Tuyển tập trào lưu "sống văn minh" thời cổ đại

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/05/2015

"Mốt" ăn chay, quan điểm nữ quyền hay thừa nhận tình yêu đồng giới... đã được người xưa xác lập cách đây hàng ngàn năm.

Nhắc tới cụm từ văn minh, chúng ta thường nghĩ ngay tới những giá trị văn hóa tiến bộ, thể hiện sự phát triển trình độ cao của con người. Và theo logic thông thường, những gì thuộc về văn minh thường xuất hiện chủ yếu trong xã hội hiện đại ngày nay.

Song thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Có những giá trị văn minh thật ra đã tồn tại trong xã hội cả ngàn năm về trước và phát triển cho tới tận ngày nay…

1. “Mốt” ăn chay thời Hy Lạp cổ đại

Ngày nay, chúng ta ai cũng biết tới tác dụng của việc ăn chay. Không chỉ giúp các chị em giảm cân, ăn chay còn giúp cho cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái và trí óc được minh mẫn. Theo những tài liệu lịch sử cận đại, “mốt” ăn chay thịnh hành nhiều từ khoảng năm 1847 với sự ra đời của một Hiệp hội ăn chay tại Anh Quốc.

Tuy nhiên, thực ra “trào lưu” ăn uống này đã ra đời từ thời Hy Lạp cổ đại. Và “ông tổ ăn chay” của nhân loại hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên: triết gia Pythagoras (580 TCN - 500 TCN). 


Pythagoras đã xây dựng cả một học thuyết nhấn mạnh tác dụng của việc ăn chay

Nhà bác học vĩ đại đã xây dựng riêng một tín ngưỡng và chế độ ăn uống riêng dành cho mình cùng các học trò, tông đồ. Theo Pythagoras, việc ăn một miếng bít-tết không khác gì việc giết một sinh linh. 

Vì vậy, ông chỉ ăn rau, hoa quả trong các bữa và tuyệt đối không hề đụng tới cá hay thịt. Thậm chí, Pythagoras cũng không ăn đậu hạt bởi ông cho rằng, đó là nơi cư trú của linh hồn con người. 

Tư tưởng ăn chay của Pythagoras thời đó đã tạo nên một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Các triết gia nổi tiếng như Theophrastus, Ovid, Plutarch hay Plato đều trở thành người đi theo “mốt” ăn chay của Pythagoras. Thậm chí, Plato từng phát biểu “thành phố hoàn hảo là nơi mọi người không ăn thịt” để ủng hộ trào lưu văn minh này. 

2. Quan điểm nữ quyền của người Viking

Xưa nay, bất bình đẳng giới luôn là một vấn đề gây nhức nhối lớn trong mọi xã hội hiện đại ngày nay. Vì vậy, chắc chắn bạn sẽ “mắt chữ O, miệng chữ A” khi biết rằng, thực ra trong xã hội Viking cổ, quyền bình đẳng của phái yếu đã luôn được đảm bảo. 



Trong truyện truyền kỳ Saga nổi tiếng của người Viking, ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh các nữ chiến binh. Với tộc người này, nam hay nữ đều có quyền được ra trận chiến đấu, bảo vệ quê hương. 



Người Viking còn sáng tạo ra những điều luật cho phép phụ nữ đảm nhiệm công việc buôn bán của gia đình khi chồng đi biển. Họ cũng có quyền sở hữu tài sản cá nhân sau khi kết hôn chứ không hề lệ thuộc vào nam giới như phái yếu thuộc các nền văn hóa khác.

3. Hệ thống bảo hiểm y tế dưới đế chế Ai Cập cổ đại

Chế độ bảo hiểm y tế cho toàn dân, ai cũng được khám chữa bệnh miễn phí là minh chứng cho sự phát triển cao của một xã hội. Ngày nay, đây là mơ ước của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, cách đây hàng ngàn năm, người Ai Cập cổ đại đã đạt được thành tựu văn minh này.



Cụ thể, theo hồ sơ khảo cổ cho thấy vào thời Ai Cập cổ đại, công nhân xây kim tự tháp và các lăng mộ hoàng gia được hưởng chế độ bồi dưỡng rất đặc biệt. 

Với tính chất công việc vất vả, những người này được Pharaoh ban cho một số ngày nghỉ hưởng lương cũng như kiểm tra sức khỏe với miễn phí. 


Thậm chí, các bằng chứng lịch sử còn chỉ ra, người lao động thời Ai Cập có thể được nghỉ để chăm sóc vợ và con gái khi đang trong giai đoạn “đèn đỏ”.

Tuy nhiên, có vẻ không nhiều người lao động Ai Cập cổ hiểu được quyền lợi của mình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, vẫn còn nhiều dấu tích chứng tỏ công nhân xưa làm việc ngay cả trong tình trạng ốm sốt hay mệt mỏi. Nguyên nhân có thể là do họ sợ việc đi khám sẽ khiến mình mang nợ Pharaoh nên ốm vẫn đi làm bình thường.

4. Công nhận tình yêu đồng giới ở Trung Đông

Ngày nay, tình yêu đồng giới vẫn chưa được công nhận tại tất cả các quốc gia. Thậm chí, không ít nơi mọi người vẫn còn định kiến và kì thị vấn đề này, cho rằng đó là điều trái luân thường đạo lý. 

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia Trung Đông cổ, tình yêu đồng giới đã luôn nhận được sự tôn trọng, đối xử công bằng của tất cả mọi người từ xa xưa. Các tác phẩm văn học Babylon cổ đại chứng minh, tình yêu giữa hai người con trai được tôn trọng và đặt ngang bằng với tình yêu khác giới thông thường. Thậm chí, thứ tình yêu này còn gắn kết mật thiết với một số nghi lễ tôn giáo đặc biệt. 



Hay dưới đế chế Ottoman, tất cả đều thừa nhận hôn nhân và tình yêu đồng giới. Nhiều cuốn sách nghi thức đương đại cũng ghi lại những đoạn hướng dẫn cách một chàng trai cưa đổ “chàng” của mình, hoặc bí quyết giúp nam giới sở hữu trái tim một chàng trai khác…


Chân dung Sultan Mehmed II

Ngoài ra, người ta cũng đồn rằng Sultan Mehmed II của đế chế Ottoman còn sở hữu riêng một hậu cung hơn 200 chàng trai trẻ tuổi và “xinh” như hoa. Đây là bằng chứng xác đáng nhất chứng tỏ tình yêu đồng giới không chỉ được thừa nhận mà thậm chí là một trào lưu, xu hướng “hot” tại Trung Đông xưa. 

Nguồn: Listverse, Britannica,Wikipedia