So sánh hay ho giữa chuột đá mới phát hiện với chuột nhà

Hồng Phượng, Theo 17:47 08/09/2011

Thử "đặt lên bàn cân" loài chuột tưởng như đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước với giống chuột nhà xem sao, bạn nhé! <img src='/Images/EmoticonOng/09.png'>

Vừa qua, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học của Việt Nam ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã phát hiện tại tỉnh Quảng Bình loài thú từng bị cho là tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước.

Theo lời kể, con vật này được phát hiện ra khi dính bẫy bắt chuột của đồng bào người dân tộc Rục. Chúng được mô tả với nhiều đặc điểm giống chuột, có đuôi như sóc. Và sau khi được tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã xem xét và kết luận, chúng được xác định là loài chuột núi Lào.
 
Vậy hôm nay, chúng mình cùng so sánh giống chuột núi Lào với chuột nhà để xem chúng có gì mà đặc biệt vậy nhé!
 
Chuột nào có nguồn gốc "xịn" hơn?
 
Việc phân chia chuột núi Lào cũng là một chặng đường hết sức gian nan các bạn ạ. Chúng còn có tên gọi khác là chuột đá Lào (tên khoa học: Laonastes aenigmamus) thuộc giống Lazarus. Tuy nhiên, trong một báo cáo của nhà nghiên cứu Paulina Jenkins cùng đồng sự năm 2005, họ cho rằng loài chuột núi này có tính chất rất khác biệt so với loài gặm nhấm đang có mặt trên Trái đất nên quyết định gọi chúng là Laonastidae.

Đến năm 2006, Mary Dawson cùng đội nghiên cứu lại bác bỏ sự phân loại trên và cho rằng nó thuộc về họ hóa thạch cổ, Diatomyidae, từng bị cho là tuyệt chủng 11 triệu năm trước.
 
Chuột đá Lào trên tay một người dân địa phương.
 
Hình ảnh về giống chuột tuyệt chủng 11 triệu năm về trước.

Còn với giống chuột nhà, điều này đơn giản hơn rất nhiều. Chuột nhà (tên khoa học: Mus musculus) là loài động vật gặm nhấm kích cỡ nhỏ, thường được chúng ta gọi với cái tên chuột cống, chuột nhắt (đối với cá thể nhỏ). Chuột nhà là giống chuột có số lượng cá thể nhiều nhất trong họ Mus.
 
Chắc teen nhà mình chả lạ gì giống chuột này đâu nhỉ?

Chuột nào "đẹp mã" và thích "ăn ngon" hơn?

Với lớp lông đen, điểm xuyết là một khoang trắng nhỏ ở bụng, đuôi dày rậm lông đặc trưng, thoạt nhìn, chúng ta sẽ cho rằng chuột núi Lào là một con sóc nhỏ, chẳng có gì đặc biệt. Song thực tế, các nhà khoa học đã phát hiện chúng có hộp sọ dài, rất lạ với đặc điểm của loài khác. Chúng sở hữu chiếc đầu tương đối lớn, tai tròn và mũi hình củ lạc.


Một chú chuột đá Lào dài khoảng 26 cm (tính cả chiều dài đuôi), nặng khoảng 400g. Chúng thường sống trên các mỏm núi đá thuộc tỉnh Khammouan (Lào). Thức ăn yêu thích của chúng là lá cây, cỏ và đặc biệt là các loại hạt. Đôi khi, chúng cũng đổi món sang côn trùng.
 
Chuột đá Lào có một chiếc đầu khá lớn cùng chiếc đuôi rậm lông đặc trưng.
 
So với chuột đá Lào thì chuột nhà nhỏ hơn rất nhiều. Giống chuột này có chiếc đầu nhỏ để tiện luồn lách, đuôi dài giúp giữ thăng bằng, “mặc” trên người một lớp lông màu xám ngắn. Với lợi thế thân hình nhỏ nhắn (dài từ 7,5 – 10cm, nặng 10 – 25g), chúng di chuyển rất nhanh nhẹn. 
 
Giống chuột nhà có thể ăn bất cứ thứ gì tìm thấy nhưng nằm đầu bảng trong danh sách yêu thích của chúng có lẽ là gạo. Vì vậy mà từ xưa đến nay, các bà các mẹ của chúng ta vẫn cất gạo rất cẩn thận với một vật nặng đè lên trên nhằm tránh sự “đột nhập” của lũ chuột. Vậy mà, chúng ta vẫn bắt gặp trường hợp lũ chuột sẵn sàng… gặm luôn cả thùng đựng gạo bên ngoài để dễ bề chui vào trong.
 
Loài chuột nhà với thân hình nhỏ bé và chiếc đuôi dài.
 
Chuột nào "mắn đẻ" hơn?

Theo ghi nhận của Jenkins, hàng năm, chuột đá Lào chỉ "sinh hạ" duy nhất một cá thể. Và so sánh với “bạn” của mình thì chúng thật yếu thế. Thông thường, nếu một bầy chuột nhà cái sinh sống cùng nhau, chúng sẽ “tạm quên đi” nhu cầu kết đôi. 

Tuy nhiên, nếu “dẫm” phải nước tiểu của một con đực, sau 72 giờ, nhu cầu này sẽ xuất hiện. Một cá thể chuột cái có thể sinh từ 5 – 10 lứa/năm, mỗi lứa từ 3 – 14 con con (trung bình là 6 – 8 con). Vì tốc độ sinh trưởng luôn ở mức “khủng khiếp” như vậy, giờ đây, teen nhà mình có thể hiểu vì sao chuột lại đông đến thế.
 
Đám chuột con chen chúc tranh nhau bú sữa bên chuột mẹ.