Không có biểu hiện bất thường, chỉ đôi lúc ra khí hư màu vàng, người phụ nữ không ngờ mình bị ung thư cổ tử cung

TT, Theo Báo Dân Sinh 13:26 31/10/2019

Trong lần đi khám sức khỏe định kỳ, người phụ nữ không ngờ mình bị ung thư cổ tử cung.

Bệnh nhân không có biểu hiện ung thư cổ tử cung

Đó là trường hợp bệnh nhân Lê Thị N. (Thái Nguyên). Chị N. nhập viện sau một lần đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Hà nội. Chị N. cho biết, chị không có biểu hiện bất thường ngoại trừ đôi lúc ra khí hư màu vàng hơi hôi. Chị cũng không có biểu hiện ra máu âm đạo hay gầy sút cân. Trong lần đi khám này, bác sĩ nghi ngờ chị N. bị khối u ở tử cung nên đã tiến hành chụp chiếu và sinh thiết khối u cổ tử cung. Kết quả chẩn đoán là ung thư biểu mô vảy không sừng hóa ở cổ tử cung giai đoạn còn sớm.

Sau khi cân nhắc, các bác sĩ tại khoa Ung bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà nội tư vấn cho bệnh nhân và gia đình thực hiện phương pháp mới, phẫu thuật nội soi điều trị ung thư cổ tử cung.

Không có biểu hiện bất thường, chỉ đôi lúc ra khí hư màu vàng, người phụ nữ không ngờ mình bị ung thư cổ tử cung - Ảnh 1.

ThS. Đào Tiến Lục, Phó khoa Ung bướu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trước đây khi ung thư cổ tử cung phải mổ mở cắt tử cung triệt căn kèm nạo vét hạch hệ thống. Đây là phương pháp mổ truyền thống, cần phải rạch một đường mổ dài ở bụng với đường kính từ 20 - 30cm. Sau khi phẫu thuật xong bệnh nhân thường hồi phục sau mổ chậm, lâu ngồi dậy được do vết mổ dài và lớn gây đau. Sẹo mổ dài cũng làm mất thẩm mỹ.

Hiện nay trên thế giới, phẫu thuật nội soi điều trị ung thư cổ tử cung đã được áp dụng ở nhiều nước có nền y học tiên tiến. Với ưu điểm vượt trội so với phương pháp mổ mở truyền thống, phẫu thuật nội soi đảm bảo an toàn, hiệu quả cao, cắt tử cung triệt căn một cách rộng rãi và nạo vét hạch hệ thống đảm bảo lấy hết u, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn so với mổ mở truyền thống. Phẫu thuật nội soi còn mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho bệnh nhân.

Với sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, phẫu tích tỉ mỉ ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân sau mổ 2 ngày đã có thể trung tiện và sang ngày thứ 3 người bệnh có thể ăn uống và ngồi dậy sinh hoạt bình thường.

Bệnh nhân N. cho biết: "Khi thông báo bị ung thư cổ tử cung, tôi thực sự rất hoang mang, lo sợ. Sau khi được các bác sĩ khoa Ung bướu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải thích cặn kẽ về bệnh tật cũng như phương pháp mổ nội soi có thể chữa khỏi và cắt hết chân khối u nên tôi đã rất yên tâm. Hiện tại, sau mổ 4 ngày tôi đã có thể ngồi dậy sinh hoạt được tương đối bình thường".

Không có biểu hiện bất thường, chỉ đôi lúc ra khí hư màu vàng, người phụ nữ không ngờ mình bị ung thư cổ tử cung - Ảnh 2.

Khám định kỳ phát hiện tổn thương trong đường sinh dục

Theo bác sĩ Đào Tiến Lục, tử cung là cơ quan quan trọng của người phụ nữ, đây là cơ quan có vai trò chứa thai nhi trong quá trình mang thai cũng là nơi diễn ra quá trình hành kinh hàng tháng ở người phụ nữ. Cổ tử cung là vị trí thường gặp phải bệnh lý ở phụ nữ trong độ tuổi còn quan hệ tình dục, trong đó có bệnh ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý liên quan chặt chẽ tới nhiễm HPV (virus sinh u nhú ở người), điều kiện kinh tế thấp không chăm sóc tốt bộ phận sinh dục nữ, quan hệ nhiều bạn tình và quan hệ tình dục sớm. Trong các yếu tố trên thì nhiễm HPV có vai trò quan trọng nhất, hiện nay trên thế giới thống kê được trên 200 chủng loại HPV khác nhau, trong đó có 4 chủng liên quan đến sinh u cục đường sinh dục gồm 6, 11, 16 và 18.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý có thể điều trị khỏi được khi được phát hiện ở giai đoạn sớm. Điều trị ung thư cổ tử cung bao gồm kết hợp phẫu thuật - xạ trị - hóa chất, trong đó phẫu thuật đóng vai trò then chốt quyết định sự thành công hay thất bại của điều trị đối với khối u ở giai đoạn sớm.

Bác sĩ Đào Tiến Lục khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi còn quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa định kỳ 1 năm/lần để phát hiện các tổn thương trong đường sinh dục nữ, trong đó có sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung.