Việt Nam: "Toilet" hơn 3.500 tuổi còn nhiều nghi vấn

Lê Giang, Theo Mask Online 10:28 21/06/2012

Cùng các cập nhật: Bao bì thực phẩm có thể ăn được, giảm stress nhờ ứng dụng “phân biệt tin nhắn” trên điện thoại, chế tạo mạch máu 3D.

Việt Nam: "Toilet" hơn 3.500 tuổi còn nhiều nghi vấn


Như đã đưa tin, nhóm chuyên gia Việt - Úc công bố đã tìm thấy nhà vệ sinh hơn 3.500 năm ở Long An (Việt Nam). Tuy nhiên, một số nhà khoa học Việt Nam đã tỏ ra nghi vấn về tính xác thực của vấn đề này.

Quang cảnh khu khai quật tại Rạch Núi. (Ảnh: Trung Kiên, nguồn ảnh: Đấtviệt)

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên - chuyên gia khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, trong công bố trên có một số vấn đề khá “khó hiểu”. Ví dụ như công bố không thấy đề cập đến chứng cớ khoa học: xác định bằng phương pháp nào, số liệu cụ thể là gì... Thông tin còn ở dạng giả thuyết thì đúng hơn. 

Ông cũng cho biết, thực tế qua các công trình nghiên cứu khảo cổ học đều cho thấy, con người khi đó chưa thể văn minh đến mức ấy. Ông đặt câu hỏi, “Chẳng lẽ cách đây hơn 3.500 năm con người ở đây đã văn minh đến mức biết huấn luyện loài chó… đi vệ sinh đúng nơi quy định?” 

Tiến sĩ Vũ Thế Long - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học) cho biết: "Đó có thể là chất thải ngẫu nhiên của loài chó rừng, không liên quan gì đến việc con người nuôi nhốt hay huấn luyện”.

(Nguồn tham khảo: Bee)

Chế tạo mạch máu 3D


Các nhà khoa học đã chế tạo được mạch máu 3D có khả năng hỗ trợ đắc lực cho những bộ phận nội tạng nhân tạo. Nó phát triển theo hình dạng chính xác và phản ứng với các tế bào của con người theo cách tương tự như các mạch máu tự nhiên.


Khi tiêm các tế bào nội mô người (có chức năng lót thành mạch máu) vào các kênh dẫn cực nhỏ bên trong một loại keo collagen. Các tế bào nội mô phân tán dọc các kênh dẫn rộng chỉ vài micromet và hình thành các ống 3 chiều rỗng, hay còn gọi là các vi mạch máu. Máu di chuyển dọc theo các vi mạch máu này mà không bị dính. Thậm chí, máu vẫn có thể chảy suôn sẻ khi bẻ vi mạch này đi một góc 90 độ.

(Nguồn tham khảo: Newscientist)

Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia "nhẹ cân" nhất thế giới

Các nhà nghiên cứu đã ước tính cân nặng tổng cộng của loài người trên hành tinh và đưa ra báo cáo tổng lượng cân nặng của từng quốc gia và cân nặng trung bình. Kết quả, nước Mỹ đứng đầu những quốc gia "nặng cân" nhất thế giới với số cân trung bình là 80,7kg. Việt Nam nằm trong Top 10 những quốc gia "nhẹ cân" nhất. 



Top 10 quốc gia "nặng kí" nhất: Mỹ ,Kuwait ,Croatia, Qatar, Ai Cập, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trinidad and Tobago, Argentina, Hy Lạp, Bahrain.

Top 10 quốc gia "nhẹ cân" nhất: Triều Tiên, Cambodia, Burundi, Nepal, Congo, Bangladesh, Sri Lanka, Ethiopia, Việt Nam, Eritrea.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Bao bì thực phẩm có thể ăn được


Các nhà khoa học ở Pháp đã sáng chế được một loại bao bì thực phẩm - tên WikiCell - có thể ăn được, giúp chúng ta thay đổi cách thức tận hưởng thức ăn cũng như cắt giảm lượng chất dẻo có hại thải loại ra môi trường.


WikiCell thực chất là một loại chất dẻo có thể ăn được, tinh chế từ tảo và canxi. Hỗn hợp này sau đó được trộn với các hạt thực phẩm ví dụ như cacao hoặc hoa quả, khiến lớp vỏ nhân tạo có hương vị giống hệt loại thực phẩm bọc bên trong.

Ngoài ra, chúng ta có thể rửa sạch “vỏ” nhân tạo dưới vòi nước và ăn chúng giống như vỏ của một quả táo. Tuy nhiên, nếu người dùng quá lo lắng về độ “sạch” của lớp bảo vệ bên ngoài, họ đơn giản có thể lột bỏ vỏ nhân tạo giống như bóc và vứt bỏ vỏ quả cam vì nó cũng có thể thối rữa và phân hủy dễ dàng trong môi trường.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Giảm stress nhờ ứng dụng “phân biệt tin nhắn” trên điện thoại


Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Portsmouth (Anh) vừa phát triển thành công một phần mềm ứng dụng trên ĐTDĐ, giúp người sử dụng lựa chọn đọc hay bỏ qua tin nhắn đã được phân loại “tin tốt” và “tin xấu”, dựa trên các màu tương ứng.


Theo các chuyên gia, ứng dụng trên sẽ tự động giải mã tin nhắn trong hộp thư đến và phân loại chúng bằng màu sắc, với xanh lá là “tin tốt”, đỏ cho “tin xấu” và xanh da trời là “trung lập” (ảnh). Bằng cách này, người sử dụng chỉ việc nhìn vào bảng màu và quyết định có mở ra đọc ngay hay không, tùy vào tâm trạng của họ lúc đó.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)