Xem diễn xiếc "thót tim" thời xưa

Quyên Nhâm, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 24/06/2014

Để có được màn biểu diễn đu dây trên không, "treo cổ" đánh trống... những nghệ sĩ trong gánh xiếc đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Từ xa xưa, những gánh xiếc lưu động cùng màn biểu diễn mạo hiểm không chỉ mang lại niềm vui cho con trẻ mà còn mang đến cả tiếng cười và sự thích thú cho người lớn. 

Tuy nhiên, với mong muốn trình diễn trước đám đông, những người nghệ sĩ xiếc phải tập luyện hết sức gian khổ. Và để có thể thu hút được sự chú ý, họ phải chấp nhận liều mình với những tiết mục nguy hiểm. 

Dưới đây là một số màn biểu diễn mạo hiểm nhất đã xuất hiện từ thời xa xưa - thời mà công nghệ kỹ thuật chưa hề có đủ để đảm bảo tính mạng cho người nghệ sĩ.

1. Đu dây trên không

Rất nhiều màn biểu diễn trên dây đã bắt đầu xuất hiện tại hội chợ vào thế kỉ thứ XVIII. Nhưng màn xiếc đu bay được thực hiện chính thức lần đầu tiên tại Cirque Napoleon (Paris) vào năm 1859 bởi Jules Léotard - một vận đông viên thể dục người Pháp.



Khác với những màn biểu diễn trên không đơn thuần trước đây, Léotard sử dụng hai sợi dây đu treo cách xa nhau và thực hiện nhào lộn qua lại giữa chúng. Thậm chí ông còn nâng số dây đu lên năm rồi lần lượt đu mình từ chiếc này sang chiếc khác.


Năm 1897, Léotard thực hiện được cú nhào lộn 2 vòng rồi sau đó là 3 vòng trên không. Tiếp nối ông còn có rất nhiều nghệ sĩ khác nổi tiếng nhờ màn trình diễn này. Đặc biệt năm 1975, nghệ sĩ người Mỹ - Don Martinez đã thành công khi thử sức với 4 vòng nhào lộn giữa hai dây đu.

2. "Bắn" mình lao xuyên tờ giấy và "treo ngược cổ" đánh trống trên không

Vào thế kỉ XIX, những màn biểu diễn trên không không ngừng phát triển với các màn trình diễn độc đáo. Nghệ sĩ người Anh - Flying Fedoras đã rất thành công ở Mỹ khi thực hiện "bắn" mình từ một chiếc nỏ, xuyên qua mục tiêu trên tờ giấy lớn rồi được em gái của mình - người đang treo mình trên dây đu tóm được.
 

Năm 1866, Samuel Wasgate biểu diễn màn “người đánh trống trên không” lần đầu tiên tại Chelsea Pleasure Gardens. Ông sử dụng cổ của mình để treo người lên dây đu còn tay thì đánh trống. 

Samuel Wasgate biểu diễn màn “người đánh trống trên không”.

Tuy nhiên, điều khiến khán giả thực sự choáng váng đó là Samuel lúc ấy mới chỉ 8 tuổi và dường như không hề biết sợ hãi. Nụ cười Samuel luôn hiện diện trên môi khi thực hiện màn trình diễn này. Đây cũng là lần đầu tiên tiết mục biểu diễn trên không có sử dụng đến lưới an toàn.

Để có thể thực hiện được thành công những tiết mục này, người nghệ sĩ đu dây phải đạt tới mức độ linh hoạt và khỏe mạnh nhất định. Tại rất nhiều nơi trên thế giới, đây là một trong những màn trình diễn nguy hiểm nhất, rất nhiều sự cố kỹ thuật xảy ra gây thương vong cho các nghệ sĩ. 



Năm 1872, Fred Lazelle và Billy Millson - hai nghệ sĩ nhào lộn nổi tiếng đã bị ngã từ trên cao xuống đất do dây đu bị hỏng. George North - vận động viên thể dục không may đứng ngay phía dưới khi hai người rơi xuống cũng phải chịu nội thương nghiêm trọng trong khi Millson gần như gẫy toàn bộ xương sườn. 

3. Đi bộ trên dây

Tiết mục đi bộ trên dây hay nhảy nhót trên dây đã trở nên quen thuộc với người dân châu Âu từ thời Trung Cổ cho đến thế kỷ thứ XVII, XVIII. 


Đi bộ trên dây có ba loại: đi trên dây chùng - thường dùng để diễn hài hoặc để đấu kiếm; đi trên dây dốc - một đầu buộc dưới đất, một đầu buộc lên cột; hay đi trên dây cao - sợi dây được kéo căng treo trên cao so với mặt đất. Để thực hiện màn biểu diễn này, người nghệ sẽ cầm một cây gậy dài chừng 12m giúp họ duy trì thăng bằng, hạ thấp trọng tâm của họ.



