Sự "biến hình" của nụ hôn tự cổ chí kim

Linh Đặng, Theo Mask Online 00:00 06/03/2013

Nghiên cứu về nụ hôn từ thời cổ đại tới hiện đại...

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, nụ hôn có nguồn gốc từ hàng triệu năm trước, được xem như kết quả của việc các loài động vật có vú nhai thức ăn rồi mớm cho con.

Phát biểu trên Discovery News, nhà nhân chủng học thuộc ĐH Texas A&M - Vaughn Bryant - người nghiên cứu lịch sử và quá trình phát triển của nụ hôn cho biết, “Mọi người cho rằng, loài người cũng học cách hôn nhau từ việc trao đổi thức ăn giữa mẹ và con. Tuy vậy, nếu điều này là thật và bẩm sinh thì tại sao tất cả loài người không làm hành động này? Bởi lẽ, có rất nhiều nhóm văn hóa không biết gì về nụ hôn cho đến khi họ tận mắt nhìn thấy”.

Thời cổ đại: Cọ xát mũi được coi là hôn nhau

Trong khi nguồn gốc của nụ hôn vẫn còn là một bí mật, ở Ấn Độ, các nhà sử gia đã tìm thấy tài liệu tham khảo viết bằng tiếng Phạn vào khoảng năm 1500 TCN, miêu tả thói quen cọ xát và ấn mũi vào nhau.

Sự "biến hình" của nụ hôn tự cổ chí kim 1
Ảnh minh họa của sử thi Mahabharata năm 1895.

Khoảng 500 năm sau, bài sử thi Mahabharata đã miêu tả hôn như dấu hiệu của tình cảm. “Cô ấy đặt môi mình lên môi tôi, tạo ra âm thanh và điều này làm tôi cảm thấy dễ chịu” (một trích dẫn trong bài sử thi "Mahabharata").

Do đó, ông Bryant cho rằng: “Môi là nơi tập trung của các dây thần kinh thụ cảm, rất nhạy cảm với sự tiếp xúc. Do vậy, khi có sự cọ xát phù hợp trên môi, con người sẽ cảm thấy dễ chịu. Đó là lí thuyết về nguồn gốc của nụ hôn”.
                        
Sau khi chứng kiến, thử nghiệm và tỏ ra hứng thú với hành động hôn, Alexander Đại đế đã "đưa" nụ hôn từ Ấn Độ - đất nước mà ngài có ý định chinh phục vào năm 326 TCN - về với phương Tây. Tuy nhiên, trước đó, người Hy Lạp cũng đã sáng tạo nên những cách hôn riêng của họ.

Sự "biến hình" của nụ hôn tự cổ chí kim 2
Một cặp đôi đang hôn nhau. Bức tượng Terracotta tại Tarsus, thời kỳ La Mã.

Người La Mã là người đã phổ biến hóa nụ hôn, truyền bá đến châu Âu và nhiều khu vực ở Bắc Phi. Người La Mã chia nụ hôn ra làm ba loại: Osculum - nụ hôn lên má; Basium - nụ hôn lên môi; Savolium - nụ hôn say đắm.

Ở thời kỳ này, ôm hôn nhau là một phần quan trọng của văn hóa La Mã cổ đại, những bộ luật liên quan đến ôm hôn cũng đã được thông qua.

Bryant cho hay: “Nếu một cô gái đồng trinh "bị" hôn say đắm ở nơi công cộng, điều đó có nghĩa là cô có quyền buộc người đàn ông đó kết hôn với mình".

Thời Trung đại: Hôn nhau theo tầng lớp

Vào thời Trung đại, hầu hết người châu Âu đều có thói quen hôn nhau, phân biệt theo tầng lớp. Hầu hết mọi người đều hôn lên môi, còn với những người địa vị thấp hơn sẽ hôn lên má, tay, đầu gối, bàn chân hoặc mặt đất phía trước người đó như để tỏ lòng thành kính.

