Tuyển tập những "cú lừa" hoàn hảo của bộ não

Minh Huệ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 25/10/2013

Nỗi đau đồng cảm, ký ức giả... là những "trò chơi" mà bộ não vẫn hay sử dụng lừa chúng ta.

Bộ não quyết định cách ta cảm nhận mọi thứ xung quanh, giúp suy nghĩ và thực thi từng hành động. Tuy nhiên, có những lúc bộ não cũng thích đùa, khiến chúng ta bị đánh lừa một cách vô cùng ngoạn mục. 

Cùng điểm lại một vài "cú lừa hoàn hảo" mà bộ não vẫn hay đùa giỡn với chúng ta qua danh sách của chuyên trang Listverse dưới đây.

1. Sự thỏa mãn ngữ nghĩa

Bạn đã bao giờ lặp đi lặp lại một từ nhiều lần và thấy rằng, sau một thời gian, nó bắt đầu mất đi ý nghĩa? Nếu có, bạn không cần phải lo lắng, các nhà khoa học đã nghiên cứu hiện tượng này và gọi nó là sự thoả mãn ngữ nghĩa. 

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi bạn lặp một từ, não của bạn trở nên thỏa mãn và bạn bắt đầu bị lẫn lộn về nghĩa của từ đó. Bình thường khi bạn nói một từ (ví dụ : "bút"), bộ não của bạn tìm thấy những thông tin cho từ cây bút và kết nối hai thứ với nhau. Tuy nhiên, nếu bạn lặp lại từ nhiều lần liên tiếp, khả năng não bộ kết nối từ ngữ đó với thông tin ngữ nghĩa của chúng sẽ trở nên kém đi. Lúc này, liệu bạn có hiểu định nghĩa của từ "bút" là gì? Tại sao người ta gọi "bút" là... bút?

Tuyển tập những "cú lừa" hoàn hảo của bộ não 1

Các nhà khoa học đã tìm ra được những ứng dụng thực tế từ những thông tin nghiên cứu này chứ không đơn thuần là việc xem nó như một trò tiêu khiển của não bộ.

Bằng cách sử dụng “sự thỏa mãn ngữ nghĩa”, họ đã có thể giúp đỡ những người bị tật nói lắp hoặc bị hội chứng Tourette (còn gọi là hội chứng chửi thề khi 1 người không thể kiểm soát được hành vi của mình và liên tục thốt ra những từ ngữ thô tục, không phù hợp với hoàn cảnh).

2. Sâu tai

Bạn đã bao giờ trải qua hiện tượng như có một đoạn nhạc, một câu nói... nào đó cứ mắc kẹt trong đầu mình suốt một thời gian dài? Các nhà khoa học đã đặt tên cho chúng là “sâu tai” (earworm). 

Một số nhà khoa học đưa ra cơ bản là việc não bộ của bạn bị mắc kẹt trong một vòng lặp. Bạn có thể nhớ một câu hoặc một phần của bất cứ bài hát nào bạn thích nhưng lại không biết phần tiếp theo. 

Tuyển tập những "cú lừa" hoàn hảo của bộ não 2

Sau khi hát câu đầu tiên, bộ não của bạn cố gắng để chuyển sang câu tiếp theo nhưng không nhớ phần còn lại của bài hát. Và vì bộ não của bạn thích quay trở lại hoàn thiện những suy nghĩ chưa hoàn thành nên nó bị mắc kẹt trong một vòng lặp, liên tục cố gắng để bắt đầu một lần nữa và kết thúc bài hát đó. 

Các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra cách để phá giải "lời nguyền" này nhưng sau nhiều nghiên cứu, họ đưa ra lời khyên là bạn cần phải tập trung vào một hoạt động nhận thức cố định. Điều này không phảiquá khó, chẳng hạn như bạn tập trung giải các bài toán đố chữ hoăc đọc một cuốn tiểu thuyết.

3. Nỗi đau đồng cảm

Bạn đã bao giờ nghe thấy tiếng ai đó đá chân vào cửa và bỗng nhiên tự bản thân bạn nhăn mặt lại, dù rõ ràng là điều này xảy ra với người khác chứ không phải xảy ra với mình?

