Sẽ ra sao nếu chúng ta ăn trân châu làm từ cao su?

J, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 27/10/2015

Khi ăn phải trân châu cao su, liệu bạn cho rằng mình vẫn có thể bình an vô sự?

Thông tin về trân châu nghi làm từ cao su có trong trà sữa tại Trung Quốc gần đây đang gây xôn xao dư luận. Chưa rõ là loại trân châu "lạ" này có xuất hiện tại Việt Nam hay không, nhưng hãy cùng thử xem nếu bạn ăn phải "trân châu cao su" thì sẽ có vấn đề gì xảy ra nhé!

151026bubble01-73d9f
Những hạt "trân châu lạ" có trong trà sữa Trung Quốc (Ảnh cắt từ clip)

Có rất nhiều loại cao su, vậy trân châu cao su thuộc loại nào?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu qua một chút về cao su. Cao su (rubber) chỉ là tên gọi chung cho một dạng vật liệu polimer có độ bền cơ học cao và tính đàn hồi lớn.

151026bubble06-73d9f

Có rất nhiều loại cao su, nhưng về cơ bản, người ta phân cao su thành hai loại chính: cao su thiên nhiên (latex) và cao su tổng hợp (synthetic rubber). 

Trong đó, cao su thiên nhiên là loại được điều chế từ mủ nhựa của cây cao su và từ hơn 200 loại cây khác trong tự nhiên. Chúng ta có thể thấy ứng dụng của cao su thiên nhiên trong các vật dụng như dây chun (dây thun), tẩy (gôm), đệm mút...

151026bubble07-73d9f
Hầu hết các loại lốp xe bây giờ đều làm từ cao su tổng hợp

Còn cao su nhân tạo là loại được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Cao su tổng hợp có nhiều ưu điểm hơn so với cao su thiên nhiên như giá thành rẻ, độ bền cao, lại có thể sản xuất hàng loạt. Bởi vậy, cao su dạng này được ứng dụng trong việc sản xuất lốp xe, đế giày, dây chuyền máy móc... 

Ngay cả kẹo cao su trước kia được làm từ cao su thiên nhiên nay cũng phải nhường chỗ cho cao su tổng hợp vì giá thành rẻ hơn.

151025tsua02-21b74

Vậy loại "trân châu lạ" được làm từ loại nào? Theo các chuyên gia nhận định, loại trân châu này có thể được làm từ đế giày hoặc lốp xe cũ, do đó có thể tạm kết luận chúng được làm từ cao su tổng hợp.

Điều gì xảy ra nếu ăn phải trân châu cao su

Nếu "trân châu lạ" được làm từ cao su tổng hợp thì việc nhai và nuốt chúng cũng không khác gì việc bạn nhai và nuốt một viên kẹo cao su.

151026bubble03-73d9f
Việc nhai nuốt "trân châu lạ" cũng giống như nuốt phải kẹo cao su

Về cơ bản, kẹo cao su hay bất kỳ sản phẩm gì từ cao su đều không bị phân hủy bởi các axit trong dạ dày của chúng ta. Do đó, các vật thể bằng cao su sẽ được nhu động ruột (lực tạo ra khi ruột co bóp) di chuyển đến tận cùng của hệ tiêu hóa, và sẽ về đích an toàn sau khoảng 2 đến 3 ngày khi chúng ta... đi WC.


Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ đúng nếu như loại trân châu này được làm thuần bằng cao su. Theo các chuyên gia nhận xét, dường như "trân châu lạ" còn có các phụ gia khác nên có độ kết dính rất cao

151026bubble02-73d9f
Kết quả xét nghiệm cho thấy những hạt trân châu này vẫn tồn tại ở những dạng chấm tròn sau khi ăn (Ảnh cắt từ clip).

Do đó nếu ăn nhiều, trân châu cao su có thể tạo thành một khối có kích thước tương đối lớn, gây tắc ruột, táo bón, thậm chí phải mổ để lấy ra.

151025tsua03-db158

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng "trân châu lạ" được làm từ cao su thiên nhiên. Tác động của cao su thiên nhiên với hệ tiêu hóa không khác biệt nhiều so với cao su tổng hợp. Tuy nhiên loại cao su này có thể gây nguy hiểm cho những người mắc chứng "dị ứng cao su" (latex allergy).

151026bubble09-bb27b
Nổi mề đay vì dị ứng cao su (ảnh minh họa)

Cụ thể, các loại protein có trong cao su tự nhiên có thể kích hoạt một kháng thể mang tên immunoglobulin E (lgE) để sản sinh ra hóa chất histamine. 

Histamine bình thường có tác dụng duy trì hoạt động sinh lý của cơ thể, giúp ruột hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một lượng lớn chất này sẽ khiến cơ thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng thông thường như nổi phát ban, chảy nước mũi...

Thậm chí trường hợp nặng có thể gây giảm huyết áp đột ngột, tăng nhịp tim, khó thở, hoặc tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Nguồn: ExplainThatStuff, Quora, Allergy New Zealand, Independent