Không chỉ phụ nữ mới sợ bị chê "ế", đàn ông cũng suốt ngày bị giục phải cưới thôi!

Ngọc Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 16:51 27/02/2017

Đừng tưởng chỉ có con gái mới vướng vào nỗi khổ tâm này nhé, con trai chúng tôi cũng không khá khẩm hơn là mấy đâu.

Thân là một đấng nam nhi, ấy thế mà khi đọc tâm sự của các chị em kể khổ việc bị bố mẹ, họ hàng thúc giục chuyện mau chóng kết hôn, tôi lại thấy đồng cảm vô cùng. Đơn giản là vì không chỉ con gái, mà con trai cũng bị giao chỉ tiêu không kém.

Năm nay tôi 25 tuổi, vừa đi làm được hơn 1 năm, thu nhập không cao nhưng cũng không phải xin trợ cấp thêm từ gia đình. Thế là Tết vừa rồi, bố mẹ tôi nói bóng nói gió việc dẫn bạn gái về ra mắt. Nào là lớn rồi, lấy vợ để ổn định (tôi còn chưa lo xong cho mình mà), lấy vợ để không chơi bời lêu lổng (trong khi tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về), lấy vợ rồi sinh em bé để ông bà trông cho (nếu tôi thích thuê người giúp việc hơn thì sao?)... Nói chung là cũng thúc giục rất hăng.

Không chỉ phụ nữ mới sợ bị chê ế, đàn ông cũng suốt ngày bị giục phải cưới thôi! - Ảnh 1.

Thế nhưng bố mẹ tôi quên mất rằng, khi vừa chân ướt chân ráo vào đại học, bố mẹ tôi đã giao hẹn "không được vội vã yêu đương tán tỉnh con gái nhà người ta đâu đấy, tập trung học cho tốt đi đã!", vậy mà bây giờ, đùng một cái, bố mẹ lại bắt tôi lấy vợ, trong khi tôi và người yêu mình còn chưa gặp mặt nhau bao giờ...

Vì quá nghe lời bố mẹ, tôi chẳng quen biết, yêu đương ai suốt 4 năm trời. Đến khi đi làm cũng bận tối mặt tối mũi, làm gì có thời gian tìm hiểu, hẹn hò. Mấy chị đồng nghiệp có lòng tốt giới thiệu cho tôi vài người, nhưng khi đi cà phê nói chuyện, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao hoàn thành dự án thật tốt nên các cô ấy cũng chán. Có phải lỗi của tôi đâu, tôi chỉ muốn trở thành một người đàn ông có công danh sự nghiệp thành đạt thôi mà!

Gia đình, họ hàng thấy thế nên càng sốt ruột. Có ông bác còn nói nhỏ với bố tôi: "Hay là thằng này không thích con gái, chú xem thế nào đừng khắt khe quá, cứ mở rộng lòng bảo nó dẫn bạn trai về, có hai thằng con trai, mình cũng chẳng thiệt." Bố tôi cứng họng, không nói được lời nào.

Không chỉ phụ nữ mới sợ bị chê ế, đàn ông cũng suốt ngày bị giục phải cưới thôi! - Ảnh 2.

Nhìn lại thì, tôi thấy cuộc đời mình chẳng nào một đề toán. Giải hết bài này lại đến bài kia. 2 tuổi đi học lớp mầm, 4 tuổi vào mẫu giáo. 6 tuổi học lớp 1, 12 tuổi vào cấp 2, 18 tuổi tốt nghiệp cấp 3, đồng thời phải vào được đại học. Tốt nghiệp đại học phải có việc làm. Có việc làm rồi thì phải cưới vợ. Ai bảo chỉ con gái mới có cái mốc "27 tuổi lấy chồng", đàn ông con trai 29 tuổi chưa vợ cũng bị cả thiên hạ dèm pha "đồ ế vợ" như thường. Làm đàn ông đã khổ, đến lúc bố mẹ thúc giục chuyện vợ con còn khổ hơn.

