Thủ phạm mới trong vụ đắm tàu Titanic 1912

G.P, Theo Mask Online 17:30 07/03/2012

Hiện tượng chỉ xảy ra một lần trong đời này đã làm ngập và cuốn trôi cả một vùng băng rộng lớn...

Trong gần 100 năm qua, các nhà khoa học đã không ngừng đi tìm lời giải cho bí ẩn “Tại sao con tàu Titanic lại bị chìm trong ngay lần đầu tiên hạ thủy?”. Một tảng băng trôi “hiểm ác” đã bị quy trách nhiệm cho thảm họa đắm tàu nổi tiếng này vào năm 1912. Nhưng giờ đây, tảng băng đó có thể phần nào được “tha thứ” bởi các nhà khoa học đã xác định được thủ phạm mới. Đó chính là Mặt trăng!

Titanic là một con tàu khổng lồ chạy bằng động cơ hơi nước, đã đi vào lịch sử ngành hàng hải bởi những bí ẩn chưa thể lý giải xung quanh vụ tai nạn kinh hoàng vào tháng 4/1912. Trong chuyến vượt đại dương đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, con tàu "hoành tráng nhất thời bấy giờ" này đã va chạm vào một tảng băng trôi và bị chìm, khiến hơn 1.500 người tử nạn. Đây được coi như vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình.


Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra lý giải cho việc tại sao con tàu Titanic nổi tiếng này lại bị chìm ngay lần đầu hạ thủy. Tuy nhiên, nó chưa thực sự thuyết phục. Mới đây, trên tạp chí Sky & Telescope (Bầu trời & Kính viễn vọng), một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã công bố nghiên cứu của mình. Họ đã chỉ ra rằng, mặc dù vụ va chạm với tảng băng trôi khổng lồ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ đắm con tàu huyền thoại Titanic nhưng chính sự kiện Mặt trăng kỳ lạ diễn ra nhiều tháng trước đã đẩy tảng băng trôi vào đường đi của con tàu.


Sự kết hợp vô cùng hiếm thấy giữa các nhân tố thiên văn, trong đó có yếu tố Mặt trăng tiến gần đến Trái đất nhất trong vòng 1.400 năm, đã gây ra thủy triều cao khác thường. Hiện tượng chỉ xảy ra một lần trong đời này đã làm ngập và cuốn trôi cả một vùng băng rộng lớn khỏi vị trí “an tọa” thông thường của nó ở ngoài khơi Canada, khiến cho chúng trôi nổi về phía Nam.


Thủy triều dâng cao khác thường, hay còn được biết đến với tên gọi thủy triều mùa xuân, xuất hiện khi Mặt trăng và Mặt trời ở điểm mà lực hấp dẫn của chúng được tăng lên. Ngày 4/1/1912, Mặt trăng đã tiến sát tới Trái đất hơn bất kỳ thời gian nào trong vòng 1.400 năm trước đó và đã đạt tới điểm gần nhất trong vòng 6 phút trăng tròn.


Điều này lại xảy ra chỉ một ngày sau khi Trái đất tiến đến điểm ở gần Mặt trăng nhất trong năm. Và chính sự kết hợp của những yếu tố kỳ lạ này đã gây ra thủy triều mùa xuân đạt mức cao kỷ lục. Theo các nhà nghiên cứu, thủy triều mùa xuân đó có thể lớn tới mức đánh bật một lượng lớn băng trôi ra khỏi các vùng nước nông ở quanh Labrador và Newfoundland, cuốn chúng vào trong các dòng chảy đang "Nam tiến" và khiến chúng “kịp thời” tiến vào đường đi của tàu Titanic vào tháng 4/1912.


Mặc dù không biết chính xác tảng băng đâm vào tàu Titanic ở vị trí nào vào tháng 1/1912 - không ai có thể biết điều đó - nhưng đây là tình huống khả thi nhất, có lý nhất, xét về mặt khoa học. Giáo sư Donald Olson, ở trường Đại học Bang Texas, Mỹ, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết thêm: “Chính sự liên hệ với Mặt trăng có thể là nguyên nhân khiến một lượng lớn khác thường các tảng băng trôi đi vào đường đi của tàu Titanic”.