Khi ta khiến một người tổn thương, vết sẹo để lại trong lòng họ là mãi mãi

Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 11:00 12/10/2016

Bài học quý giá về những cây đinh ghim trên hàng rào bằng gỗ mà bố John dạy cho cậu đã khiến cậu nhận ra được một chân lý sống trong cuộc đời này.

John là một cậu bé có tính khí nóng nảy và cậu ấy thậm chí còn luôn thể hiện điều đó ra bên ngoài. Vì tính cách này mà John không có nhiều bạn, bởi ai mà lại muốn làm bạn với một người suốt ngày hằn học và nóng nảy với mọi người xung quanh mình cơ chứ?

Tuy nhiên, bên cạnh John vẫn có một số người bạn tin tưởng rằng sau sự nóng nảy đó chính là một cậu bé rất tốt bụng với tấm lòng rộng lượng. Nhưng rồi vì tính cách đã hình thành thói quen, nên John cứ luôn làm tổn thương mọi người xung quanh bằng lời nói của mình. Nhìn thấy bạn bè của con trai mình cứ lần lượt lần lượt rời đi hết, bố của John bắt đầu chú ý đến tính cách của con trai và tìm cách để khiến cậu bé thay đổi.

Khi ta khiến một người tổn thương, vết sẹo để lại trong lòng họ là mãi mãi - Ảnh 1.

Một ngày nọ, khi nhìn thấy John đang quát cô bé hàng xóm chỉ vì cô bé ấy quá yếu đuối, bố cậu đã xuất hiện và đến cạnh bên cậu.

"Con trai à, phái nữ vốn là những người yếu đuối vì thế mà cần được người đàn ông mạnh mẽ như chúng ta chở che".

"Nhưng cậu ấy cứ suốt ngày nhõng nhẽo và khóc nhè khiến con bực mình lắm!".

John cãi lại bố bằng một vẻ mặt khá bất mãn. Bố của John vỗ vai cậu, rồi đưa cho cậu một túi đinh.

"Cái gì vậy bố?".

"Đây là điều bố muốn con làm: Từ nay về sau, mỗi lần con bực bội, nóng nảy và làm một ai đó tổn thương, hãy đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ trước nhà chúng ta nhé!".

John nhận lấy bao đinh, không hiểu rõ được toàn bộ dụng ý của bố nhưng cậu vẫn chấp nhận và thực hiện yêu cầu của ông.

Khi ta khiến một người tổn thương, vết sẹo để lại trong lòng họ là mãi mãi - Ảnh 2.

Ngày đầu tiên kể từ lúc nhận được bao đinh từ bố, John đã đóng 37 cây đinh vào hàng rào. Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi thực hiện thì John mới biết việc đóng đinh cần rất nhiều sức và điều đó khiến cậu cảm thấy mệt mỏi và bực dọc vô cùng.

Những ngày tiếp theo, John cố gắng kiềm chế lại sự nóng nảy của mình để không phải đóng nhiều đinh vào hàng rào, và quả thực số cây đinh được ghim lên trên đó giảm hẳn. Dưới sự quan sát của bố và sự trung thực, biết giữ lời hứa của bản thân, John chưa hề ăn gian một lần nào cả.

Một thời gian sau đó, John bỗng nhiên nhận ra rằng việc kiềm chế sự nóng nảy của mình thậm chí lại còn dễ hơn việc tỉ mẩn đóng từng cây đinh vào hàng rào. Cho đến một ngày mà John thực sự không còn tùy tiện nóng nảy với một ai đó, cũng là lúc bịch đinh đã vơi, cậu chạy đến tìm bố và khoe khoang với ông.

Khi ta khiến một người tổn thương, vết sẹo để lại trong lòng họ là mãi mãi - Ảnh 3.

"Bố ơi bố! Con đã có thể kiềm chế được tính cách của chính mình rồi. Ngày hôm qua, hôm kia, và cả tuần trước nữa, con đã chẳng đóng lên hàng rào một cây đinh nào".

Bố của John mỉm cười hài lòng, sau đó cùng John đi đến khu vực hàng rào.

"Nào, bây giờ thì con hãy gỡ từng cây đinh ra cho bố xem".

John hơi nhíu mày nhưng rồi cũng làm theo lời bố. Tưởng như cậu có thể làm hết trong một ngày, nhưng thực tế John lại mất một tuần mới có thể tháo gỡ toàn bộ đinh khỏi hàng rào gỗ.

Khi John đưa bố đến xem thành quả của mình, ông mỉm cười xoa đầu John rồi nói:

"Con làm tốt lắm. Nhưng con hãy thử nhìn những cái lỗ mà cây đinh đó để lại trên miếng gỗ này đi, hàng rào của bố cũng đã chẳng còn là cái hàng rào nguyên vẹn trước đó nữa".

Khi John bắt đầu im lặng, bố cậu lại tiếp tục nói:

"Con thử tưởng tượng những cây đinh chính là sự nóng nảy của con khiến người khác tổn thương. Còn những cái lỗ chính là vết sẹo con để lại trong lòng họ vĩnh viễn. Dù sau này con có nhận sai và nói xin lỗi một ngàn lần với họ, vết sẹo trong lòng họ sẽ chẳng bao giờ biến mất".

Khi ta khiến một người tổn thương, vết sẹo để lại trong lòng họ là mãi mãi - Ảnh 4.

Sau lời giải thích của bố, John nhận ra mọi chuyện và bắt đầu khóc. Cậu liên tục nói xin lỗi với bố dù biết điều đó thật vô nghĩa. Nhưng ông vẫn ôm chầm lấy John và nói: "Bố nghĩ là người con cần xin lỗi còn rất nhiều ở ngoài kia. Con sẽ xin lỗi họ chứ? Vì ít ra điều đó cũng có thể xoa dịu vết thương trong lòng họ".

John lau nước mắt, gật đầu chào bố rồi chạy vụt đi. Ngày hôm đó, John đã tìm đến những người bạn của mình và bày tỏ lòng xin lỗi. Vì là những đứa trẻ chưa lớn, nên chúng rất dễ dàng mà tha thứ cho nhau.

Từ ngày đó, John quan tâm và thấu hiểu tâm trạng của mọi người hơn. Cậu bé không còn nóng tính nữa mà càng ngày càng có nhiều bạn bè hơn. John cũng hiểu rằng cuộc sống này chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người khác thì mới có thể thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau một cách chân thành.