Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ

Hoàng Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/08/2018

Sau khi công khai giới tính của mình, những người LGBT vẫn sẽ luôn nhận được sự đồng cảm, tôn trọng của mọi người. Dù là "đồng tính", "song tính", "dị tính", "liên giới tính", chẳng liên quan, chỉ cần sống với nhau trọn vẹn hai chữ "nhân tính" là đủ.

Bạn đã xem bộ phim sử thi bom tấn "Rome", được biết đến với cái tên Việt Nam là "Máu lửa thành Rome" chưa?

Hay bạn đã từng nghe cụm từ "mối tình đoạn tụ"?

Thôi được rồi, nếu bạn chưa từng nghe hay xem cả hai thứ trên, thì vẫn có một thứ bạn chắc chắn phải biết, bất kể bạn là mấy X.

Bạn biết iPhone, iPad và cái hãng Táo khuyết chứ?

Thế thì, có một ông tên là Tim Cook là CEO của cái hãng ấy, và ông Cook có điểm chung với hai nhân vật chính trong những sự kiện tôi nói ở đầu bài, cho dù họ sống cách nhau đến vài chục thế kỷ.

Họ đều là những người đồng tính.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 1.

"Rome" nói về cuộc chiến ở thành Rome trong thời kỳ hỗn loạn của La Mã cổ đại, vào khoảng năm 80 Trước Công nguyên. Một trong những nhân vật chính của phim là chàng trai Julius Ceasar, người sau này sẽ lừng lẫy khắp thế giới với danh xưng "Ceasar Đại đế".

Ceasar từng có tin đồn rằng ông có mối tình đồng tính với vị vua Nicomedes IV xứ Bithynia .

"Mối tình đoạn tụ" lại xảy ra thời nhà Hán ở Trung Quốc. Hán Ai Đế Lưu Hân sủng ái một người hầu nam tên là Đổng Hiền. Đổng Hiền được tả là xinh đẹp quyến rũ, phong thái tư chất đều không khác gì một người nữ. Hán Ai Đế sủng ái Đổng Hiền đến nỗi cho đi cùng xe, ngủ cùng giường. Trong một giấc trưa, Đổng Hiền gối lên tay Hán Ai Đế ngủ say. Khi vị vua thức dậy trước đã không nỡ đánh thức người tình bèn lấy kiếm cắt đứt cánh tay áo của mình.

Người đời sau mới gọi mối tình của Ai Đế và Đổng Hiền là mối tình "cắt tay áo" (đoạn tụ).

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ

Thế còn Tim Cook?

Cách đây 4 năm, vị Tổng giám đốc điều hành của Apple đã dẫn đầu 5.000 nhân viên tham gia Gay Pride tại San Francisco. Ông từng đề nghị Quốc hội chấp thuận một dự luật để "bảo vệ các công nhân khỏi nạn phân biệt đối xử dựa trên giới tính".

Xem ra, từ thời thượng cổ, đồng tính đã là một nhóm giới tính/bản dạng giới tuy thiểu số nhưng luôn luôn tồn tại và song hành cùng cộng đồng đa số là dị tính.

Năm 2016, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) công bố một báo cáo về nhận dạng xu hướng tính dục, hấp dẫn tình dục và hành vi tình dục khá thú vị. Khảo sát này được thực hiện trên 9000 người từ độ tuổi 18-44, kéo dài trong ba năm 2011-2013.

Đây là vài con số đáng lưu ý:

Về "nhận dạng xu hướng tính dục":

1,3% nữ và 1,9% nam nhận mình là "người đồng tính."

5,5% nữ và 2% nam nhận mình là "người song tính."

Về hấp dẫn giới tính:

81% nữ và 92,1% nam cho biết mình "chỉ thấy hấp dẫn với người khác giới"

Như vậy, có tới 19% nữ và 7,9% nam có cảm thấy sự thu hút giới tính với người cùng giới hoặc cả hai giới.

Về "hành vi tình dục":

17,4% nữ và 6,2% nam cho biết từng có tiếp xúc tình dục với người cùng giới.

Tuy nhiên, phong trào "Gay Pride" mới chỉ được hình thành cách đây 50 năm. Nó xuất phát từ một sự kiện tên là Cuộc nổi dậy Stonewall.

 Cuộc nổi dậy Stonewall

"Ngay trước nửa đêm ngày 27/6/1969, 4 cảnh sát sắc phục và 2 cảnh sát thường phục bước vào quán bar Stonewall (New York-Mỹ) với phần lớn người đồng tính và chuyển giới đang tụ tập, để "kiểm tra việc bán chất có cồn bất hợp pháp." Cảnh sát bắt đầu bao vây khu vực quán bar. Rạng sáng hôm sau, cảnh sát bắt đầu dùng vũ lực bắt giữ những khách hàng của quán. Đó là hành động bình thường bấy giờ khi nạn bắt bớ thường xuyên hướng tới người đồng tính và chuyển giới.

Nhưng lần này, một điều khác thường đã xảy ra. Thay vì im lặng bước vào bóng tối, 200 khách hàng của quán bar đã lao vào và chống trả cảnh sát túi bụi bằng bất cứ thứ gì họ có được.

