"Tròn mắt" với chuyện kể và hình ảnh động vật tuyệt vời

Hồng Phượng, Theo 00:00 09/10/2011

Ngẩn ngơ, sững sờ và ấn tượng trước câu chuyện và ảnh chụp thế giới thiên nhiên tuần qua.

Cuộc thi “Nhiếp ảnh gia thiên nhiên của năm 2011” (Wildlife Photographer of the Year 2011 - WPY) là một trong những cuộc thi ảnh thiên nhiên có uy tín nhất thế giới, được tổ chức bởi tạp chí BBC Wildlife và Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên London (Anh). Những bức ảnh tham dự cuộc thi này không chỉ hấp dẫn mà còn đa dạng với rất nhiều thể loại, từ hình chụp những loài côn trùng nhỏ bé, các loài săn mồi lớn, cho đến các loài vừa được phát hiện hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Mở đầu bài viết dưới đây sẽ là những bức ảnh được đánh giá rất cao cho từng hạng mục của cuộc thi. Rồi tiếp sau đó, mời các bạn hãy thưởng thức các khoảnh khắc độc đáo được ghi lại bởi đội ngũ nhiếp ảnh gia nghiệp dư nhé!


Bức ảnh “Apollo at Rest” được chụp bởi nhiếp ảnh gia Valter Binotto. Suốt hai mươi năm qua, cứ mỗi mùa hè, ông Valter lại đến thăm đàn bướm Apollo gồm 50 đến 100 con tại Veneto, nước Ý. Ông từ chối tiết lộ vị trí chính xác của đàn bướm này vì lo sợ những người sưu tầm sẽ gây hại đến chúng, bởi đây là một trong những loài vật đang đứng trên bờ tuyệt chủng.



Để có được bức ảnh “Taking Flight”, nhiếp ảnh gia Paul Goldstein đã phải túc trực ở bờ hồ Nakuru, Kenya khi Mặt Trời còn chưa ló dạng, sương mù còn dày đặc. Khác với những bức ảnh chụp chim hồng hạc đơn thuần khi dùng màu sắc đặc trưng của chúng để gây ấn tượng, “Taking Filght” lại dùng sự chuyển sắc, bóng tối cũng như độ mờ ảo của sương mù để tăng thêm tính nghệ thuật.

Ngoài những yếu tố về kỹ thuật, nhiếp ảnh gia Paul Goldstein còn được sự hỗ trợ đắc lực của thiên nhiên: Mưa đêm khiến sương mù thêm dày, bầu trời quang mây và nhất là sự xuất hiện của bầy linh cẩu săn mồi khiến cả đàn chim hồng hạc hoảng sợ.



Khoảnh khắc của bức ảnh “The Charge” đến với nhiếp ảnh gia Eric Pierre hết sức tình cờ. Khi ông đang lần theo dấu một đàn sói Bắc Cực thì bất ngờ, người hướng dẫn của ông phát hiện ra một đàn bò Musk cách họ 5km. Khi quan sát chúng, ông phát hiện ra vẻ căng thẳng của cả đàn. Nguyên do có thể vì một con sói đang đến.



“Balancing Act” của nhiếp ảnh gia Joel Sartore ghi lại khoảnh khắc một “cô” dê núi đang tận hưởng thành quả của mình sau nỗ lực phi thường, bất chấp nguy hiểm leo lên khe hở trên vách đá, nơi có dòng nước khoáng đang rỉ ra.



Có một niềm đam mê đặc biệt với loài hải ly, nhiếp ảnh gia Louis-Marie Préau đã đến sông Loire ở Pháp mỗi khi chuyển mùa trong suốt 4 năm để quan sát và chụp ảnh chúng. Trong một lần may mắn, ông đã được chứng kiến cảnh một chú hải ly châu Âu đang lặn và ngậm cành bạch dương về xây tổ. Để có được khoảng khắc tự nhiên này, ông đã phải nằm gần như bất động dưới đáy sông để không khiến chú hải ly hoảng sợ.



Là một loài chim phổ biến ở Costa Rica nên rất hiếm khi chim Chachalaca trở thành “nhân vật chính” trong các bức ảnh. Ngay chính ông Gregory Basco, tác giả của "pô ảnh” này cũng thừa nhận ông chưa bao giờ có ý định chụp ảnh loài chim Chachalaca. 

Nhưng vào một buổi sáng, khi đang theo dấu đàn chim khác trong khu sinh thái ở Turrialbe, ông chợt phát hiện ra sự xuất hiện tình cờ của chú chim Chachalaca trên ngọn cây, vô tình tạo ra khung cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc. Phát hiện ra mình đang bị “theo dõi” bởi một "paparazzi", chỉ vài giây sau, chú chim này đã biến mất.



Một đợt không khí nóng vừa đi qua là nguyên nhân khiến cho một đàn gồm hàng trăm chú bướm đêm bay tới Anh, trong đó có cả chú bướm đốm đỏ này. Theo các nhà khoa học, đợt di cư vừa rồi là đợt di cư côn trùng lớn nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.



Bức ảnh chụp một đàn dơi bay ra khỏi hang đi kiếm ăn khi trời còn rất sáng. Việc số lượng côn trùng giảm sút trong thời gian qua ở khu vực Texas, hạn hán đã khiến đàn dơi phải đi kiếm ăn từ sớm, thời điểm khiến chúng dễ bị các loài khác tấn công hơn. Việc tìm ra xác dơi con là dấu hiệu báo trước sự suy giảm số lượng của loài này.



Chú hổ Raika này đang đứng phía sau một bức tranh đặc biệt được bán ra nhằm gây quỹ cho chiến dịch Tiger S.O.S để cứu loài hổ Sumatra. Bức tranh “A Streak of Sumatran Tigers” được thực hiện bởi WOOP Studios chứa 300 chấm in vằn của 300 chú hổ khác nhau, đại diện cho số lượng hổ Sumatra còn tồn tại trong tự nhiên.



Chú nhạn biển Bắc Cực đang lướt mình theo gió. Hình ảnh này được trích ra từ quyển sách “Birds: Magic Moments” của tác giả Markus Varesvuo.



Một chú cá vàng mắt bong bóng đang “tung tăng” trong “lãnh địa” của mình tại Triển lãm cá Bắc Kinh, Trung Quốc.



Còn đây là bức ảnh được yêu thích nhất trong tuần. Tác giả bức ảnh, cô Sarah Figini, cảm thấy rất ngạc nhiên khi “em mèo” Fluffy đi vào nhà, tha chú chuột đồ chơi ra ngoài, sau đó mặc cho một chú chuột thật “nghịch ngợm” đồ chơi của mình. 



Các du khách đã cảm thấy vô cùng sửng sốt với sự xuất hiện của chú vịt con trong chuồng của “cô” tinh tinh 15 tuổi này. Trái với vẻ ngoài dữ tợn của mình, Fran (tên của "cô" tinh tinh) cẩn thận “khám nghiệm” chú vịt con bằng một cành cây, sau đó để mặc chú vịt đi lang thang trong chuồng trước khi được nhân viên vườn thú đưa ra.



Có vẻ như vượn người là một trong những “bà mẹ” vĩ đại nhất thế giới loài vật khi chúng có thể chăm sóc các loài khác rất cẩn thận. Hình ảnh các bạn đang xem được ghi lại tại vườn thú Bangkok, Thái Lan. Bức ảnh này thoạt nhìn có vẻ rất dễ thương nhưng chẳng ai biết rằng khi khách tham quan đã về hết, hai sinh vật đáng thương này sẽ bị xích đơn độc trong chiếc chuồng chật hẹp của mình.