Thế giới và câu chuyện tiên tri về ngày tận thế

Shiva, Theo 00:01 12/12/2011

Chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm 2012, thời điểm mà nhiều người cho rằng đó là năm tận thế theo những gì người Maya để lại.

Truyền thuyết về ngày tận thế

Văn học dân gian Maya cho rằng thế giới chúng ta đang sống hoạt động theo một chu kỳ. Có nghĩa là có khởi đầu thì sẽ có kết thúc. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ không thể tìm thấy bản ghi chép này một cách nguyên vẹn nên giả thiết trên đã để ngỏ nhiều khả năng về ngày tận thế.

Sách Popol Vuh (ghi chép của người Maya) miêu tả: Các vị thần đã cố gắng sáng tạo ra thế giới 3 lần song đều thất bại. Đến lần thứ tư, nỗ lực của họ đã thành công và nó cũng chính là nơi mà loài người đang sinh sống hiện giờ. Trong lịch của người Maya, thế giới trước đã kết thúc sau 13 b'ak'tun, tức khoảng 5.125 năm.


Lịch đá của người Maya.

"Ngày 0" của lịch được thiết lập lại trong quá khứ để đánh dấu sự kết thúc của thế giới thứ ba và bắt đầu thế giới hiện tại. Thời điểm trên tương ứng vào ngày 11/8/3114 . Điều này có nghĩa là thế giới thứ tư cũng sẽ đi đến thời điểm tận cùng của nó vào b'ak'tun thứ 13, hay theo cách ghi ngày của người Maya là 13.0.0.0.0, tức ngày 21/12/2012.



Theo các nhà khoa học nghiên cứu về nền văn minh Maya thì 21/12/2012 là ngày cuối cùng trong lịch của người Maya. Đó cũng là thời điểm mà Mặt trời nằm giữa trung tâm Ngân hà trong Thái Dương Hệ. Thật trùng hợp, đây cũng là ngày Đông chí và phải 26.000 năm, hiện tượng này mới xảy ra một lần.

Trong ngày Đông chí, nguồn năng lượng Mặt trời chiếu vào Trái đất sẽ bị cản lại gây nên sự bất ổn định. Từ đó, Trái đất sẽ bị “trương phình” ra do lực kéo từ bên ngoài Trái đất tác động. Mặt đất lúc đó sẽ bị thay đổi vị trí. Vùng đất liền của các đại lục sẽ bị kéo về phía những hướng khác do ảnh hưởng của lực hút Ngân hà. Khi đó, thiên tai sẽ giáng xuống cả thế giới với núi lửa phun trào, các trận sóng thần và vô số trận động đất lớn.


Con người sẽ bị tuyệt diệt trong một "mê hồn trận" các thảm họa thiên nhiên.

Những mâu thuẫn về ngày tận thế

Tuy nhiên, giả thiết trên cũng vấp phải nhiều ý kiến trái ngược khi các học giả nghiên cứu về người Maya cổ đại cho rằng ngày tận thế là một dự đoán sai lầm. Họ cho rằng hiện tượng 2012 sẽ giống như bao lời tiên tri khác về ngày tận thế nhưng không thành sự thật.

Nhiều nhà nghiên cứu khác còn cho rằng ngày kết thúc của người Maya có thể lý giải bằng một lễ kỷ niệm chứ không phải là ngày tận thế của thế giới. Học giả về đế chế Maya cổ đại, Mark Van Stone đã nói: "Không có bất kỳ điều gì trong lời tiên tri của người Maya, Aztec hay người Trung Mỹ cổ xưa cho rằng sẽ có một sự thay đổi bất ngờ hoặc trọng đại nào xảy ra trong năm 2012. Khái niệm về một “Đại chu kỳ” sắp kết thúc hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng thời… hiện đại".


Bằng việc quan sát sự chuyển động của các vì sao, người Maya cổ đại đã tính ra được ngày tận thế.

Năm 1990, hai nhà học giả về Maya là Linda Schele và David Freidel đã rút ra kết luận về việc người Maya "chưa từng thai nghén bất kỳ ý nghĩ nào về ngày tận thế như nhiều người giả định”. Susan Milbrath, phụ trách khu Nghệ thuật Châu Mỹ La tinh và Khảo cổ học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida, nói rằng: "Chúng tôi không có những ghi chép hoặc tin tức gì cho rằng (người Maya) đã từng nghĩ về một ngày chấm dứt thế giới vào năm 2012".

Ngoài ra, cơ quan Hải dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) dự đoán năng lượng Mặt trời sẽ đạt cao điểm vào tháng 5/2013 chứ không phải là năm 2012. Tuy nhiên, các hậu quả sau hiện tượng này vẫn là một bài toán chưa có lời giải.


Giả thuyết về sự diệt vong của người Maya

Người Maya có thực sự bị diệt vong vì đi đến tận cùng của “Đại chu kỳ”? Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân có thể xuất phát từ vụ hạn hán nghiêm trọng dẫn đến nạn đói kéo dài.

Nền văn minh Maya từng là một trong những đế chế cổ đại phát triển vô cùng hưng thịnh ở khu vực giữa Trung Mỹ. Trước khi người Châu Âu đến khai phá vùng Trung Mỹ, người Maya đã rất “tích cực” trong việc mở rộng đất đai khi họ thản nhiên đốt rừng, chặt cây mà không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng.


Hạn hán đã dẫn đến nạn đói kéo dài.

Khi những người Maya chặt phá rừng và tạo ra những khoảng đất bằng rộng lớn, nó đã gây ra sự phản xạ ánh sáng lớn hơn sự phản xạ của những cánh rừng xanh. Sau đó, phần nhiệt lượng này được phản xạ ngược trở lại vào không khí thay vì hấp thụ. Việc đất thiếu năng lượng sẽ gây khó khăn cho việc giúp hơi nước chuyển thành mây và sau đó là mưa. Kết quả, lượng mưa sụt giảm từ 10 đến 20%. Hạn hán kéo theo nạn đói, việc xung đột sắc tộc trở nên ngày một sâu sắc dẫn đến ngày tàn của người Maya.


2012 dần trở thành chủ đề cho nhiều lĩnh vực, trong đó có phim ảnh.

Có lẽ, nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó thì con người chúng ta hiện nay cũng đang lặp lại lịch sử của người Maya khi ra tay tàn phá môi trường để mưu cầu lợi ích riêng. Sự thật là mỗi năm qua đi, hiện tượng nhà kính đã làm tăng nhiệt độ không khí, mực nước biển, khiến thiên tai xảy ra ngày một nhiều hơn. Liệu chăng lời sấm truyền về ngày tận thế 2012 là một lời cảnh tỉnh cho loài người phải biết chung tay bảo vệ Trái đất thay vì tàn phá nó?