Không chỉ riêng Taylor Swift, đây là những nghệ sĩ sẵn sàng đấu tranh để giành lại quyền sở hữu các bản nhạc của họ

Vinh Lê, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/07/2019

Trước Taylor Swift, Prince, Jay-Z, Paul McCartney,… được xem là những người tiên phong trong công cuộc đòi lại quyền kiểm soát gia tài âm nhạc của chính mình.

Sau khi sự việc Scooter Braun mua lại hãng đĩa Big Machine được công bố, quyền sở hữu bản quyền các bản thu âm gốc đứng trước nguy cơ vượt khỏi tầm tay của Taylor Swift. Có thể nói, đây không chỉ là báu vật của riêng giọng ca "ME!" mà còn mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Big Machine. Bất kỳ ai cũng biết, Taylor Swift chính là quân bài chủ chốt của hãng đĩa này, lượng doanh thu đạt được của nữ ca sĩ luôn chiếm hơn 50% toàn bộ thị phần.

Không chỉ riêng Taylor Swift, đây là những nghệ sĩ sẵn sàng đấu tranh để giành lại quyền sở hữu các bản nhạc của họ - Ảnh 1.

Bức tâm thư được Taylor Swift chia sẻ trên Tumblr nói về quyết định không tái kí hợp đồng với Big Machine vì cô đã biết trước về việc hãng đĩa sẽ bị bán đi, đồng nghĩa "bán đi bản thân tôi và tương lai của tôi về sau".

Việc nắm giữ quyền sở hữu các bản nhạc gốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình sử dụng chúng vào mục đích thương mại. Thông thường, những nghệ sĩ muốn được toàn quyền sở hữu các ca khúc của họ nhưng lại luôn bị các hãng đĩa kiểm soát chặt chẽ. Nguyên nhân xuất phát từ việc nó không chỉ cho phép chủ sở hữu thu tiền bản quyền trong quá trình trao đổi, mua bán các bản thu âm gốc, mà họ còn được quản lý hoàn toàn cách thức và nơi sử dụng chúng. Chính vì thế, các hãng đĩa không bao giờ để mất đi đặc quyền này một cách dễ dàng.

Trước Taylor Swift, lịch sử nền âm nhạc thế giới từng chứng kiến những sự việc đấu tranh đòi lại quyền kiểm soát các bản thu âm với giá trị cao ngất ngưởng. Vào năm 1993, Prince là nghệ sĩ được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến với hãng đĩa Waner Bros, nơi phát hành 18 album đình đám, trong đó bao gồm 2 siêu hit công phá toàn cầu là "Purple Rain" và "1999". 

Theo đó, ông không hề đồng ý với những điều khoản về quyền sở hữu được quy định trong hợp đồng. Đặc biệt, việc phát hành liên tục những album tổng hợp nhằm mục đích thu lợi khiến Prince quyết định chọn con đường chiến đấu để giành lại quyền sở hữu các bản thu âm gốc của chính mình.

Không chỉ riêng Taylor Swift, đây là những nghệ sĩ sẵn sàng đấu tranh để giành lại quyền sở hữu các bản nhạc của họ - Ảnh 2.

Trong các buổi biểu diễn, Prince luôn xuất hiện với dòng chữ "Nô lệ" được in đậm một bên má nhằm tố cáo hãng đĩa đang bóc lột trên chính sức lao động của ông và hy vọng sẽ được trao lại quyền sở hữu những đứa con tinh thần.

Sau khi thoát khỏi hãng đĩa Waner Bros, huyền thoại âm nhạc thế giới hợp tác cùng nhiều hãng đĩa khác nhau. Tuy nhiên đến tận năm 2014, ông mới lấy lại bản quyền cho tất cả các ca khúc của mình suốt hai thập kỷ không ngừng đấu tranh. Đồng thời, Prince chính thức tái ký hợp đồng với Waner Bros để phát hành phiên bản kỷ niệm 30 năm của album "Purple Rain".