Đêm hôm ấy tại Stonewall đã khơi ngòi cho 3 đêm biểu tình liên tục và 50 năm miệt mài của phong trào đấu tranh vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trên khắp thế giới.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 4.

Nhiều người nước ngoài tham gia vào lễ diễu hành ủng hộ những người LGBT.

Các tờ báo lớn đều hoàn toàn im lặng trước sự kiện Stonewall. Nhưng chỉ trong một ngày, một tờ rơi kêu gọi thành lập tổ chức đã được phát đi. Và đến cuối tháng 7, Mặt trận Giải phóng Đồng tính (Gay Liberation Front) được thành lập.

Cuộc nổi dậy Stonewall tuy không phải là lần đầu tiên những người LGBT đứng lên chống trả sự đàn áp, nhưng nó đã thay đổi hoàn toàn cục diện lịch sử lúc bấy giờ và trở thành nguồn động viên bất diệt cho phong trào quyền của LGBT trên khắp nước Mỹ cũng như thế giới.

Tròn một năm sau, trong lễ kỷ niệm Cuộc nổi dậy Stonewall, một cuộc tuần hành nhỏ từ công viên Acquatic tới Trung tâm Thị chính San Francisco đã diễn ra. Cùng ngày 27/6/1970, Chicago Gay Liberation tổ chức một cuộc tuần hành khác. Đây là hai Tuần hành Tự hào (Pride Parade) đầu tiên trên thế giới".

Gay Pride: Đừng mặc cảm nữa, hãy yêu mến bản thân mình

Ban đầu, chữ Tự hào được dùng để cổ vũ những người LGBT : không phải mặc cảm hèn kém, tự ti, "bệnh hoạn" nữa, bạn nên yêu mến bản thân mình, tự hào về nhận thức giới tính và thiên hướng tình dục của mình. Bởi vì ông trời đã phú cho người ta sự đa dạng, và nhận thức giới tính và thiên hướng tình dục là bẩm sinh và không thể cố tình thay đổi được.

Dần dần, tháng Sáu hàng năm trở thành thời điểm để các thành phố tổ chức lễ diễu hành Tự hào Đồng tính của mình.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 5.

Một bạn trẻ cầm lá cờ mang những màu sắc rực rỡ tượng trưng cho sự đa dạng của bản dạng giới tính

Năm 1978, lá cờ cầu vồng với tám màu, lá cờ mang những màu sắc rực rỡ tượng trưng cho sự đa dạng của bản dạng giới tính xuất hiện tại Ngày Tự do quyền đồng tính tại TP San Francisco. Một năm sau nó được giảm màu hồng vì… nhà in thiếu mực; sau đó giảm tiếp màu chàm để cờ có số vạch chẵn, trở thành cờ lục sắc như ngày nay.

Ngày nay Gay Pride xuất hiện ở hàng trăm thành phố khác nhau trên toàn thế giới, tuy nhiên đã thay đổi cơ bản ý nghĩa chính trị của nó. Chỉ ở một số nơi mà đồng tính vẫn bị xem là tội phạm hoặc tệ nạn, Gay Pride mới còn mang ý nghĩa phản kháng ban đầu.

Đa phần Gay Pride ngày nay mang tính lễ hội văn hóa. Tại Thụy Điển, "Stockholm Gay Pride" đã bỏ chữ "gay", chỉ còn là "Stockholm Pride." Nhiều nơi khác, Pride cũng trở thành sự kiện chung của cả đất nước, thành phố, có sự tham gia của cả chính quyền và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy du lịch, văn hóa, kinh tế. Các nước gần nhau còn thỏa thuận các Pride Week liên tiếp nhau, để du khách có thể làm một "Pride Tour" suốt mùa hè.

Năm 2013, Sao Paulo Gay Pride tại Brazil trở thành Pride lớn nhất với 3 triệu người cùng diễu hành.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 6.

Luật pháp của các nước cũng thay đổi theo hướng thừa nhận điều này. Cho tới năm 2017, đã có 25 quốc gia trên toàn thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng đã có một bước tiến, dù không mạnh mẽ như dự thảo luật trước đó.

Việt Nam: chưa bảo hộ nhưng không cấm

Từ quy định khắc nghiệt "Cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính" - do đó hành vi kết hôn của những người đồng giới sẽ bị xử phạt, điều 8 của bộ luật đã thay đổi thành "Nhà nước không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Nghĩa là những người đồng giới được tự do làm đám cưới, tự do chung sống, nhưng chưa được pháp luật bảo hộ.

Với con số được thống kê (chắc chắn chưa đầy đủ) ở Việt Nam có 2,5 triệu người LGBT trên tổng số 90 triệu dân, lý do khiến "phe truyền thống" chiến thắng trong việc thay đổi luật pháp là những lo ngại về thuần phong mỹ tục Việt Nam, không bảo đảm duy trì nòi giống, cùng các lo âu về các hệ lụy tiêu cực . v.v. Nhưng chắc chắn, việc thừa nhận sự đa dạng của các bản dạng giới tính sẽ phải xảy đến trong một tương lai gần, vì đó là xu hướng không thể cưỡng được của tự nhiên và của sự văn minh đích thực.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 7.

