Tận mắt xem hình dạng thật của các tia phóng xạ

J, Theo Trí Thức Trẻ 00:17 04/10/2015

Đã bao giờ bạn tự hỏi hiện tượng phóng xạ trông như thế nào chưa, nếu chưa thì đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây.

Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe đến những ảnh hưởng kinh khủng khiếp do phóng xạ gây ra đối với môi trường, sinh vật và cả con người. Một cách thầm lặng, việc rò rỉ phóng xạ có thể khiến cả một khu vực trở thành “vùng đất chết” trong vòng hàng trăm năm.

Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi hiện tượng phóng xạ trông như thế nào chưa? Nếu bạn tò mò, thì bức ảnh dưới đây sẽ đem đến cho bạn câu trả lời.

151003uranium03-38111
Bạn có tin, đây là hình ảnh của tia phóng xạ?

Những nhà nghiên cứu tại CloudyLabs đã thực hiện thí nghiệm đặt một mẩu uranium trong “hộp mây” – một chiếc hộp kính đã bịt kín, được làm lạnh đến -40 độ C. Trong hộp cũng sẽ được phủ một lớp cồn lỏng.

Các nhà khoa học tại CloudyLabs giải thích, hầu hết hơi nước sẽ ngưng tụ trên bề mặt kính, tạo thành một lớp mây. Tuy nhiên, một phần nhỏ hơi nước vẫn ở dạng khí. Chính điều này đã tạo nên một lớp hơi nước bão hòa, nhưng không ổn định vì có thể ngưng tụ bất cứ lúc nào.

Khi một phân tử mang điện tích đi qua khu vực này, các electrons sẽ bị đánh bật ra khỏi phân tử để tạo thành các ion. Lúc này, lớp hơi nước không ổn định sẽ ngưng tụ quanh các ion, tạo thành các vệt như chúng ta thấy. Đó chính là những hình dạng của tia phóng xạ.

Cùng xem video dưới đây để thấy rõ hơn điều này nhé:


Phóng xạ là hiện tượng một số hạt nhân nguyên tử không bền tự biến đổi và phát ra các bức xạ hạt nhân (thường được gọi là các tia phóng xạ).

Phóng xạ có thể nói là một nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ. Tuy nhiên, việc rò rỉ phóng xạ có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với môi trường, động vật, và cả con người.

Một ví dụ điển hình để thấy được hậu quả của việc nhiễm xạ, đó là thảm họa nguyên tử Chernobyl năm 1986. Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân đã khiến hơn 200 người phải vào viện ngay lập tức, trong đó có 30 người chết vì nhiễm phóng xạ cấp tính.

Ngoài ra, khu rừng bao quanh nhà máy cũng trở thành một “khu rừng chết”: toàn bộ cây cối đã bị hủy diệt, nhưng cũng không tàn lụi do các vi sinh vật đã biến mất, và tất nhiên không sinh vật nào có thể sống nổi tại đây.


Nguồn: IFLScience