Tròn mắt trước những phát minh "dị" mà hay trên thế giới

Trang Lưu, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 20/09/2015

Bình chữa cháy có thể dập lửa bằng âm thanh, lớp phủ giúp giấy không thấm nước... là những phát minh vô cùng hữu ích mà con người mới tạo ra.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các khoa học gia đã sáng chế ra nhiều phát minh mới, trong đó có không ít phát minh có tính thực tiễn cao. Hãy cùng đến với bài viết dưới đây để hiểu thêm về những sáng tạo được công nhận bởi sự độc đáo và tính ứng dụng của nó.

1. Chữa cháy bằng... âm thanh

Bình cứu hỏa là một trong những vật dụng rất tiện lợi để đối phó với các đám cháy nhỏ. Tuy nhiên, thứ còn lại sau quá trình dập lửa đôi khi rất phiền phức. Ngoài ra, với những vụ cháy lớn ở những nơi không có sẵn nước thì việc chữa cháy là vô cùng khó khăn.

150918invention01-1ff70

Nắm được điều này, 2 sinh viên thuộc ĐH George Mason (Mỹ) đã nghiên cứu và chế tạo ra một thiết bị chữa cháy vô cùng thú vị và nhanh chóng mà không cần đến nước. Đó là chữa cháy bằng âm thanh, hay nói đúng hơn là dùng sóng âm thanh để dập lửa.

150918invention02-1ff70

Dù sử dụng phương pháp chữa cháy nào, tất cả đều áp dụng một nguyên lý, đó là tách oxy ra khỏi ngọn lửa. Áp dụng nguyên lý này, 2 sinh viên đã sử dụng một thiết bị phát ra âm thanh có tần số thấp. Sóng âm thanh khi phát ra sẽ đẩy oxy ra khỏi khu vực xung quanh, khiến ngọn lửa dập tắt nhanh chóng.

Có một điểm đặc biệt của phát minh này, đó là một trong hai nhà sáng chế là một sinh viên người Việt Nam - Trần Việt. Việt cho biết, anh nhận thấy các sóng âm trong khoảng 30-60 hertz giống như tiếng bass trong nhạc hip-hop có thể ngăn oxy tiếp xúc với nhiên liệu cháy. 

Âm trầm của loa tạo ra những xung với tần số thấp sẽ làm thay đổi áp suất khiến không khí ở dưới đẩy ngọn lửa lên cao, tách khỏi chất bắt lửa và ngọn lửa sẽ tắt.


2. Diệt muỗi theo phong cách "cool ngầu" nhất bằng tia laser

Có thể nói, muỗi là một trong những loài côn trùng rất phiền phức, đặc biệt là vào mùa hè. Dường như, các khoa học gia đã mất kiên nhẫn vì loài vật bé nhỏ có cánh này, khi đã áp dụng một biện pháp mạnh đối với chúng: Vũ khí tiêu diệt muỗi WMD (Weapon of Mosquito Destruction).

150918invention03-7d910

WMD là một chiếc máy ứng dụng sức công phá của tia laser để diệt muỗi, do Nathan Myhrvold - kỹ sư người Mỹ tại Microsoft chế tạo ra. Về cơ bản, đây là một chiếc máy hoạt động dựa trên việc tìm ra tần số đập cánh của loài muỗi, sau đó gửi tín hiệu về máy tính. Máy tính sẽ khai hỏa bộ phận phát tia laser, đốt cháy cánh của muỗi.

150918invention04-7d910

Không chỉ có thể diệt muỗi, thiết bị này có thể được sử dụng để tiêu tiệt mọi loại côn trùng có cánh khác mà không gây tổn hại tới sức khoẻ con người.

Phát minh này được đánh giá là rất khả thi trong nhiều gia đình, do không áp dụng bất kỳ hóa chất gây hại nào cho con người. Bên cạnh đó, WMD có thể áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, khi có thể thay thế các loại thuốc trừ sâu độc hại.

Hãy thử tưởng tượng một ngày, trên cánh đồng lúa có một chiếc máy treo trên cao, bắn tia laser tiêu diệt rầy nâu, châu chấu... thì sẽ "cool ngầu" đến nhường nào.


3. Lớp phủ chống nước "bá đạo" nhất


Mới đây, công ty Ultra - Ever Dry (UED) tại Mỹ đã tạo ra một phát minh mang tính bước ngoặt: một dạng lớp phủ có thể giúp tất cả mọi bề mặt không thấm nước.

150918invention05-49853
Chống thấm từ giấy...

Loại chất này được tạo ra dưới dạng xịt, sử dụng công nghệ nano để chống thấm tất cả các loại chất lỏng. Loại chất này "bá đạo" đến mức được các khoa học gia đặt cho một cái tên khá... mỹ miều: "Lớp phủ siêu chống nước" - superhydrophobic coating.

150918invention06-49853
...tới đồ điện tử

Về cơ bản, hợp chất dạng xịt này tạo một lớp nano phủ lên bề mặt của vật, giúp ngăn cản sự tiếp xúc của bất kỳ mọi chất lỏng nào. 

Các khoa học gia đã lấy ý tưởng dựa trên các loại lá cây chống thấm nước trong tự nhiên, như lá khoai, lá sen... Lớp phủ đem lại khả năng chống thấm nước trên mọi bề mặt, ngay cả quần áo của chúng ta đang mặc trên người.

150918invention07-e56c4
...thậm chí là cả quần áo

Phát minh này ngay lập tức cho thấy tiềm năng ứng dụng cao. Và trên thực tế, rất nhiều gia đình tại Mỹ đã sử dụng chất này làm vật liệu chống thấm cho gia đình mình.

Hãy cùng thử xem qua video dưới đây để biết được độ "bá đạo" này.


4. Nhà chống động đất


Động đất là một trong những thảm họa thiên nhiên mà con người gần như... chịu bó tay, chỉ có thể đưa ra các dự đoán mang tính gần đúng để giảm thiểu thiệt hại về người mà thôi. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều căn nhà, dù kiên cố đến đâu cũng có thể sụp đổ. Chúng ta có thể điểm qua một số quốc gia thường phải gánh chịu thảm họa này như Nhật Bản, Nepal, Indonesia...

Tuy nhiên, sự kỳ diệu của khoa học đã giúp giải quyết điều này, bằng việc phát minh ra một loại vật liệu xây nhà đặc biệt với khả năng "khử địa chấn" - anti seismic building.

150918invention08-5fe96
Mô phỏng tòa nhà được xây dựng bằng vật liệu thường (trái) và vật liệu "khử chấn động" (phải)

Về bản chất, đây là dạng vật liệu có khả năng hấp thu các xung động gây ra bởi động đất. Khi động đất xảy ra, thứ khiến các tòa nhà sụp đổ chính là xung động - thứ tác động vào kết cấu của công trình. Bằng cách vận dụng một số những nguyên lý vật lý như thủy lực học, vật liệu này có thể hấp thu phần lớn năng lượng do địa chấn gây nên, từ đó giúp tòa nhà đứng vững khi thảm họa xảy ra.

Ngày nay, nhiều quốc gia đã áp dụng loại vật liệu này vào thực tiễn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ...


Nguồn: Maxiscience