Không chỉ là bộ phim siêu anh hùng, bom tấn "Aquaman" còn là tiếng lòng của thiên nhiên

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:08 15/12/2018

Xem Aquaman: Đế Vương Atlantis, khán giả như đắm chìm vào những cảnh quay kì vĩ nơi biển cả. Thế nhưng biển cả càng đẹp lộng lẫy bao nhiêu, thì những cảnh quay thực tế về rác thải, về ô nhiễm môi trường lại càng ám ảnh bấy nhiêu.

Được biết đến như một bộ phim khắc hoạ siêu anh hùng của DC, Aquaman: Đế Vương Atlantis còn khiến khán giả bất ngờ khi gây ấn tượng bởi tình yêu đẹp của cặp nam – nữ chính. Nhưng ám ảnh nhất lại là những cảnh quay ngắn về hậu hoạ của việc đối xử tệ hại với môi trường.

Trailer phim Aquaman: Đế Vương Atlantis

"Hàng chục năm ô nhiễm đã bị ném lại lên mặt đất"

Dù chỉ là câu thoại chiếm không đến 3 giây của phim, lại lẫn cùng hàng loạt những tiếng đọc tin khác, nhưng đây có lẽ là câu thoại gây ám ảnh nhất đối với khán giả. Trong phim, Orm Marius (Patrick Wilson) – người em cùng mẹ khác cha với Arthur Curry/Aquaman (Jason Momoa) vì quá tức giận với những hành động của con người nên đã dội toàn bộ rác thải trả lại cho đất liền. Lượng rác thải chúng ta nhận lại ấy đã tạo nên một cảnh tượng không ai có thể tưởng tượng ra. Biết bao bờ biển trải dài nay ngập tràn trong rác. Sóng đánh dập dìu cũng chỉ mang theo vỏ chai, vỏ hộp.

Không chỉ là bộ phim siêu anh hùng, bom tấn Aquaman còn là tiếng lòng của thiên nhiên - Ảnh 2.

Vai diễn Orm Marius

Thực ra, chúng ta hoàn toàn có thể tặc lưỡi rằng "Phim ảnh mà, cứ làm quá lên doạ mình thôi". Nhưng không đâu! Những khung cảnh kì vĩ, nhưng trận chiến quyết tử của hai anh em Aquaman có thể là kịch bản gây dựng, nhưng những rác rưởi đó thì không. Một nhóm các giáo sư môi trường tại Đại học Georgia (Mỹ) đã công bố trên tạp chí khoa học Science rằng với khảo sát của họ, ước tính mỗi năm đại dương phải gánh chịu 8,8 triệu tấn rác thải, trong đó bao gồm túi nilon, chai lọ, dao kéo, bao bì thực phẩm, bàn chải đánh răng và nhiều loại khác. Con số ấy chỉ cần nhân với 10 năm đã đủ lớn lắm rồi, huống hồ là mấy chục năm.

Thử tưởng tượng xem, với từng ấy rác thải thì con người sẽ sống ở đâu? Rồi nếu một ngày viễn cảnh ấy xảy ra thật, có lẽ hai từ "hối hận" chắc sẽ là từ thông dụng nhất của từ điển mất. Chúng ta cứ thản nhiên "thả" rác xuống nguồn nước, rồi đến một ngày không xa, rác sẽ cùng với cơn giận dữ của thiên nhiên "ném" trả lại cuộc đời chúng ta.

Aquaman muốn bảo vệ con người, nhưng phải bảo vệ cho những kẻ sai trái ra sao?

Cậy mình hiểu biết, con người ôm tham vọng khai thác và khám phá triệt để thế giới. Nhưng cái kết nhãn tiền từ Atlantis có lẽ chính là điều chúng ta cần xem xét. Cũng vì tìm hiểu những công nghệ mới mà Atlantis đã biến mất khỏi bản đồ thế giới. Mặt khác, việc "vô tình" xuống được nơi Atlantis ẩn mình, bắn trọng thương vua Nereus (Dolph Lundgren) chính là giọt nước tràn ly để Orm hành động.

