Tròn mắt ngưỡng mộ 3 anh hùng nổi tiếng châu Âu thời xưa

Hải Sơn, Theo Mask Online 00:00 12/02/2012

Đó là anh hùng Thành Troy, Alexander Đại đế và Julius Ceasar.

1. Hector - anh hùng Thành Troy

Trong thần thoại Hy Lạp, Hector là con trai của vua Priam. Sau khi em trai mình là Paris gây ra họa lớn, Hector phải lãnh đạo quân lính Thành Troy chống lại quân Hy Lạp. Mặc dù đã nhìn trước được tương lai tăm tối, toàn bộ Thành Troy và dòng họ Priam sẽ bị hủy diệt thế nhưng Hector không hề chạy trốn. Chàng đã lãnh đạo nhân dân Thành Troy kiên cường chiến đấu với quân Hy Lạp để bảo vệ những gì họ yêu quý nhất.


Để hạn chế sự đổ máu vô ích giữa hai bên, chàng đã thách đấu tay đôi với những chiến binh Hy Lạp để định cuộc chiến. Với tài năng của mình, chàng đã khiến Ajax - một trong những dũng sĩ giỏi nhất của quân Hy Lạp thua cuộc.

Cảnh phim minh họa cuộc chiến giữa Hector và Achilles. 

Không những thế, chàng nhân từ tới độ cho quân Hy Lạp thời gian chôn cất các chiến binh tử nạn nhưng họ lại dùng nó để xây dựng chiến lũy. Với tài cầm quân, chàng phá tan chiến lũy của quân Hy Lạp và giết chết được Patroclus (em họ của Achilles). Điều này vô tình làm cho Achilles - anh hùng gần như bất tử với cơ thể bằng đồng - dẫn quân tấn công Thành Troy.

Hình ảnh của Achilles.

Cuộc chiến giữa Achilles và Hector quả không cân sức. Achilles vốn có một cơ thể bằng đồng do được tắm trên sông Styx, cây thương và chiếc khiên của Thần Lửa cũng không thể đâm thủng. Đã vậy Achilles còn có sự hỗ trợ đắc lực của Athena, vị thần của trí tuệ. Tuy nhiên, Hector không hề sợ hãi, chiến đấu một cách anh dũng cho đến phút cuối cùng.

Hector khéo léo né được cây thương của Achilles, nhưng với sức mạnh của mình, thần Athena đã mang cây thương trở lại cho Achilles. Đồng thời, bà biến thành em trai của Hector làm cho chàng bối rối. Chỉ trong giây phút xao lãng đó, ngọn giáo đã đâm xuyên qua cổ họng của Hector tội nghiệp.


Hector chết nhưng thân xác bị Achilles làm nhục, kéo lê trên đất bùn hàng dặm. Tuy nhiên, vì cảm thương cho sự dũng cảm của chàng, các vị thần đã bảo vệ thân xác chàng và giúp vua Priam thuyết phục được Achilles cho đem xác về an táng.

2. Alexander Đại đế - vị vua tài năng trẻ tuổi

Là con trai của vua Philipos sứ Macedonia, ngay từ nhỏ Alexander đã bộc lộ tư chất thiên tài. Ông thích học võ, yêu thơ văn và đặc biệt được Aristotle (nhà hiền triết nổi tiếng) vô cùng yêu quý. Aristotle đã dạy cho cậu học trò cưng của mình những kiến thức hay nhất về văn học, y học, khoa học và cách hùng biện trước đám đông.


Năm 336 TCN, vua cha bị ám sát, ông lên ngôi năm mới 20 tuổi. Với tài quân sự của mình, ông dẹp yên các loạn đảng trong nước. Sau khi kết hợp quân Hy Lạp và quân Macedonia làm một, ông tấn công Ba Tư, đế quốc hùng mất nhất thời bấy giờ.

Ông sáng tạo ra một chiến thuật vô cùng lợi hại, gọi là “phương trận”. Bộ binh xếp thành từng khối dày đặc, hàng trước mang giáo ngắn với mộc che chở, hàng sau mang giáo dài (có ngọn giáo dài tới 5m), nhìn giống y như một con nhím khổng lồ. Hơn thế, mỗi bên đều có một đội kỵ binh yểm trợ. Khi tác chiến, bộ binh hình nhím tấn công trực diện còn các kỵ binh nhanh nhẹn vòng ra sau bao lấy đối thủ.


Chỉ trong vòng 4 năm, ông đã đánh bại hoàn toàn đế quốc Ba Tư, chiếm lấy một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Ai Cập đến Ba Tư. Ông tích cực truyền bá nên văn hóa Hy Lạp cổ cho người dân phương Đông và sự hòa hợp giữa Đông - Tây đã tạo nên một nền văn hóa mới gọi là Hy Lạp hóa.

Đáng tiếc rằng sự nghiệp của ông đã phải kết thúc quá sớm. Năm 323 TCN, sau khi mắc phải bệnh sốt ác tính, ông đã qua đời ở tuổi 33. Không có con trai thừa kế, vương quốc của ông lại chia làm 3 phần: Ai Cập, Hy Lạp - Macedonia và Ba Tư.

3. Julius Ceasar - nhà chính trị lỗi lạc

Ông được sinh ra năm 100 TCN trong một gia đình quý tộc La Mã. Từ nhỏ, ông đã được hưởng sự giáo dục tốt nên ông tham gia vào các hoạt động chính trị từ rất sớm. Lúc bấy giờ, La Mã đang trong giai đoạn thối nát và hỗn loạn, các vị tướng đánh nhau để tranh giành quyền lực. Trên thực tế, người dân La Mã lại không muốn thay đổi chế độ, duy chỉ có Ceasar là nhận thấy chính quyền này đã lỗi thời.


Ông điều khiển quân La Mã đánh bại quân xâm lược Gaul và sáp nhập nhiều vùng đất khác nhau vào lãnh thổ La Mã. Những chiến thắng vang dội liên tiếp khiến ông trở thành “người hùng”, ông được nhân dân yêu mến và điều này làm cho nội các La Mã vô cùng lo lắng. Họ bắt ông trở về Roma như một công dân, nghĩa là không được mang quân đội theo nhằm âm mưu tiêu diệt ông.


Biết rõ ý đồ, ông đem quân đội trở về Roma và từ đây diễn ra cuộc nội chiến kéo dài 4 năm giữa ông và nội các La Mã. Kết quả là phe của Ceasar giành được thắng lợi vẻ vang. Ông cao thượng tha chết cho nội các, đồng thời cũng từ chối vương miện hoàng đế La Mã. Hành động này của ông vô tình lại gây ra cái chết cho chính mình. Vào năm 44 TCN, ông bị ám sát bởi các thành viên của nội các.


Ngoài tài quân sự, khả năng hùng biện, ông còn được biết đến là một nhà cải cách lỗi lạc. Ông đề ra chính sách tái định cư cho dân nghèo cùng những cựu chiến binh. Tiếc rằng, nhiều cải cách của ông không được thực thi vì bất ngờ bị ám sát.


Những giai thoại về ông nhiều vô kể, nổi bật trong số đó là câu chuyện của ông và những tên hải tặc. Trong một lần đi qua biển Aegean, ông bị một lũ hải tặc bắt cóc. Ngay trong tình trạng bị giam cầm, ông vẫn sinh hoạt và ăn uống đều đặn để giữ cơ thể mạnh khỏe. Khi bọn cướp biển nói với ông sẽ đòi tiền chuộc ông là 20 talent vàng (4.800 miếng vàng), ông cười to và nói: “Giá của ta ít nhất là 50 talent vàng (12.000 miếng vàng)”. Với cơ thể khỏe mạnh của mình, ông được bọn cướp biển cho ra phụ giúp công việc trên tàu và được chuộc lại tự do một thời gian sau đó. Trước khi đi, ông quay lại nói với bọn chúng: “Ta sẽ bắt hết các ngươi”. Bọn chúng cười nhạo ông, và rồi ít lâu sau, tất cả đều bị bắt bởi một hạm đội của Ceasar.