Tìm thấy hành tinh đầu tiên đến từ thiên hà lạ

Mèo Lợn, Theo 12:00 22/11/2010

Nó nặng hơn Trái đất 400 lần và được sinh ra ở một thiên hà hoàn toàn xa lạ. <img src='/Images/EmoticonOng/06.png'>

Cho tới nay, đã có khoảng 500 hành tinh được con người phát hiện ra và chúng đều sinh ra trong giải Ngân hà của chúng ta. Vì thế, khám phá này có ý nghĩa rất lớn lao.
 
Hành tinh mới này là một hành tinh ở thể khí giống như Sao Mộc hay Sao Thổ. Nó nặng hơn Sao Mộc (hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời) ít nhất là khoảng 25% - đồng nghĩa với việc nặng gấp Trái Đất 400 lần. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao từng bắt đầu cuộc đời của nó ở một thiên hà nhỏ.
 
Đài thiên văn đặt tại Chile đã khám phá ra hành tinh này.
 
Hành tinh mới được mang tên HIP 13044b và được cấu tạo từ các khí như heli và hidro. Nó nằm cách Trái Đất hơn 2.000 năm ánh sáng, một khoảng cách khá xa xôi và thuộc một dòng sao mang tên Helmi. Dòng sao chính là tàn tích của thiên hà nhỏ vốn đã bị thiên hà lớn hơn nuốt lấy trong quá khứ xa xưa.
 
Khoảng từ 6 tới 9 tỉ năm về trước, thiên hà có chứa hành tinh này đã bị giải Ngân hà của chúng ta nuốt lấy và tàn tích của quá trình đó chính là các dòng sao. Dòng sao Helmi hiện nằm ở phía Nam của giải Ngân hà bao la.
 
Hình ảnh phác họa hành tinh mới và ngôi sao của nó.
 
Vì khoảng cách quá xa nên các nhà thiên văn không thể chụp lại được hình ảnh của hành tinh mới này dù đã sử dụng kính viễn vọng có đường kính tới 2,2m. Thay vào đó, họ tính toán và suy ra sự tồn tại của nó từ những sai lệch trong chuyển động của ngôi sao chủ.
 
Các sai lệch đó được trọng lực của các hành tinh lớn quay xung quanh ngôi sao gây ra. Nhờ có máy quang phổ được gắn với kính viễn vọng, sự tồn tại của hành tinh HIP 13044b đã được khẳng định.
 
Minh họa các dòng sao của Ngân hà (có màu trắng bạc).
 
Đây là lần đầu tiên người ta tìm được một hệ thống hành tinh trong dòng sao có xuất xứ từ thiên hà lạ. Đó là cách duy nhất hiện nay để có thể chứng minh rằng ở các thiên hà khác cũng tồn tại các hành tinh như trong hệ Mặt trời của Ngân hà. Vì khoảng cách quá xa nên trừ khi Ngân hà “ăn thịt” một thiên hà khác, chúng ta chưa thể trực tiếp tìm ra các hệ thống như vậy.
 
Hành tinh lớn này đang quay quanh một ngôi sao ở vào giai đoạn cuối đời. Ngôi sao đó đã gần cạn nguyên liệu hidro và bước qua giai đoạn nở ra dữ dội, biến nó thành một ngôi sao đỏ khổng lồ. Trong giai đoạn đó, nó đã thiêu cháy các hành tinh ở gần và may mắn là HIP 13044b vẫn còn tồn tại. Hiện giờ, ngôi sao chủ đã tự thu nhỏ lại và sẽ biến thành một sao lùn trong tương lai.