Bryant nhận định rằng: “Sự khác biệt tầng lớp càng lớn thì khoảng cách đến môi người bạn hôn sẽ càng xa hơn”.

Sự "biến hình" của nụ hôn tự cổ chí kim 3
Chi tiết về bức tiểu họa nụ hôn tình yêu (1490-1500).

Ngoài ra, nụ hôn còn được sử dụng để đóng dấu hợp đồng. Vì nhiều người không biết đọc, viết nên vẽ một dấu “X” thay cho tên của họ và hôn lên nó để hợp pháp hóa tài liệu. Có lẽ, nguồn gốc của chữ "X" biểu tượng cho nụ hôn ra đời từ đó.

Trong Giáo hội Kito, hành động hôn cũng mang một số vai trò nhất định. Tín đồ Thiên Chúa giáo thường chào nhau bằng một Pacis Osculum - nụ hôn thánh thiện. Theo truyền thống, nụ hôn này là một sự chuyển giao tinh thần giữa hai người, thiết lập mối quan hệ mật thiết và củng cố cộng đồng tôn giáo.

Tuy nhiên, tại Hội đồng Vienna vào năm 1311-1312, Giáo hoàng Clement V đã cấm nụ hôn thánh thiện trong nhà thờ. Thay vào đó, hành động bắt tay được coi như cử chỉ hòa bình.

Thời Cận đại: Nụ hôn bị "ra rìa"

Thời kỳ huy hoàng của nụ hôn ở Anh và nhiều quốc gia khác ở châu Âu cuối cùng cũng kết thúc vào thời kì 1600. Hôn được thay thế bằng những cử chỉ khác như cúi chào, khẽ nhún đầu gối hay đẩy vành mũ lên cao để thể hiện sự kính trọng.

Sự "biến hình" của nụ hôn tự cổ chí kim 4
Bức tranh “Nụ hôn của Cavalier” - Frederic Soulacroix (1858-1933).

Theo Bryant, đại dịch năm 1665 xảy ra ở London đóng vai trò lớn trong sự thay đổi này chứ không phải do sự nghiêm khắc của Giáo hội.

Từ năm 1760 - 1840, trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp, việc hôn tay trở nên phổ biến ở Anh và rồi dần dẫn đến việc bắt tay nhau.

Thời hiện đại: Nụ hôn trở nên phổ biến

Dần dần, nụ hôn trở nên phổ biến hơn, mọi người hôn nhau để bày tỏ tình cảm của mình với đối phương. Tuy vậy, trong thập niên 1990, một số bài báo đã lên án xu hướng hôn nhau ở nơi công cộng tại Nhật Bản - nơi mà người ta coi hôn nhau là hành động riêng tư và cẩn mật.

Có rất nhiều xu hướng văn hóa cũng như quan điểm khác nhau về nụ hôn. Dù cho có người lên án, đồng tình hay phản đối nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, nụ hôn là biểu tượng của tình yêu, tình thương và sự thân thiện.

Sự "biến hình" của nụ hôn tự cổ chí kim 5
Bức ảnh “Nụ hôn ở Quảng trường Thời đại” của nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt chụp năm 1945.

Bức ảnh “Nụ hôn ở Quảng trường Thời đại” của nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt chụp năm 1945 là một dấu ấn vĩnh cửu của những giây phút hạnh phúc trong ngày đánh dấu Chiến tranh thế giới II kết thúc.

Bức ảnh chụp một người lính thủy đang ôm hôn một nữ y tá trẻ ở Quảng trường Thời đại khi cả nước Mỹ đổ xuống đường ăn mừng quân Đồng minh chiến thắng phát xít Nhật vào ngày 14/8/1945.

Bức ảnh không chỉ thể hiện tình yêu, niềm hạnh phúc của đôi nam nữ mà trên tất cả, đó là niềm vui sướng, tinh thần của cả một đất nước, muốn dành cho nhau "nụ hôn tạm biệt chiến tranh".


Bạn có thể xem thêm: