Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay

Bích Đào, Theo Mask Online 00:00 22/04/2013

Khu mỏ Mirny này đã sản xuất được đến 2.000kg, tương đương 10 triệu carat kim cương mỗi năm.

Nằm ở thành phố Mirny, phía Đông Siberia (Nga), mỏ Mirny là khu mỏ kim cương lớn nhất thế giới. Chiếc hố khổng lồ này có đường kính 1.200m và sâu 525m, được tạo ra nhằm phục vụ hoạt động khai thác kim cương. 

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 1

Trên thực tế, kích thước khổng lồ của mỏ Mirny đã khiến nơi đây trở thành “nỗi ám ảnh” của máy bay. Các loại trực thăng đã bị cấm lưu hành gần khu vực này bởi đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra vì chúng bị các luồng không khí bên dưới hút vào.

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 2

Khu mỏ này được phát hiện vào 7/1955 bởi 3 nhà địa chất học Liên Xô, Yuri Khabardin, Ekaterina Elagina và Viktor Avdeenko. Họ đã tìm thấy dấu vết của đá núi lửa kimberlite - một loại đá chứa kim cương ở đây. 

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 3

Sau nhiều cuộc thám hiểm tìm kim cương thất bại của Liên Xô vào thập niên 1940 - 1950, phát hiện này được coi là thành công đầu tiên.

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 4

Khu mỏ bắt đầu phát triển vào năm 1957 trong điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Mùa đông của Siberian kéo dài 7 tháng khiến mặt đất đóng một lớp băng dày. 

Còn vào mùa hè, lớp băng đó tan ra, biến thành một vũng bùn lớn. Điều này khiến cho công việc khai thác gặp rất nhiều khó khăn. 

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 5

Người ta đã phải nâng đỡ các tòa nhà trên hệ thống cột trụ để chúng không bị lún chìm vào mùa hè. Bên cạnh đó, nhà máy xử lý kim cương chính được xây dựng trên nền đất tốt hơn nằm cách khu mỏ 20km.

Nhiệt độ mùa đông ở đây thấp đến nỗi lốp xe hơi hay thép có thể vỡ và dầu cũng bị đóng băng. Trong suốt mùa đông, các công nhân ở đây phải sử dụng động cơ phản lực để phá vỡ lớp băng vĩnh cửu. 

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 6

Họ cũng sử dụng thuốc nổ để phá đá và tìm đến lớp đá kimberlite nằm bên dưới. Toàn bộ khu mỏ cũng phải được che phủ vào ban đêm để ngăn chặn máy móc bị đóng băng.

Trong thập niên 1960, khu mỏ đã sản xuất được đến 2.000 kg, tương đương 10 triệu carat kim cương mỗi năm. Trong số đó có khoảng 20% là mang chất lượng của đá quý chuẩn. Những tầng trên của khu mỏ khai thác được số lượng lớn kim cương (khoảng 4 carat mỗi tầng quặng) cùng với đá quý và đá công nghiệp.

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 7

Càng khai thác về dưới đáy, số lượng này càng giảm, xuống còn 2 carat mỗi tầng quặng. Cùng với đó, tốc độ sản xuất cũng chậm dần vào khoảng 400kg hay 2 triệu carat mỗi năm. Viên kim cương lớn nhất tìm thấy ở đây nặng 68g và được đặt tên là “Đại hội 26 Cộng sản Liên Xô”.

Khu mỏ này thực sự đã là một “kho báu” của Liên Xô thời bấy giờ. Số lượng kim cương khai thác được nhiều đến nỗi Liên Xô xuất khẩu cả những viên đá quý và kim cương giá trị cao. 

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 8

Nhờ khu mỏ mà Liên Xô ký được thỏa hiệp hết sức có lợi với De Beer - công ty phân phối hầu hết kim cương của thế giới lúc bấy giờ. Từ đó đưa ngành xuất khẩu kim cương lên ngành hàng mang lại nhiều lợi nhất cho cả nước.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào thập niên 1990, mỏ Mirny tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của vài công ty khai thác kim cương nhỏ khác. Sản xuất tại mỏ lộ thiên dần dần ngừng hoạt động do sự phát triển của nhiều khu mỏ khác dồi dào tài nguyên hơn. 

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 9

Tuy nhiên, một vài hoạt động khai thác nhất định vẫn diễn ra trong các tầng hầm dưới mặt đất. Các nhà đầu tư cho xây dựng mạng lưới đường hầm đi sâu vào lòng đất của khu mỏ và hy vọng kéo dài hoạt động truyền thống này của người dân. 

Việc này cũng đã phát triển trong một khoảng thời gian tương đối dài trước khi khu mỏ vĩnh viễn bị đóng cửa vào tháng 6/2001.

Thăm mỏ kim cương lớn nhất thế giới biết "hút" máy bay 10

Mỏ Mirny là khu mỏ kim cương đầu tiên và cũng là lớn nhất của Liên Xô. Với kích cỡ khổng lồ của mình, nó là một bằng chứng tiêu biểu cho sự hiện diện và sức mạnh của con người. 

Tuy rằng nó đã bị bỏ hoang và mất đi mục đích ban đầu của mình nhưng mỏ Mirny vẫn là một “kì quan nhân tạo” hiếm thấy và đáng ngưỡng mộ.


* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ Atlas Obscura, Wikipedia, BBC...

Bạn có thể xem thêm: