Tìm lời giải của việc nổ bình xăng khi sử dụng "dế yêu"

Linh Ji, Theo 11:30 05/12/2011

Thực hư câu chuyện như thế nào nhỉ?

Mỗi lần vào trạm xăng, chúng mình có thể nhìn thấy biển cảnh báo về việc không được sử dụng điện thoại hay hút thuốc trong khu vực này. Hút thuốc thì có thể hiểu được nhưng việc nghe điện thoại trong hay gần trạm xăng thì sao?

Không hiếm trường hợp trên thế giới

“Liệu sóng điện thoại có khả năng gây cháy nổ khi ở gần các trạm xăng hay không?” là câu hỏi không phải vô cớ được đặt ra. Bởi lẽ, đã có những vụ cháy nổ ở trạm xăng xảy ra và nguyên nhân được cho là liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động.



Tại Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí CPC đã cấm khách hàng sử dụng điện thoại sau sự cố hy hữu xảy ra: Một người trong khi nghe điện thoại đã cúi xuống xem xăng trong bình còn hay hết. Bình xăng đột ngột bốc cháy gây bỏng nặng.

Một trường hợp khác được ghi nhận ở Úc năm 1993 với vụ cháy nổ cây xăng Metropolitan Fire Service được cho là liên quan đến việc khách hàng sử dụng di động trong quá trình đổ xăng.

Ngày 17/5/1998, một người lái xe ở Indonesia đã bị bỏng nặng tại trạm xăng khi anh đang nghe điện thoại trên xe lúc nhân viên trạm xăng bơm nhiên liệu.


Mới đây nhất, vào cuối tháng 11, việc một người dân ở Hà Nội đã bị bỏng nặng khi nghe điện thoại trong nhà vệ sinh của cây xăng đã thổi bùng lên hoang mang của nhiều teen về nguy cơ "em dế yêu" có thể gây hỏa bất ngờ.

Có hay không sự liên quan giữa sóng điện thoại với khả năng gây cháy nổ?
 
Nhiều người cho rằng sóng điện thoại hay sóng Wi-Fi, 3G là thủ phạm gây ra những vụ cháy nổ như vậy. Thực tế, nguy cơ đến từ sóng điện thoại được xem là lời giải thích khá hợp lý khi hầu hết điện thoại đều có bộ phận thu phát sóng vô tuyến công suất 800 - 900 MHz (gần bằng sóng lò vi ba). Khi có cuộc gọi đến và chúng mình ấn kết nối, công suất điện thoại lập tức tăng mạnh. Nếu môi trường xung quanh có lớp hơi gas, xăng tạo thành đám mây mỏng chứa điện từ (điển hình như ở trạm xăng) thì khả năng phát hỏa khi có kích ứng của sóng điện thoại hoàn toàn có thể.



Mặt khác, điện thoại di động là một thiết bị điện tử nên không thể loại trừ khả năng cháy nổ dù nguy cơ này vô cùng nhỏ. Đây là lý do các nhà sản xuất điện thoại vẫn luôn cảnh báo chúng ta không nên sử dụng điện thoại trong môi trường dễ gây cháy, nổ.


Rất nhiều người dân chủ quan vẫn vô tư nghe điện thoại ở trạm xăng.

Trên thực tế, hiện nay, chưa có bất cứ công trình nghiên cứu hay cáo buộc xác thực nào được đưa ra để chứng minh sóng điện thoại là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở các trạm xăng. Không những thế, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, sóng điện thoại khó có thể bị cho là thủ phạm bởi nếu nó đủ mạnh để phát ra tia lửa điện thì bức xạ của nó đã phá hủy tế bào não của chúng mình trước đó rồi.


Vậy nguy cơ gây cháy nổ từ đâu ra?

Tuy nguyên nhân phát nổ không thực sự do sóng điện thoại gây ra nhưng nguy cơ này có thể lớn dần lên theo thời gian bạn sử dụng điện thoại liên tục ở trạm xăng. Bởi lẽ, chắc các ấy cũng biết đối với phần lớn điện thoại, đặc biệt là smartphone, càng gọi điện hay sử dụng 3G vào mạng lâu thì nhiệt độ của máy sẽ tăng lên càng nhanh.


Nhiệt độ tăng đồng nghĩa với việc nếu teen sử dụng một thiết bị không đảm bảo chất lượng thì máy các ấy có thể bị chập, phát ra tia lửa điện, gây cháy nổ nơi có khả năng bắt cháy cao như cây xăng. Mặt khác, nếu sự tiếp xúc giữa pin và máy không tốt, pin không chất lượng, mồ hôi ở tay người dùng, má (trong khi áp điện thoại vào nghe) có thể gây ra hiện tượng đoản mạch, dẫn đến cháy nổ.


 
Bonus cách sử dụng điện thoại an toàn cho teen

Tuy chưa có kết luận chính thức nhưng chúng mình cũng nên học cách sử dụng điện thoại an toàn cho bản thân nè:

- Nên sử dụng tai nghe trong khi nói chuyện điện thoại và tốt nhất, không duy trì thời gian sử dụng điện thoại liên tục quá lâu để tránh tình trạng nhiệt độ máy quá nóng. Tình trạng máy quá nóng vừa làm tổn hại tới dế xinh, vừa gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe vì lượng bức xạ phát ra.

- Lựa chọn dòng điện thoại của các nhà sản xuất có uy tín và hãy đảm bảo rằng em dế của ấy trong tình trạng “khỏe mạnh”, ổn định.

- Khi ở trạm xăng, thay vì nấu cháo điện thoại liên miên thì tốt nhất các ấy nên tập trung cho việc nạp nhiên liệu được diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ nha!