Ban đầu, Arthur nhất quyết không xuống biển với Mera (Amber Heard) bởi anh không muốn làm Vua, càng không dính đến nơi đã bức tử mẹ anh. Nhưng rồi vì những con người anh gặp mỗi ngày, Arthur đã ra đi. Nơi đầu tiên anh đến là nơi Mera giấu tàu ngầm đã là tận đáy biển, thế nhưng khi con tàu rời đi thì ở lại không phải là những sản phẩm của biển cả. Toàn là những thùng sắt, những kiện hàng của con người.

Không chỉ là bộ phim siêu anh hùng, bom tấn Aquaman còn là tiếng lòng của thiên nhiên - Ảnh 3.

Arthur và Mera

Khi đối diện với Orm, Arthur không thể bênh vực được gì cho con người khi nhìn những hình ảnh phản chiếu dày đặc xung quanh mình. Môi trường sống bị ô nhiễm, con cái của dân Alantis bị đầu độc. Chúng chết dần chết mòn không chỉ vì rác thải, mà còn vì chiến tranh, vì con người đánh bắt không có tổ chức… Orm lôi những bằng chứng này ra có điểm nào là hoang đường hay làm quá đâu.

Vậy Arthur phải bảo vệ ra sao? Chẳng lẽ nhất quyết bảo vệ một cách mù quáng, không cho Orm trừng phạt con người. Đồng nghĩa với việc cổ xuý cho việc làm sai trái này của con người và đẩy dân Atlantis vào bế tắc. Như thế thì Arthur lại không đủ tư cách trở thành Ocean master rồi!

Thiên nhiên còn lên tiếng vì chính nó, vậy bao giờ con người mới chịu hành động vì chính mình?

Ở đoạn kết phim, giữa cuộc hỗn chiến của các phe phái, khi Arthur đã thực sự trở thành một Ocean master, cùng với chiếc đinh ba quyền năng và khả năng liên kết với tất cả các sinh vật biển, anh đã tạo nên một cảnh tượng vô cùng ấn tượng. Tất cả những sinh vật biển thuần tuý đã theo lệnh mà tấn công lại đội quân của Orm và các đồng minh (ám chỉ các sinh vật biển tiến hoá, được trang bị vũ khí và mặc giáp). Hai đội quân đối đầu, rõ là về lực có thể những sinh vật biển nguyên thuỷ của Aquaman sẽ thua, nhưng sức mạnh tiềm ẩn của thiên nhiên luôn rất ghê gớm nên cái kết có lẽ không khó đoán.

Không chỉ là bộ phim siêu anh hùng, bom tấn Aquaman còn là tiếng lòng của thiên nhiên - Ảnh 4.
Không chỉ là bộ phim siêu anh hùng, bom tấn Aquaman còn là tiếng lòng của thiên nhiên - Ảnh 5.
Không chỉ là bộ phim siêu anh hùng, bom tấn Aquaman còn là tiếng lòng của thiên nhiên - Ảnh 6.

Phải chăng chính những "người con của biển" cũng phản đối đồng loại của họ khi có chiến tranh phi nghĩa nổ ra? Orm mang danh đi trừng phạt con người nhưng chính Orm đang tự huỷ hoại môi trường sống của mình. Trước khi trừng phạt được con người, hắn đã đi xâm lược các vương quốc khác. Khiến chúng sụp đổ rồi mới đứng lên xưng vương. Cái hư danh ấy liệu còn có nghĩa lý gì khi lòng trung thành không có, vương quốc thì điêu tàn?

Tạm kết

Thực ra vấn nạn về môi trường là điều rất dễ thấy trong Aquaman: Đế Vương Atlantis cũng như hàng loạt các bộ phim khác. Nhưng để từ thấy, đến thầu, rồi hành động là cả một quá trình rất dài. Thời gian vẫn còn nhiều để chúng ta thay đổi, nhưng cũng là ít nếu chúng ta không chịu đổi thay những thói quen sống dù là nhỏ nhất. Hãy nhớ lại cái nhìn sợ hãi của 3 nhân vật trong bản tin mà bộ phim đưa tới và sống sao để đó không bao giờ trở thành ánh mắt của chính mình, bạn nhé!