Đặc biệt những ai là con cháu đích tôn trong họ hàng, dòng tộc thì càng đau đầu chuyện lấy vợ đúng tuổi. Lúc này, không chỉ bố mẹ giục giã ời ời, mà ông nội bà ngoại, cô dì chú bác, anh em họ hàng xa bắn đại bác bảy ngày không tới cũng sốt sắng lo chuyện kết hôn của bạn. Mọi người ra sức làm mối làm mai: con ông A ngoan hiền, con bà B lanh lợi, em chị C giỏi giang, kiếm tiền tấn, cháu chú D biết làm ăn, thu tiền tỷ...

Không chỉ phụ nữ mới sợ bị chê ế, đàn ông cũng suốt ngày bị giục phải cưới thôi! - Ảnh 3.

Cứ thế cứ thế cuộc hôn nhân của bạn không còn là của riêng bạn nữa, bạn lấy vợ không phải chỉ cho mình, mà là cho bố mẹ, họ hàng. Đám cưới của anh họ tôi (cháu đích tôn nhà ngoại) có lẽ là đám cưới to nhất, hoành tráng nhất tôi từng được tham dự. Hơn 300 mâm cỗ mừng anh thoát ế ở tuổi 35.

Khi đại diện nhà trai đứng lên phát biểu, tôi chẳng nhìn thấy trong mắt anh niềm vui, niềm hạnh phúc, mà thay vào đó là nỗi lo lắng, áp lực phải đẻ được thằng cu trong năm nay. Chị dâu tôi cũng chẳng khá hơn. Áp lực phải đẻ được người nối dõi đè nặng lên vai chị, và chắc chắn là nặng hơn số vòng kiềng vàng chị được trao - dù nó vô hình.

Thế đấy, tôi rất sợ những cuộc hôn nhân bị gia đình thúc ép kinh khủng như vậy. Nên mặc dù bố mẹ giao hẹn cuối tuần này về ăn cơm để bàn thêm về chuyện này, thì có lẽ tôi cũng đành phải tìm lý do thoái thác thôi.

Không chỉ phụ nữ mới sợ bị chê ế, đàn ông cũng suốt ngày bị giục phải cưới thôi! - Ảnh 4.

Tuy nhiên, để mà nói thì các bậc phụ huynh thúc giục chuyện cưới xin cũng có nguyên do hết cả. Họ luôn có suy nghĩ "cứ cho nó lấy vợ đi là chuyện gì cũng xong hết."

Chẳng hạn, một anh ham chơi lấy vợ xong sẽ biết ở nhà tu chí làm ăn.

Một anh trẻ con lấy vợ xong sẽ thành người lớn. 

Một anh vô tâm vô tính lấy vợ xong sẽ lột xác trở thành người đàn ông biết thấu hiểu và đồng cảm...

Chính vì suy nghĩ như thế nên con trai đến tuổi (29, và cùng lắm là 33) sẽ bị thúc ép chuyện lấy vợ, như một chiếc tem đảm bảo "nhìn tôi này, tôi đã thay đổi thành người biết suy nghĩ, chín chắn và thành công rồi đấy nhé."

Không chỉ phụ nữ mới sợ bị chê ế, đàn ông cũng suốt ngày bị giục phải cưới thôi! - Ảnh 5.

Tất nhiên là tôi không thích những cuộc hôn nhân như thế rồi. Tôi chỉ kết hôn khi tìm được người con gái khiến mình rung động, là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, là người tôi muốn cùng chia sẻ cả quãng đời sau này, là người sẽ trở thành mẹ của các con tôi, và là con của bố mẹ tôi.

Có thể ngay bây giờ tôi chưa đáp ứng của mong muốn của bố mẹ, nhưng tôi sẽ tìm cách nói để cho hai cụ hiểu nỗi lòng của tôi. Tôi vẫn thích con gái, nhưng không có nghĩa là tôi sẽ ra đường vớ đại một cô nào đấy về làm con dâu của bố mẹ. Hãy cho chúng tôi thời gian để học cách làm một người đàn ông chín chắn, một người chồng không vô tâm. Khi ấy, bố mẹ tôi sẽ có được cô con dâu tuyệt nhất trên đời.