Thực trạng xót xa về việc khai thác than của con người

Gabby, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 28/03/2014

Khai thác than quá mức vì lợi nhuận kinh tế có thể đưa xã hội loài người trên Trái đất tới sự diệt vong… <br/><br/>

Môi trường toàn cầu đang phải đối mặt với muôn vàn thách thức từ biến đổi khí hậu. Sự nóng lên của Trái đất, ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất… đang dần đẩy con người tới bước đường diệt vong. 

Nguyên nhân không đâu khác, chính là vì hoạt động sản xuất, vắt kiệt nguồn tài nguyên của chính chúng ta. Trong đó, điển hình là việc khai thác và sử dụng quá mức than đá - một trong những loại nhiên liệu hóa thạch phổ biến nhất…
 
 
Than là một trong những loại nhiên liệu hóa thạch quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới nổ ra, than đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. 

Với trữ lượng khoảng 10 nghìn tỷ tấn - gấp nhiều lần so với dầu mỏ hay khí đốt, lại thêm chi phí bỏ ra để khai thác thấp nên than được sử dụng rất phổ biến trong các ngành công nghiệp.  

  

Sản lượng khai thác than trung bình của toàn thế giới là khoảng 5 tỷ tấn/năm. Than tập trung nhiều ở Bắc bán cầu, nhất là các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Bang Nga… Theo thống kê, hơn 40% lượng điện năng trên thế giới hiện nay được sản xuất ra là từ than trong các nhà máy nhiệt điện.

 
 
Ít ai biết rằng, 60% lượng điện năng ở thành phố Denver, Colorado (Mỹ) và vùng ngoại ô đều được sản xuất ra từ than đá.

 
 

Tuy nhiên, than hiện nay đang bị khai thác quá mức vì nhu cầu và lợi nhuận thương mại. Dẫu trữ lượng lớn nhưng với tốc độ “đào” như hiện nay, nhiều chuyên gia dự đoán lượng than còn lại sẽ cạn kiệt sau 100 năm nữa. 

Nguy hiểm hơn, than là thứ nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều khí CO2 khi đốt nhất, gây ra ô nhiễm môi trường và những hệ quả tiêu cực nặng nề khác.


 

Đối với môi trường, khai thác than làm thay đổi và phá hủy cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng. Việc xây dựng hầm mỏ lộ thiên hay trong lòng đất là nguyên nhân gây ra xói mòn đất đai và cái chết của lớp thực vật trên bề mặt. Ở những nơi không có cây cối, sự xói mòn sẽ kéo dài từ 50 - 60 năm sau khi khai mỏ.

  

Hình ảnh tương phản tại dãy núi Madison, Tây Virginia khi một bên là khu mỏ Hobet và một bên là phần núi còn sót lại sau khi Hobet xây dựng. Ước tính đã có hơn 20m3 khối núi đã bị “thổi bay” vì mỏ than này.

  

Một vùng đất khô cằn không thể trồng trọt tiếp vì nằm cạnh một nhà máy sản xuất than ở Trung Quốc.

  

Khai thác than ở các mỏ lộ thiên đặc biệt nguy hiểm cho nguồn nước ở những khu vực lân cận. Quá trình sử dụng nước để rửa than sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. 

Bụi bẩn và trầm tích trong than chảy ra sông, hồ sẽ hại chết các loài sinh vật dưới nước cũng như đầu độc những người dân sử dụng nước này từ 5 - 25 năm. Ngoài ra, Acid sulfuric hình thành khi khoáng chất chứa sunphit bị oxy hóa trong khai thác than là nguyên nhân chính gây ra mưa axit.

 
 
Hình ảnh ông Jimmy Murphy đến từ Sprigg, Tây Virginia đang cầm chiếc lọ đựng nước giếng của nhà mình. Jimmy cho biết nguồn nước này nhiễm đầy bùn than từ mỏ của công ty Massey Energy và chi nhánh Rawl Sales & Processing.

 
 

Đối với không khí, các nhà máy sản xuất sử dụng than chính là nỗi khiếp sợ kinh hoàng. CO2 thải ra từ những ống khói lớn chính là nguyên nhân làm Trái đất nóng lên một cách nhanh chóng. Nguy hiểm hơn, sự ô nhiễm này là hung thủ gây ra bệnh hô hấp cũng như cái chết cho hàng triệu người trên thế giới.

 
 
Mỗi năm ở Trung Quốc, khoảng 1 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí do khói bụi công nghiệp có liên quan tới sử dụng than đá. Tình hình tệ tới mức trong bức ảnh này, Mặt trời hoàn toàn bị che khuất bởi bụi than thải ra từ nhà máy điện Shantou số 2 tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

 
 
Khung cảnh Sarajevo ngày 19/01/2011. Khí thải từ các phương tiện giao thông và bụi than đã tạo nên những đám mây ô nhiễm bao phủ bầu trời thành phố.

 
 
Không chỉ gây hại tới thiên nhiên mà chính con người chúng ta cũng trở thành nạn nhân của việc khai thác than quá mức. Bụi than và các hóa chất độc hại nhiễm vào nguồn nước, đất canh tác, không khí khiến cuộc sống của những người dân xung quanh các mỏ than hết sức nghèo khổ, đói kém.

 
 
 

Những người lao động trong những mỏ than cũng chịu số phận tương tự. Hàng ngày, họ phải làm việc nhiều giờ đồng hồ trong môi trường độc hại, thiếu ánh sáng, không khí và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn bất ngờ như sập hầm mỏ. 

 

Có người thậm chí còn phải ngủ ngay trên công trường khai thác.


 

Ánh mắt thất thần của một nhân viên cứu hộ đang ngồi nghỉ tại mỏ than Sukhodolskaya-vostochnaya, Ukraine ngày 29/07/2011. Ít nhất 18 thợ mỏ đã thiệt mạng và hơn 20 người khác mất tích sau một vụ nổ xảy ra tại đây mà nguyên nhân chính là hàm lượng khí metan tích tụ trong hầm quá lớn.

 
 
Những mỏ than tư nhân hay của thổ phỉ chính là nơi lưu giữ rất nhiều lao động trẻ em. Vì nghèo đói, rất nhiều đứa trẻ đã phải từ bỏ niềm vui cắp sách tới trường để đi làm kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. 

Theo ước tính của tổ chức Impulse, có khoảng 5.000 mỏ than tư nhân tại Jaintia Hills, Ấn Độ và có ít nhất 70.000 lao động trẻ em làm việc ở đây. Đối với các em, thu nhập ít ỏi từ mỏ than "quyến rũ" hơn việc đi học, bất chấp những tác hại sức khỏe mà các em phải đối mặt.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Vinacomin, National Geographic...