Sự tiến bộ "đáng kinh ngạc" về các bức ảnh chụp Sao Diêm Vương qua các năm

Kiều Thoa, Theo Trí Thức Trẻ 15:10 15/07/2015

Cùng ngắm nhìn những bức hình đẹp - độc về Sao Diêm Vương từ năm 1996 cho tới nay.

Sao Diêm Vươnghành tinh xa nhất nằm trong “đại gia đình” Hệ Mặt trời. Từ khi được phát hiện năm 1930 cho tới tận năm 2006, Sao Diêm Vương vẫn được tính là hành tinh thứ 9.  

Tuy nhiên, sau khi Liên đoàn Thiên văn Quốc tế đã lần đầu tiên định nghĩa "hành tinh" vào năm 2006, Sao Diêm Vương không còn được công nhận là một hành tinh trong Hệ Mặt trời nữa mà chỉ được gọi là "hành tinh lùn".

Do khoảng cách địa lí và những giới hạn về kĩ thuật kính viễn vọng, chúng ta vẫn chưa thể chụp được chi tiết bề mặt sao Diêm Vương. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học đã mang đến những bức ảnh ngày càng chất lượng về hành tinh này.



Sao Diêm Vương (trái) và Charon - Mặt trăng lớn nhất của Sao Diêm Vương lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1994. Dù cho bức ảnh được chụp bởi máy ảnh chụp thiên thể có độ sáng yếu của kính viễn vọng Hubble nhưng đây vẫn được cho là bước tiến lớn trong ngành khoa học Thiên văn thế giới. 




Đây là bức ảnh đầu tiên chụp bề mặt Sao Diêm Vương được công bố vào năm 1996. Thoạt nhìn qua, rất có thể bạn sẽ cho rằng… "mạng chậm quá, load mãi bức hình không xong". Tuy vậy, qua bức hình ta cũng đã phần nào có những hình dung về độ sáng tối xung quanh hành tinh này. 




Năm 2006, thế giới được chiêm ngưỡng bức hình này của Sao Diêm Vương và phát hiện thêm được 2 Mặt trăng (phía xa bên phải) của "hành tinh lùn" này. Nhưng tới thời điểm hiện tại, Charon vẫn là Mặt trăng lớn nhất của Sao Diêm Vương.




Năm 2010, kính viễn vọng Hubble thu được hình ảnh sao Diêm Vương với những… đốm màu cam, trắng và xanh da trời.




Vào ngày 9/4 vừa qua,  tàu vũ trụ New Horizons chụp được bức ảnh này từ khoảng cách 115 triệu km. Đây là bức hình đầu tiên về Sao Diêm Vương được chụp từ tàu vũ trụ.




Đây là chuyển động của Sao Diêm Vương và Mặt trăng Charon được dựng lại qua các bức ảnh chụp từ 12 - 18/4 vừa qua. Hai vật thể đều tác dụng lực hấp dẫn lên nhau và thậm chí còn trao đổi khí qua lại. Quả là một “cặp đôi hoàn hảo”.




Bức hình vừa được chụp vào ngày 7/7 này đã gây chú ý lớn trên Internet bởi hình ảnh khá rõ về Sao Diêm Vương với một vùng hình… trái tim trên bề mặt. Đây là bức ảnh đầu tiên mà New Horizons gửi về sau khi mất liên lạc một thời gian ngắn vào ngày 4/7.




Được chụp vào ngày 8 tháng 7 năm 2015, bức hình này đã cho thấy rõ sự khác biệt khá là lớn giữa màu sắc của Sao Diêm Vương (phải) và Mặt trăng Charon. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên bởi màu sắc có phần đối lập của hai thế giới nho nhỏ này.




Sau đó một ngày vào ngày 9/7, bức ảnh đen trắng này đã bắt được hình ảnh về một cái “đuôi” màu đen ở gần cực của Sao Diêm Vương.




Vào lần cuối tiếp cận Sao Diêm Vương (phải) của tàu New Horizons, bức hình này đã được gửi về ngày 11/7. Bề mặt của Sao Diêm Vương đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều - từ đây ta có thể thấy một số miệng núi lửa.




Đây là một bức hình khác chụp cùng ngày 11/7 bởi tàu vũ trụ New Horizons. Từ khoảng cách 4 triệu km, bề mặt Sao Diêm Vương đã trở nên “góc cạnh” và chân thực hơn.




Khoảng sáng "hình trái tim" cuối cùng cũng đã xuất hiện trong tầm ngắm của máy chụp trong ngày 12/7. 




Trong bức hình này, khoảng sáng "hình trái tim" xuất hiện với bề mặt trông khá “mịn màng”. Các quá trình địa chất có thể đã quét sạch bề mặt của nó.




Để dễ dàng quan sát những đặc điểm khác nhau của trên bề mặt Sao Diêm Vương và Mặt trăng Charon, trong bức hình này, màu sắc đã được “cường điệu hóa”. 

Nhờ đó, ta có thể thấy rằng, thực chất, ngay trong vùng hình trái tim, vật chất cũng mang những đặc điểm khác nhau dẫn đến có nhiều màu sắc khác nhau trên bề mặt này.

Tạm kết: 

Những bức ảnh ngày càng chất lượng theo dòng thời gian ở trên là minh chứng rõ ràng cho quá trình nỗ lực để tìm hiểu những điều bí ẩn trong vũ trụ của loài người. 

Hẳn không ít người hy vọng một ngày nào đó, con người có thể đặt chân lên Sao Diêm Vương để chứng kiến tận mắt những điều thú vị về "hành tinh lùn" này.

Nguồn: NationalGeographic