Khoa học tự tin khẳng định hồi sinh được loài ngựa thời tiền sử từ một cái xác đóng băng 42.000 năm trước

J.D, Theo Helino 18:04 10/04/2019

Quả là một tin đầy chấn động đối với giới nghiên cứu di truyền học trên thế giới.

Lớp băng vĩnh cửu tại Siberia và phía Bắc nước Nga từ lâu đã được giới khoa học ví là "kho báu vô giá" của nhân loại. Lớp băng ấy đã tồn tại từ hàng chục ngàn năm trước ở nhiệt độ cực lạnh, cho phép bảo quản xác của những sinh vật đã nằm xuống ở đó một cách hoàn hảo. 

Như bức hình dưới đây chẳng hạn, là cái xác của loài ngựa Lenskaya có nguồn gốc từ thời tiền sử. Cái xác thuộc về một con ngựa non khoảng 2 tuần tuổi, đã chết và bị chôn vùi đến 42.170 năm dưới lớp băng vĩnh cửu tại Siberia. 

Một cái xác được bảo toàn một cách hoàn hảo, đến mức các mẫu ADN cũng gần như còn nguyên vẹn.

Khoa học tự tin khẳng định hồi sinh được loài ngựa thời tiền sử từ một cái xác đóng băng 42.000 năm trước - Ảnh 1.

Và mới đây, các nhà khoa học từ Nga và Hàn Quốc đã tự tin tuyên bố họ có thể tận dụng cái xác này để hồi sinh loài ngựa sinh sống cùng thời với voi mammoth. 

Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Yakutsk cho biết họ đã phải rất nỗ lực trong 7 tháng để nghiên cứu xác của con ngựa này, và hoàn toàn tự tin rằng có thể tách ra những tế bào cần thiết để nhân bản chúng.

"Các chuyên gia hết sức tự tin vào dự án lần này," - trích trong báo cáo của ĐH Yakutsk. "Họ sẽ thực hiện việc tách tế bào cho đến hết tháng 4/2019." Và nếu thành công, loài ngựa từng tuyệt chủng 4000 năm trước sẽ lại một lần nữa sải bước trên Trái đất này.

Theo kế hoạch, các chuyên gia sẽ tiến hành nuôi cấy phôi của ngựa Lenskaya, sau đó cấy vào tử cung của ngựa cái ngày nay. Hiện tại, họ đang lựa chọn một con ngựa phù hợp cho nhiệm vụ mang tính lịch sử này. 

Được biết, nghiên cứu được lãnh đạo bởi chuyên gia nhân bản vô tính hàng đầu của Hàn Quốc - giáo sư Hwang Woo-suk. Giáo sư Hwang cũng là thành viên của dự án hồi sinh voi mammoth đang có nhiều triển vọng hiện nay.

Quá trình xử lý xác con ngựa bị đóng băng từ hơn 42.000 năm trước

"Có tổng cộng 7 nhà nghiên cứu là người Hàn trong dự án này, và tất cả đều tự tin vào kết quả của nó," - tiến sĩ Lena Grigoryeva, chuyên gia người Nga cho biết. 

Grigoryeva chia sẻ, lần thử nhân bản đầu tiên sẽ được thực hiện với một con ngựa của Hàn Quốc. "Ngựa ở Hàn là loài phù hợp nhất. Chúng đã từng được sử dụng trong các thí nghiệm nhân bản trước kia, nên công nghệ liên quan có thể nói là gần như hoàn hảo."

"Thêm vào đó, ngựa Hàn Quốc có nguồn gốc khá cổ. Đó là hậu duệ của giống ngựa Mông Cổ xưa."

Một lựa chọn khác là sử dụng ngựa Yakut - một giống ngựa bản địa tại phía Đông Siberia, nhiều khả năng là hậu duệ của ngựa Lenskaya. Loài ngựa này có thể sống sót qua mùa đông với nhiệt độ thấp đến -60°C, nghĩa là khả năng sinh tồn cực mạnh. 

Khoa học tự tin khẳng định hồi sinh được loài ngựa thời tiền sử từ một cái xác đóng băng 42.000 năm trước - Ảnh 5.

Theo tiến sĩ Semyon Grigoryev - chuyên gia đến từ Bảo tàng voi Mammoth tại Yakutsk, dự án này nếu như thành công sẽ là sự cổ vũ rất lớn dành cho dự án hồi sinh voi mammoth sau này.

Tham khảo: CNN, Daily Mail