Khi đứa trẻ "dại dột vì tình thương" bị người lớn mang ra cảnh tỉnh: Bởi chúng ta luôn có nhiều nỗi sợ hơn Chiến

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/03/2019

Ngay khi bắt đầu hành trình 100km từ quê nhà Sơn La đến viện Nhi Hà Nội, trong suy nghĩ của Chiến không hề có những toan tính, chủ đích. Chiến lên đường chỉ với một trái tim yêu thương và nỗi nhớ nôn nao được gặp em mình. Và một số người, đã vì thế mà chỉ trích em.

Vì Quyết Chiến, 13 tuổi, "chàng" thanh niên núi rừng Chiềng Yên, Vân Hồ (Sơn La) bỗng dưng nổi tiếng những ngày gần đây nhờ hành trình của mình trên chiếc xe đạp đứt phanh. Gọi là "bỗng dưng" vì ngay khi bắt đầu hành trình 100km từ quê nhà Sơn La đến viện Nhi Hà Nội, trong suy nghĩ của Chiến không hề có những toan tính, chủ đích. Chiến lên đường chỉ với một trái tim yêu thương và nỗi nôn nao muốn được gặp em mình.

Rồi Chiến bất đắc dĩ trở thành nhân vật bị "mổ xẻ" bởi mạng xã hội. Người khen vì thương, kẻ chê vì sợ. Họ sợ đủ thứ, sợ hình ảnh của Chiến trở thành "tấm gương tiêu biểu" cho những phượt thủ liều lĩnh vượt núi rừng không màng nguy hiểm, sợ con em học hỏi theo Chiến bỏ nhà đi rồi bị bắt cóc, bị thương, bị lạc gia đình mãi mãi...

Ai cũng có quyền mang trong mình những nỗi sợ và hoài nghi như thế. Nhưng hôm ấy, Chiến đi không phải để chứng tỏ điều gì với ai, hành trình Chiến tạo nên trên 100km ấy không phải là thước đo lòng dũng cảm và càng không phải để xây dựng một "hình tượng" mới cho giới trẻ.

Chiến đáng trách hay đáng nể? Lấy Chiến ra để kể một câu chuyện về tình yêu gia đình hay để bêu tên cảnh tỉnh về sự bốc đồng liều mạng?

Làm gì có đúng sai khi chúng ta chỉ đứng trên lập trường là một người lớn để nhìn vào hành động của đứa trẻ mới chỉ bắt đầu 1/6 cuộc đời.

Khi đứa trẻ dại dột vì tình thương bị người lớn mang ra cảnh tỉnh: Bởi chúng ta luôn có nhiều nỗi sợ hơn Chiến - Ảnh 1.

Đứa trẻ đã dại dột vì tình thương, người lớn mang ra phân tích sâu làm gì?

Nghe tin em trai là Vì Văn Lực (2 tháng tuổi) ốm nặng, được điều trị tận tít Hà Nội, Chiến lén lấy con xe đạp cũ mèm, đứt cả phanh trước lẫn phanh sau, dự tính xuống Hà Nội thăm em. Nhưng Hà Nội ở đâu, cách xa núi rừng Chiềng Yên bao nhiêu km thì Chiến lại không biết. Cậu chỉ biết em trai đang ốm nặng và rất nhớ nó!

Chiến đạp xe không biết mệt nghỉ. Cậu cứ chọn tuyến đường lớn mà đi, đoạn nào không biết thì hỏi. Khúc khuỷu trắc trở quá cậu xuống xe dắt bộ. 15 con đèo khiến những tay lái dù nhiều kinh nghiệm cũng phải "chết khiếp" thì bằng một "siêu năng lực" nào đó, Chiến băng qua vèo vèo, dùng chân làm phanh "khét lẹt". Kết quả, đôi chân sưng vù, 2 chiếc dép nát bươm. 100km từ Sơn La tới Hoà Bình, Chiến hoàn thành trong vòng 5 tiếng, trước khi mệt lả và quyết định cầu cứu một chiếc xe khách bên đường.

Nhiều người bảo Chiến quá liều lĩnh, thay vì dũng cảm.

Trên thực tế, đúng là Chiến quá liều, chứ không phải liều bình thường. Cứ cho là với lợi thế sinh ra từ núi rừng, cậu có quyền "tự hào" mình bản lĩnh, rắn rỏi hơn những đứa trẻ đồng bằng khác. Nhưng một mình một "ngựa", trên hành trình mà hiểm nguy luôn rình rập, đó là một sự dại dột mà chính mẹ em - chị Hà Thị Sâm (33 tuổi) cũng phải thừa nhận.

"Là một người mẹ, tôi không bao giờ ủng hộ việc con mình dám đi một mình trên cả quãng đường xa như thế. Nhưng vì con suy nghĩ chưa chín chắn, lại còn quá bé, nên hành động chưa được thấu đáo. May mắn, con không sao, nhưng đây cũng là bài học để hai vợ chồng biết cách quan tâm các con nhiều hơn".