Hay chỉ đơn giản là nghe kể lại chuyện một ai đó bị thương và bạn cũng có cảm giác như mình cũng đã từng trải nghiệm như vậy? Đó chính là nỗi đau đồng cảm. 

Tuyển tập những "cú lừa" hoàn hảo của bộ não 3

Các nhà khoa học đã sử dụng máy MRI để kiểm tra phản ứng của não bộ khi nhìn vào một số biểu hiện nhất định trên khuôn mặt và khi thực hiện lại các biểu hiện đó. Kết quả thu được là não bộ biểu thị giống nhau trong cả hai trường hợp. 

Tuyển tập những "cú lừa" hoàn hảo của bộ não 4

Một phần của não chịu trách nhiệm cho việc này được gọi là “khu vực gương” và các nhà khoa học tin rằng, trong bộ não tồn tại “tế bào thần kinh gương” - chịu trách nhiệm cho việc tạo ra một phản ứng đồng cảm. 

Về cơ bản, con người được điều khiển để nghĩ rằng chúng ta đang cảm thấy những điều tương tự như những người khác, bản chất đó chính là một phiên bản rất mạnh của sự đồng cảm theo bản năng.

4. Sự say ngủ

Hầu hết mọi người đều biết rằng, khi con người không ngủ một quãng thời gian dài, kết quả là họ sẽ có biểu hiện như bị say rượu. Tuy nhiên, điều bạn có thể không biết đó là ngủ quá nhiều cũng sẽ có những phản ứng tương tự. Bạn đã bao giờ ngủ lâu hơn bình thường và khi thức dậy cảm thấy chếnh choáng và tự hỏi tại sao lại như thế ngay cả khi mình không bị thiếu ngủ. 

Tuyển tập những "cú lừa" hoàn hảo của bộ não 5
Cảm giác ngủ rất nhiều nhưng vẫn thèm ngủ theo kiểu "chỉ những lúc đi ngủ mới thấy hết buồn ngủ"...

Khi bạn ngủ quá lâu, não bộ sẽ bị lẫn lộn và ở trong trạng thái lơ lửng giữa ngủ và thức. Điều này rất nguy hiểm bởi những người bị say ngủ hầu như không thể phân biệt hay nhận thức được những mối nguy hiểm khi họ đang ở trên đường, cũng giống như bạn lái xe sau khi uống rượu vậy. Đó chính là lí do bạn không nên ngủ quá nhiều.

5. Ký ức giả

Hầu hết mỗi chúng ta đều chắc chắn vào những hồi ức của chính mình. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm trên bộ nhớ và phát hiện ra, bộ não của ta cũng có thể tạo ra những kí ức sai. 

Lý do được đưa ra đó là chúng ta quá dễ dàng bị lừa bởi tâm trí ta luôn cố gắng tiếp nhận tất cả mọi thứ trong môi trường xung quanh nhưng không tránh khỏi thất bại, điều đó dẫn đến những khoảng trống trong bộ nhớ. Để giải quyết những khoảng trống này, bộ não tự động tạo nên một kí ức giả mà nó nghĩ là có ý nghĩa dựa trên kiến thức và trải nghiệm của chúng ta.

Tuyển tập những "cú lừa" hoàn hảo của bộ não 6

Trong cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học đã cố gắng thuyết phục một người phụ nữ rằng cô đã bị lạc trong trung tâm mua sắm khi còn nhỏ. Không chỉ tin họ, cô còn bắt đầu tự mình tạo nên các chi tiết như có người phụ nữ lớn tuổi đã giúp đỡ cô và họ cùng nhau nói chuyện về các chú chó nhỏ. 

Các nhà khoa học đã thành công trong việc thuyết phục cô ấy tốt tới nỗi khi họ nói với cô rằng, đó chỉ là một kí ức giả và toàn bộ chỉ là cuộc thử nghiệm mà thôi. Tuy nhiên, cô vẫn không tin cho đến khi cô gọi điện cho bố mẹ và họ xác nhận rằng, cô chưa bị lạc trong trung tâm mua sắm bao giờ.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Listverse, Wikipedia...

Bạn có thể xem thêm: