghiêm trọng là không hề nhỏ đâu.

Không dám đặt mông lên bồn cầu trong toilet công cộng, bạn đã phạm phải một sai lầm rất lớn - Ảnh 5.

Bạn có thể bị nhiễm khuẩn qua đường nào?

Như đã nêu, lớp vi khuẩn tự nhiên ngoài da cùng hệ miễn dịch có thể trở thành lớp lá chắn bảo vệ chúng ta một cách hết sức hiệu quả.

Hơn nữa, WC công cộng ở hầu hết các nước phát triển đều tương đối sạch sẽ vì được lau dọn thường xuyên - đặc biệt là khu vực bồn cầu. Có thể nói, chúng không bẩn như bạn nghĩ, và cũng khó lòng khiến vi khuẩn phát tán mạnh được. 

Tuy nhiên, câu chuyện lại nằm ở các khu vực xung quanh bồn cầu. Theo như một nghiên cứu vào năm 2011 thì mỗi lần chúng ta bấm nút xả, nước trong bồn cầu sẽ văng ra những giọt tí hon, bắn đi mọi hướng. Bởi vậy, các vật dụng xung quanh bồn cầu - như sàn toilet, cửa, nắm đấm cửa, thậm chí là cả khay đựng giấy vệ sinh cũng chứa một lượng vi khuẩn rất lớn.

Không dám đặt mông lên bồn cầu trong toilet công cộng, bạn đã phạm phải một sai lầm rất lớn - Ảnh 6.

Vi khuẩn có thể bắn đi hàng mét khi giật nước bồn cầu

Đó là chưa kể đến chuyện nhiều người sau khi đi vệ sinh còn quên rửa tay. Vậy nên ngay cả nắm đấm cửa chính của toilet cũng là một ổ vi khuẩn khổng lồ.

Tóm lại, kẻ thù chính của bạn khi vào WC công cộng không phải là cái bồn cầu, mà chính là đôi bàn tay. Hãy rửa nó thật kỹ bằng xà phòng - ít nhất trong vòng 20s - 30s

Và khi mở cửa bước ra, có thể cân nhắc dùng một lớp giấy bọc tay nắm lại, tránh cho số vi khuẩn ấy lọt vào tay bạn một lần nữa. 

Tham khảo: University of Leicester