Vẻ đẹp đáng sợ của núi lửa khi phun trào "dung nham màu xanh"

, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 23/04/2014

Chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ đến đáng sợ khi núi lửa phun trào "dung nham xanh" - khác hẳn với những lần trào dung nham thông thường.

Những chuyến du ngoạn núi lửa luôn là cuộc phiêu lưu thú vị với nhiếp ảnh gia ưa mạo hiểm Olivier Grunewald. Nhiếp ảnh gia người Pháp này mới đây đã tới thăm dò Kawah Ijen - ngọn núi lửa nằm phía Đông Java (Indonesia) chứa nhiều khí lưu huỳnh - tạo ra hiệu ứng "dung nham xanh", khác với những đợt phun trào của núi lửa thông thường.

Chiếc hồ ở sát miệng núi lửa này rộng khoảng 1km2, có màu xanh ngọc bích cùng nồng độ axit sunphuric (axit đậm đặc) cao nhất trên thế giới. Những làn khói trắng bốc lên từ các hốc đá xung quanh miệng núi lửa mang theo vô số hóa chất độc hại. 

Hiện tượng "dung nham xanh" xảy ra khi khí lưu huỳnh bị đốt nóng với nền nhiệt cao, tạo ra nhiều ngọn lửa lớn có màu xanh. Cùng chiêm ngưỡng bộ ảnh cho thấy cảnh tượng dòng chảy "độc nhất vô nhị" do khí lưu huỳnh dưới đây.

Các khu vực núi lửa trên Trái đất thường được coi là những "mỏ lưu huỳnh", với hàm lượng lưu huỳnh cao, đặc biệt là các khu vực dọc theo vành đai lửa Thái Bình Dương. 



Lưu huỳnh trong dạng gốc là chất rắn kết tinh màu vàng chanh nhưng khi đun nóng chảy thường có màu đỏ đậm.





Lưu huỳnh trên miệng núi lửa bị đốt nóng ở nhiệt độ cao (hơn 500 độ C) tạo thành những ngọn lửa lớn có màu xanh lam.



Một số khí ngưng tụ hình thành chất lỏng lưu huỳnh và tạo thành dòng suối xanh kỳ ảo. Điều này khiến cho nhiều người nhầm tưởng đó là dòng dung nham màu xanh đang chảy. 




Khi cháy, lưu huỳnh sẽ tỏa ra dioxit lưu huỳnh gây cảm giác ngột ngạt. 



Dù nguy hiểm và độc hại như vậy, nhưng nơi đây lại là nơi làm việc của hàng trăm, hàng nghìn công nhân khai thác lưu huỳnh thuê.



Những công nhân phải làm việc trong các hầm mỏ, khai thác khoảng 14 tấn lưu huỳnh mỗi ngày mà không được trang bị bất kỳ thiết bị bảo hộ lao động nào. Do đó, họ luôn gặp phải vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp.



(Nguồn tham khảo: Beautiful Decay/ MyModernMet)