Để có thể lấy lại quyền sở hữu các bản thu âm gốc có khi phải mất gần nửa thế kỷ, đó chính là câu chuyện của Paul McCartney – thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Cụ thể, cuối những năm 1980, ông hoàng nhạc pop Michael Jackson quyết định mua lại ATV Music – đơn vị nắm giữ các bản nhạc của The Beatles. Sau đó, Paul McCartney đề nghị lấy lại những ca khúc mà ông đã sáng tác cho ban nhạc nhưng lại bị ATV Music từ chối một cách thẳng thừng. Mãi đến khi luật Bản quyền Hoa Kỳ được ban hành, cho phép nhạc sĩ lấy lại các bản nhạc do họ sáng tác từ các hãng đĩa, công ty đang sở hữu nhưng thời gian lấy lại được quy định lên đến 56 năm. 

Không chỉ riêng Taylor Swift, đây là những nghệ sĩ sẵn sàng đấu tranh để giành lại quyền sở hữu các bản nhạc của họ - Ảnh 3.

Để sở hữu các tác phẩm do mình sáng tác, Paul McCartney phải chờ hơn nửa thế kỷ.

Như vậy, năm 2018, Paul McCartney chính thức sở hữu lại 32 bản thu âm gốc bao gồm nhiều bản hit đình đám một thời như "She Came In Through The Bathroom Window", "Come Together", "Carry That Weight", "Golden Slumbers",… Tuy vậy, ông chỉ sở hữu và thu lợi nhuận duy nhất trên đất nước Hoa Kỳ. Đối với thị trường quốc tế, nó vẫn là bản quyền của công ty ATV Music.

Quyền sở hữu của Jay-Z đã giành chiến thắng mà không xảy ra bất kỳ "trận chiến" về pháp lý nào, nam rapper chính thức nắm giữ các bản thu âm gốc của mình thông qua điều kiện trong hợp đồng mới với hãng đĩa Def Jam. Không gì khác, đó chính là chiếc ghế chủ tịch và giám đốc điều hành hãng đĩa này. Tuy nhiên Jay-Z chính thức từ giã Def Jam vào năm 2007 và thành lập công ty giải trí đa năng mang tên Roc Nation. Đồng nghĩa, nam rapper có thể sẽ mất quyền sở hữu chúng một lần nữa.

Không chỉ riêng Taylor Swift, đây là những nghệ sĩ sẵn sàng đấu tranh để giành lại quyền sở hữu các bản nhạc của họ - Ảnh 4.

Jay-Z luôn nâng đỡ cho các tài năng trẻ phát triển trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Nhưng căn cứ theo các điều khoản được thỏa thuận giữa nam rapper với hãng đĩa Def Jam, Jay-Z đã quay trở lại kiểm soát bản quyền các bản thu âm gốc vào năm 2014. Một năm sau đó, chủ nhân hit "Anything" cho ra mắt ứng dụng TIDAL - nền tảng âm nhạc trực tuyến để phát hành độc quyền những ca khúc của mình và nhiều ngôi sao nổi tiếng khác như Beyoncé, Nicki Minaj, Rihanna, Madonna…

Không thể vắng mặt tại danh sách này chính là Rihanna, sau khi gây tiếng vang trong khoảng thời gian đầu quân cho công ty giải trí Roc Nation, nữ ca sĩ chính thức lấy lại bản quyền cho tất cả album cũ thuộc về hãng đĩa Def Jam. Mặc dù, không có một báo cáo cụ thể về tổng giá trị của những album này nhưng chắc chắn đấy là con số khá lớn.

Ngoài các tên tuổi nêu trên còn rất nhiều vụ việc tranh chấp về bản quyền sở hữu giữa nghệ sĩ với hãng đĩa như ban nhạc huyền thoại U2, Courtney Love, Janet Jackson,... Họ đều phải trải qua một quá trình đấu tranh dai dẳng, cũng như phải trả một khoản chi phí rất cao để có thể sở hữu được những tác phẩm âm nhạc của mình. 

Nguồn tham khảo: Billboard