Đây có lẽ là chuyến đi để đời của cậu bé, nhưng là nỗi sợ ám ảnh không chỉ riêng đối với bố mẹ em, mà còn những bậc phụ huynh khác.

Khi đứa trẻ dại dột vì tình thương bị người lớn mang ra cảnh tỉnh: Bởi chúng ta luôn có nhiều nỗi sợ hơn Chiến - Ảnh 2.

Nhưng, cũng có người, dưới góc độ của một người lớn, phán xét hành động vừa rồi của Chiến với những ngôn từ khá nặng nề, đại loại như: "ngu ngốc", "một thế hệ "Khá bảnh"" (!?), hoặc, "Nếu thằng nhóc này là con tôi, tôi sẽ cho nó một trận đòn nhừ tử". Thậm chí, "Chúng ta đang sai lệch khi ca ngợi, cảm phục một cậu bé với tình thương và sự dũng cảm. Đó không phải là bài học mà một đứa trẻ nên biết".

Đương nhiên, các bạn có quyền ngăn cấm con bạn/cháu bạn/em bạn hành động dại dột, bốc đồng như Chiến, nhưng không nên cấm chúng học cách yêu thương từ cậu bé 13 tuổi này. Trước đây, chưa bao giờ, Chiến vượt qua "lãnh thổ" nơi mình sinh sống. Nhưng vì em bé Lực 2 tháng tuổi, lần đầu tiên và có lẽ là cuối cùng trong đời, Chiến quyết định làm một cuộc đánh cược lớn như thế. May mắn lần này, nhờ sự giúp đỡ của những người tử tế, cậu đã chiến thắng. Suy cho cùng, "động cơ" của Chiến xuất phát từ con tim, tình yêu thương, và có lẽ pha thêm chút "máu" phiêu lưu.

Khi đứa trẻ dại dột vì tình thương bị người lớn mang ra cảnh tỉnh: Bởi chúng ta luôn có nhiều nỗi sợ hơn Chiến - Ảnh 3.

Cuộc sống luôn như vậy, nếu bạn bỏ một góc tiêu cực, sẽ thấy nhiều phần tích cực hơn. Chiến bỏ nhà, lén đạp xe xuống Hà Nội, đó là một hành động sai. Nhưng tình thương lớn lao dành cho em trai, lại hoàn toàn đúng. Và điều này không ai trong chúng ta có quyền phán xét, bởi những thứ xuất phát từ tình cảm vốn không có đúng hay sai.

Một phụ huynh có 2 con đã chia sẻ như sau bên dưới bài viết về hành trình phiêu lưu của em Vì Quyết Chiến.

"Đọc vừa thương vừa bực. Nhưng trẻ con nó thế, nó yêu là nó làm luôn. Đứa trẻ dại dột vì tình thương thì người lớn mang ra phân tích sâu làm gì? Chiến đáng thương và đáng nể, hơn là đáng trách. Cậu không hề biết quãng đường đó bao xa và có thể xảy ra những rủi ro gì. Cậu chỉ biết rằng cần phải đi để gặp được em trai hiện đang thoi thóp. Duy nhất tình anh em máu thịt thôi thúc cậu".

Chiến tin là có đường, có chiếc xe đạp, đi là đến, là gặp được đứa em thương yêu của mình. Một đứa trẻ bình thường sẽ chẳng có được nghị lực, sức mạnh ấy. Nhưng một khi đặt máu mủ ruột rà lên trên, tình thương bỗng hoá "vũ khí".

Khi đứa trẻ dại dột vì tình thương bị người lớn mang ra cảnh tỉnh: Bởi chúng ta luôn có nhiều nỗi sợ hơn Chiến - Ảnh 4.

Sự tử tế của những người xa lạ

Hành trình của Chiến sẽ không thành công nếu thiếu đi bàn tay giúp đỡ của những người vốn xa lạ, chỉ vì một kẻ xa lạ khác mà vô tình cùng viết nên cái kết đẹp cho một câu chuyện đầy tính nhân văn.

Trước hết, đó là những anh phụ xe vừa nhiệt tình lại tốt tính.

19h tối 25/3, Chiến mệt lả, nằm bên vệ đường đoạn qua dốc Quy Hậu (Tân Lạc, Hòa Bình) sau khi đạp xe hơn 100km. Thấy có chiếc xe khách đi qua, em vẫy tay cầu mong sự giúp đỡ. Lúc này, nhóm phụ xe trong đó có anh Lê Văn Tuyến vội bước xuống hỏi han.

- Này đi đâu đấy, không sợ bị bắt cóc à?

- Cháu đi thăm em.

- Thăm em ở đâu?

- Hà Nội.