Tại Việt Nam, những người đồng giới được tự do làm đám cưới, tự do chung sống, nhưng chưa được pháp luật bảo hộ.

Thực tế trong xã hội Việt Nam, mặc dù luật pháp chưa hoàn toàn cởi bỏ định kiến, nhưng rất dễ thấy là ngày càng nhiều người xem LGBT là điều hoàn toàn bình thường. Từ trường học đến công sở, việc các cá nhân LGBT tự do thể hiện bản dạng giới và kể cả bản sắc của mình không còn bị xem là "lệch lạc", "quái dị". 

Nhiều người nổi tiếng làm việc trong nhiều lĩnh vực công khai mình thuộc cộng đồng LGBT. Nhiều đám cưới đồng tính diễn ra, được gia đình, bạn bè, xã hội chúc phúc. Thậm chí trong một số lĩnh vực công việc như dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, các bạn LGBT được ưu tiên vì thường có lợi thế ngoại hình dễ nhìn, biết chăm sóc bản thân, nhạy cảm, tính tình vui vẻ và ăn nói dịu dàng dễ nghe.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 8.

Cách đây 6 năm, một nhóm bạn LGBT tại Sài Gòn đã tổ chức cuộc thi Thegioithu3 Next top Angel, mô phỏng cuộc thi Next top Model đình đám. Gia Kỳ, Elena, Tô Phi, Minh Ngọc-người làm văn phòng, người làm nghề trang điểm, người là diễn viên tự do, người làm nghề cắt tóc… cả bốn không ai có nhiều tiền. Họ dốc tiền tiết kiệm, đi mượn địa điểm, nhận quảng cáo từ những người bạn thông cảm, ăn cơm hộp, … để dành tiền tổ chức cuộc chơi lành mạnh và hết sức vui vẻ cho cộng đồng. Sáu năm sau, từ chỗ chỉ ở nhà phụ bán hàng cho mẹ và đến đêm mới dám "làm lộ" cho thỏa ước mơ làm con gái, nhiều bạn đã tự tin bước ra với xã hội, làm người mẫu cho các sàn diễn thời trang, làm diễn viên tự do, spa, hoặc các công việc phù hợp và có thu nhập ổn định khác.

Có một sự thật là trong tất cả mọi nghề nghiệp, mọi lĩnh vực, mọi vị trí, đều có người thuộc cộng đồng LGBT, chỉ là họ có công khai điều đó hay không mà thôi.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 9.

Bình - Nickie Tran là đầu bếp sở hữu thương hiệu "Cậu Ba quán" có tiếng ở Sài Gòn cũng như bắt đầu mở ra ở Mỹ. Mới nhất, "Kau Ba" của Bình được báo chí Mỹ đánh giá là một trong mười nhà hàng "hot" nhất tháng tám tại Houston. Thành công từ thực lực của mình (sau nhiều lần bầm dập và trả giá đắt), Bình nhiều lần khẳng định quan điểm: "Không cần phải tự hào vì mình là cong hay thẳng. Chỉ cần tự hào vì mình là người đàng hoàng". Đây cũng là quan điểm của nhiều người bạn LGBT mà tôi biết.

Chỉ cần trọn vẹn 2 chữ nhân tính

Ừ, Angelina Jolie là người song tính đấy. Và Megan Fox, Lindsay Lohan, Miley Cyrus… Và John Huy Trần, Đào Bá Lộc, Adrian Anh Tuấn, BB Trần… Và Johanna Sigurdardottir, nữ thủ tướng đầu tiên của Iceland, nhậm chức vào năm 2009. Và Leo Varadkar, thủ tướng trẻ nhất lịch sử Ireland khi nhậm chức vào năm ngoái, lúc ông 38 tuổi. Và cựu Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông nước Pháp, ông Frederic Mitterrand. Và cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao nước Anh, Nam tước Chris Smith. Và thị trưởng thủ đô Paris Bertrand Delanoe. Và Xuân Diệu, ông vua thơ tình Việt Nam. Và gần gũi với giới trẻ Việt Nam nữa thì có cây bút Nguyễn Ngọc Thạch. Ôi nhiều quá kể sao cho hết.

Đồng tính, dị tính, song tính, liên giới tính thì đã làm sao? Chỉ cần tròn đầy nhân tính là đủ - Ảnh 10.

Sau khi công khai bản dạng giới, người hâm mộ vẫn yêu thương họ. Gia đình vẫn luôn bên họ.

Là vì tình cảm và sự tôn trọng sẽ luôn luôn dành cho tài năng và cách sống.

Là vì "đồng tính", "song tính", "dị tính", "liên giới tính", chẳng liên quan. Chỉ cần sống với nhau trọn vẹn hai chữ "nhân tính" là đủ.

*Bài viết có sử dụng một số tài liệu của 6sac.com và Gay Pride.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày