Trải nghiệm cảm xúc qua bản tin thiên nhiên kì diệu

Hồng Phượng, Theo 00:00 06/11/2011

Choáng ngợp, giận dữ, xúc động và bất ngờ thích thú với các update cuộc sống thiên nhiên mới nhất tuần qua!

Hãy cùng chúng tớ đến với cảnh đẹp thiên nhiên vào mùa thu:

Một buổi sáng cuối thu tại thung lũng Waveney, Mendham, Suffolk (Anh). Nơi đây nổi tiếng với cảnh đẹp hoang sơ đầy thơ mộng, khác hẳn hình ảnh thành phố London náo nhiệt hay Oxford cổ kính.

Hình ảnh các bạn đang xem là hai chú sếu đầu trắng trên đồng cỏ - biểu tượng cho sự thanh cao của người Hàn Quốc. Khi mùa đông đến, chúng sẽ di chuyển từ vùng Siberia (Nga) đến Hàn Quốc để tận hưởng mùa thu tuyệt đẹp ở đây.

Nếu có điều kiện, bạn hãy đến thăm Thụy Sĩ vào mùa thu. Chắc chắn, đất nước xinh đẹp này sẽ không làm bạn thất vọng. Bức ảnh trên có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất với khung cảnh rừng lá vàng làm chúng ta choáng ngợp.

Tiếp tục, chúng ta không thể bỏ qua update mới nhất về tình hình động vật trên thế giới tuần qua:

Hình ảnh thương tâm này đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn săn bắn trộm tê giác cho đất nước Nam Phi và thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 341 cá thể tê giác ở đất nước này bị giết hại và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Được biết, nhu cầu sừng tê ngày một tăng cao tại thị trường châu Á, trong đó bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… đã đẩy những chú tê giác vô tội vào cảnh bị đe dọa đến tính mạng. Mặc dù giới khoa học chưa tìm ra bất cứ công dụng y học nào của sừng tê giác nhưng có vẻ như, tin đồn về tác dụng thần kì của loại “thuốc” này vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người.

Hình ảnh về loài chim kền kền ăn xác sống được ghi lại tại Công viên Quốc gia Cevennes thuộc miền Nam nước Pháp. Ước tính, số lượng loài chim này đã đạt khoảng 1.000 cá thể sau chương trình bảo tồn cách đây 30 năm. 

Một chú sóc đỏ đang tranh thủ “đánh chén” bữa trưa của mình trước khi đi tìm thức ăn dự trữ trong tổ.

Để giải quyết cơn đói của mình, những chú dê trong ảnh đã “mạnh dạn” trèo lên cây tìm quả chín. Nhiếp ảnh gia Gavin Oliver đã nhanh tay “chộp” lại khoảnh khắc đặc biệt này trong chuyến đi tới Morocco của mình. 

Một chú hổ Bengal vàng đang “đùa” với em bé 3 tuổi qua lớp kính bảo vệ. Nhiếp ảnh gia Dyrk Daniels - tác giả của bức ảnh, cho biết: “Tôi nhận thấy cô bé dựa vào tấm kính, chăm chú quan sát chú hổ. Và thật không thể tin được khi Taj (tên chú hổ) cũng tiến đến phía tấm kính, cúi đầu chào cô bé. Sau khi “đập tay” với cô bé, Taj dụi đầu vào tấm kính như thể làm nũng. Đáp lại “thịnh tình” của chú hổ, cô bé cũng vỗ tay hưởng ứng”.

Bằng cách đặt hạt dẻ thành đường đi dẫn đến chiếc piano chuẩn bị sẵn, cuối cùng, nhiếp ảnh gia nghiệp dư Kathy Pruyn đã có cơ hội bắt lấy khoảnh khắc chú sóc này đang nghịch ngợm chiếc đàn trong khu vườn của mình. 

Không dừng lại ở đó, chú sóc này còn có khiếu chơi bi-a cực giỏi nữa cơ!

Hội thi cún? Hội thi “miu”? Xưa rồi! Bây giờ, “dân chơi” là phải thi thỏ! Hình ảnh bạn đang xem được chụp tại Giải Vô địch thỏ toàn châu Âu được tổ chức lần thứ nhất tại Thụy Sĩ. Sau khi trải qua nhiều bài thi tài năng (trong đó có môn nhảy cao như trên), chú thỏ Lada Sipova-Krecova đến từ Cộng Hòa Séc đã đem về chiếc cúp cho chủ nhân của mình.

Khi nhìn bức ảnh này, chúng ta dễ dàng tưởng tượng chú rùa trên đang trở thành "chuyến phà" bất đắc dĩ cho gia đình cá đĩa. Tuy nhiên, thực tế thì đàn cá đĩa này đang giúp chú rùa giải quyết đám tảo đáng ghét trên mai đó! Hình ảnh được chụp tại bờ biển Kailua Kona, Hawaii.

Cảnh tượng độc đáo này được nhiếp ảnh gia người Anh Steve Jones ghi lại, thể hiện mối quan hệ ngày một “khăng khít” hơn giữa người và loài cá mập đốm. Được biết, người dân địa phương thuộc khu vực bán đảo Tây Papua New Guinea có truyền thống gắn bó với loài “quái vật biển” này. Ngư dân nơi đây thường cho chúng ăn và thậm chí, họ sẵn sàng nhảy xuống nước giải thoát cho loài cá này khi chúng mắc phải lưới đánh cá.

Và một bức ảnh đặc biệt:

Hôm nay quả là một ngày may mắn của chúng ta khi được chiêm ngưỡng chú chim cánh cụt đen tuyền cực hiếm này. Ước tính, cứ 30.000 chú chim cánh cụt thường mới có 1 chú chim cánh cụt đen tuyền. Màu lông đặc biệt này là kết quả của việc tích tụ quá nhiều sắc tố đen dưới da, dẫn đến việc thiếu hụt sắc tố khác.