Anh Tuyến giật mình trước câu trả lời của Chiến. Hà Nội còn cách chỗ họ đang đứng khoảng 60, 70 km, và còn rất nhiều đoạn đường đèo đang đợi phía trước. Người phụ xe không tin, nghĩ thằng nhóc con mặt lem luốc đang lừa mình, tính đưa nó lên trụ sở công an gần nhất. Lúc ấy, Chiến đưa ra một dãy số, bảo là số điện thoại người thân. Anh Vì Văn Nam - bố Chiến nhấc máy. Anh Nam tá hoả khi nghe con mình đạp xe từ Sơn La tới Hoà Bình.

"Chúng tôi đã quyết định đưa cháu lên xe, cho nghỉ ngơi, ăn uống rồi đưa về tận bến xe Mỹ Đình" - anh Tuyến kể lại. "Lên xe, Chiến mệt quá nên ngủ thiếp đi. Khoảng 11h đêm tới Hà Nội, chúng tôi gọi điện cho anh Nam tới bến xe đón con. Chiến bật khóc nức nở khi thấy bố, anh Nam cũng không kìm được nước mắt".

Gặp lại con, mừng khôn xiết, anh Nam ngỏ ý gửi chút tiền cảm ơn nhóm phụ xe. Anh Tuyến gạt phăng, đáp gọn: "Thôi ơn huệ gì, thằng nhỏ an toàn là được rồi". Đoạn, anh nói thêm: "Cố gắng thay cho cháu nó cái xe mới đi học, đứt phanh hết rồi".

Anh Nam cười gượng. Nhà cửa, của cải trước đó dành hết để chữa bệnh cho Lực.

Khi đứa trẻ dại dột vì tình thương bị người lớn mang ra cảnh tỉnh: Bởi chúng ta luôn có nhiều nỗi sợ hơn Chiến - Ảnh 5.

Trong đêm 25/3, hai mẹ con chị Sâm khóc oà khi nhìn thấy nhau. Chiến không dám khóc to vì sợ bố la. Niềm hạnh phúc lớn nhất của em là được nhìn thấy em Lực - chú bé hạt tiêu đầy bản lĩnh. Sáng 26/3, Chiến được ở lại bệnh viện, cùng ăn sáng với bố và mẹ, trước khi anh Nam bắt xe cùng con về lại Sơn La. Điều đặc biệt, chuyến xe về nhà của Chiến lại được chính anh Tuyến cùng đồng hành. Trong đời mình, anh Tuyến có lẽ ấn tượng mãi với cậu bé có phần "liều mạng" nhưng rất bản lĩnh, giàu tình thương.

Cảm động trước tình cảm của Chiến dành cho em trai, một bác sĩ tại Khoa Gan mật đã mua tặng em một đôi dép mới và chi trả lộ phí để 2 bố con về Sơn La bằng ô tô. Cùng ngày, rất nhiều nhà hảo tâm đã có mặt tại Viện nhi trung ương hỗ trợ và giúp đỡ gia đình anh Vì Văn Nam.

Vậy là, bố Nam đã kịp thời đưa Chiến về nhà để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi học kỳ sắp tới. Còn mẹ Sâm đang cố gắng chăm sóc tốt nhất cho bé Lực. Hai anh chị dự tính khi nào Lực khá hơn, sẽ thay phiên chăm sóc cả 3 người con. Bản thân Chiến cũng đã hứa sẽ không làm điều tương tự để bố mẹ phải phiền lòng. 

Khi đứa trẻ dại dột vì tình thương bị người lớn mang ra cảnh tỉnh: Bởi chúng ta luôn có nhiều nỗi sợ hơn Chiến - Ảnh 6.

"Cậu bé núi rừng" Vì Quyết Chiến. Ảnh: Lai Thượng Hưng.

Đằng sau hành động dù có phần liều lĩnh và bốc đồng của Chiến, tạm bỏ qua những tranh cãi không đáng có thời gian qua, phải chăng, điều khiến chúng ta mỉm cười mỗi khi nhớ tới, chính là tình cảm anh em, tình thương gia đình và sự tử tế của những người xa lạ.

Xin mượn chia sẻ của một độc giả thay cho lời kết. "Không những khi còn nhỏ, mà ngay cả khi đã trưởng thành, tôi vẫn luôn thích được làm những điều như vậy. Tôi sẽ luôn ủng hộ con cái làm những điều xuất phát từ trái tim, chân thành, và đam mê. Dĩ nhiên bên cạnh đó phải có sự tỉnh táo và cẩn thận, chứ không thể quá liều lĩnh được. Những cuộc phiêu lưu luôn gắn liền với nguy hiểm, nhưng nếu không đối mặt với nguy hiểm, con người sẽ không bao giờ khám phá được những chân trời mới".

Chặng đường tương lai phía trước còn dài, hãy cố gắng thật tốt như cái tên Vì Quyết Chiến mà bố mẹ đặt cho em. Hãy lớn lên, trưởng thành và sống thật tình cảm, tử tế và bản lĩnh, vì em là Quyết Chiến mà!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày