Thích thú phương pháp giáo dục giới tính "bá đạo trên từng hạt gạo"

NAC, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 31/07/2015

Cùng xem tại các nước phát triển trên thế giới giáo dục bộ môn “nhạy cảm” này như thế nào.

Giáo dục giới tính luôn là một vấn đề vô cùng quan trọng, do đó nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính từ lúc trẻ thì khả năng những hậu quả đáng tiếc xảy đến trong tương lai là rất cao.

Tuy nhiên không phải lúc nào việc giáo dục giới tính cũng suôn sẻ, dễ dàng vì đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm.

Để giáo dục một vấn đề đặc biệt thì những phương pháp được áp dụng cũng không thể tầm thường. Sau đây chúng ta sẽ cùng xem sự “bá đạo” trong những phương pháp giáo dục giới tính được áp dụng tại một số đất nước tiên tiến tiêu biểu.

1. Thụy Điển đưa giáo dục giới tính lên truyền hình

Từ năm 1942, tại Thụy Điển đã bắt đầu triển khai những chương trình giáo dục về giới tính. Một trong số đó có tên gọi “Giáo dục ngừa thai” và là một trong những chương trình giáo dục giới tính đầu tiên được công nhận tại một trường học.

“Giáo dục ngừa thai” được đưa vào giảng dạy cho trẻ em trong độ tuổi từ 7 tuổi trở lên. Với chương trình này, các em nhỏ sẽ được dạy về kiến thức mang thai và sinh con. Đối với bậc trung học, các học sinh sẽ được học về chức năng sinh lý của hai giới.

Một trong những chương trình giáo dục giới tính trên kênh truyền hình SVT của Thụy Điển
 
Năm 1966, Thụy Điển đã chính thức đưa “Giáo dục ngừa thai” và những hoạt động khác về giáo dục giới tính lên truyền hình, phá vỡ sự ngại ngùng cho phụ huynh khi trò chuyện với con em về vấn đề này.

Bên cạnh đó, những bài học về giới tính còn cung cấp một cách đầy đủ kiến thức về phòng tránh thai cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Từ đó, các em sẽ biết cách tự bảo vệ mình để không bị lạm dụng về tình dục cũng như mang thai ngoài ý muốn.


2. Trẻ em Malaysia được tiếp cận với giáo dục giới tính từ khi lên 4

Ở Malaysia, chính phủ khuyến cáo trẻ em nên được giáo dục giới tính từ năm 4 tuổi. Chương trình học của các bé sẽ được chịu trách nhiệm bởi Bộ Phát triển Phụ nữ, Gia đình và cộng đồng, Bộ Giáo dục, những chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ.


Mới đây, việc soạn thảo một chương trình giáo dục giới tính chung ở Malaysia mới được đệ trình lên Nội các và đã được phê duyệt.

Điều này đã giúp cho giáo dục giới tính trở thành một môn học chính thức ở các trường học, được giảng dạy trong 2 năm.


Không chỉ đơn giản là những kiến thức sinh sản cần thiết, các học sinh sẽ được tham gia vào những khóa học về phát triển con người, hôn nhân và gia đình, kỹ năng giao tiếp và quan hệ tình dục an toàn. Những bậc phụ huynh ở Malaysia cũng chủ động trau dồi kiến thức về lĩnh vực này cho con em mình.

3. Ở Anh, trẻ em bắt đầu được giáo dục giới tính khi còn mầm non

Cũng giống như Malaysia, Vương quốc Anh coi trọng việc giáo dục giới tính đến mức đưa lĩnh vực này vào giảng dạy cho trẻ em đang trong độ tuổi mầm non.


Pháp luật của nước Anh quy định rất rõ ràng rằng trẻ em khi đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu được học về giới tính một cách bắt buộc. Chương trình học này có tên gọi “Khóa học Nhà nước yêu cầu” và được áp dụng cho tất cả học sinh tại các trường công lập hay trường tư cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Căn cứ vào độ tuổi người ta sẽ chia chương trình học làm 4 phần tương ứng với 4 giai đoạn phù hợp. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh đang áp dụng phương pháp “giáo dục đồng cấp”.

Thông qua sự phát triển của việc giáo dục giới tính vị thành niên và việc sử dụng hình ảnh tương tác, phương pháp này được áp dụng nhằm hạn chế các tệ nạn và tình trạng xâm phạm tình dục ở vị thành niên.

4. Ở Hà Lan, bố mẹ và con trò chuyện về vấn đề giới tính ngay trong bữa ăn

Hà Lan đang là một trong những quốc gia đi đầu về giáo dục giới tính. Tuy nhiên cũng như phụ huynh ở nhiều quốc gia khác, ban đầu các bậc cha mẹ ở Hà Lan cũng gặp đôi chút khó khăn khi không biết phải mở lời với các con ra sao về chủ đề này.

Thế nhưng trong thời gian gần đây mọi thứ đã có sự thay đổi. Các vị phụ huynh ở Hà Lan trò chuyện thường xuyên với những đứa trẻ khi chúng ở độ tuổi phù hợp. Những buổi nói chuyện này thường rất cởi mở và diễn ra mọi lúc, mọi nơi ngay cả trong bữa ăn.


Bên cạnh đó, giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy ở Hà Lan từ rất sớm, ngay từ bậc tiểu học và bao gồm các bài học về tôn trọng những người chuyển đổi giới tính, lưỡng tính hay đồng tính.


Không chỉ có những kiến thức cơ bản về sinh sản, giáo dục giới tính tại Hà Lan còn dạy cho học sinh về một số vấn đề xã hội, trong số đó có sự tôn trọng dành cho cộng đồng LGBT.

Có lẽ nhờ phương pháp này mà Hà Lan là đất nước có tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất trên thế giới (khoảng 0,5%).

Nguồn: Safety Condom, Wikipedia