Người đi trên dây nổi tiếng nhất đó là Charles Blondin. Ông đã vượt qua hẻm núi thác Niagara 17 lần trên một sợi dây. Năm 1859, Charles tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho người vợ của mình là Charlotte tại một khách sạn lớn. 


Tại đây ông chuẩn bị một sợi dây ngắn căng phía trên trong phòng khiêu vũ và cõng Charlotte đi từ đầu này sang đầu kia của sợi dây. Charlotte vô cùng tin tưởng vào tài năng của chồng mình, thậm chí, bà con để cho Charles đẩy đứa con 5 tuổi của mình trên xe cút kít qua sợ dây treo cao. 


Bà kể lại một lần duy nhất khiến mình hoảng loạn là khi người trợ lý của Blondin trong lúc đang cố nhấc chiếc xe cút kít ra khỏi dây đã khiến cho Blondin bị mất thăng bằng, nhưng thật may mắn ông đã kịp móc đầu gối của mình và treo lơ lửng trên sợi dây thừng.

4. Phóng dao

Phóng dao hoặc những màn biểu diễn tương tự sử dụng cung tên và đạn dược đã trở nên nổi tiếng trong các đoàn xiếc vào cuối thập niên 1800. Tiết mục ném dao làm vỡ bóng bay, ghim lá bài ngày càng trở nên lỗi thời. Thay vào đó, những gánh xiếc đã nghĩ ra chiêu trò giật gân, thu hút hơn, đó là phóng dao dọc theo cơ thể người.



Màn trình diễn nổi tiếng nhất gọi là “Bánh xe tử thần”. Một cô gái bị trói lên một chiếc bánh xe gỗ lớn rồi quay tròn. Người ném sẽ phóng dao dọc theo cơ thể của cô gái đó. Tiết mục này không rõ nguồn gốc bắt đầu từ khi nào nhưng nhiều người cho rằng đó là do cặp vợ chồng nhà Gibsons mang nó tới nước Mỹ vào năm 1938.

Nhà Gibsons sau đó còn quyết định thực hiện những pha mạo hiểm hơn bằng cách chắn một tấm giấy mỏng che đi toàn bộ bánh xe, cơ thể cô gái và cũng thành công với màn biểu diễn đó.



Người giữ kỉ lục Guinness với danh hiệu ném dao nhanh nhất là David Adamovich - anh thậm chí còn nâng tầm lên cùng một lúc chọn hai cô gái làm mục tiêu phóng dao của mình.

5. Huấn luyện thú dữ

Năm 1819, nhà huấn luyện thú người Đức - Henri Martin đã đứng trong lồng sắt với một con hổ trong vòng 4 phút và bước ra khỏi đó an toàn. Ban đầu Henri cố gắng thích nghi và giành sự tin tưởng của con thú bằng cách vuốt ve nó qua một chiếc gậy, sau đó mới từ từ đưa đầu và vai vào trong lồng trước khi hoàn toàn đứng gọn trong đó cùng con thú dữ. 



Sau khi tạo được mối liên hệ thân thiện, Martin nhanh chóng dậy con hổ tuân theo những thủ thuật đơn giản như đứng lên ngồi xuống. Kể từ đó, ông trở thành người huấn luyện thú đầu tiên được biết đến.

Mặc dù phương pháp của Martin rất nhân đạo nhưng không phải tất cả đều nghe theo lời ông. Huấn luyện viên người Mỹ - Isaac Van Amburgh là người đầu tiên có thể đặt đầu của mình vào trong miệng của một con sư tử. 


Nhưng thật không hay, phương pháp huấn luyện của ông hết sức thô bạo, đánh đập và hành hạ dã man con vật bằng xà beng. Van Amburgh sau này bị đưa ra tòa vì tội ác của mình nhưng vào thời gian đó, phương pháp của ông chỉ gây nên tranh cãi chứ chưa có bất kì điều luật gì có thể ngăn cản Isaac tiếp tục show diễn của mình. Ông tiếp tục thực hiện tiết mục của mình xung quanh châu Âu và cả châu Mỹ vào năm 1830, 1840.


Tuy nhiên, hậu quả cho việc chơi đùa với các loài động vật hoang dã không hề đơn giản. Ngày 3/1/1872, Massarti, người đàn ông nổi tiếng với sự dũng cảm và tài huấn luyện sư tử, trong một lần biểu diễn tại Bolton đã bị chính chú sư tử mà mình nuôi dưỡng tấn công. 

Chưa biết vì lí do gì khiến con vật trở nên hung dữ nhưng cả 3 con khác cũng đều nhanh chóng lao tới, Massarti đã bị mãnh thú xé xác ngay trước mặt hàng trăm khán giả đang ngồi đó theo dõi.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: So Bad So Good, Io9, Wikipedia...