Phát hiện Trái đất "tỏa hương" mùi trứng thối

J, Theo Mask Online 10:47 01/05/2013

Vài triệu năm trước, Trái đất của chúng ta là một hành tinh "bốc mùi" như trứng thối...

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, hàng triệu năm trước, Trái đất của chúng ta từng "tỏa hương" và nó có mùi trứng thối. 

Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng hóa thạch của vi khuẩn ăn các vi khuẩn khác. Hình thức này được gọi là Heterotrophy (dị dưỡng). Các vi khuẩn dị dưỡng (Heterotroph) không tự tổng hợp được chất hữu cơ riêng nên phải dựa vào nguồn CO2 hữu cơ bên ngoài, đặc biệt ở những sinh vật khác. Điều này trái ngược với vi khuẩn tự dưỡng (Autotroph) có khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và nước.

Phát hiện Trái đất "tỏa hương" mùi trứng thối 1
Hình thức dị dưỡng của vi sinh vật khiến Trái đất bốc mùi trứng thối cách đây vài triệu năm.

Nhà nghiên cứu Martin Brasier - giáo sư của trường ĐH Oxford cho rằng: "Những vi khuẩn dị dưỡng này đã ăn sinh vật khác trong một thời gian rất dài - khoảng 3,5 tỷ năm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi xác định chính xác việc vi khuẩn ăn vi khuẩn. Trong thực tế, nó là một trong những nguyên nhân tạo ra luồng hơi trứng thối - Hydrogen Sulfide (H2S)".

Một nghiên cứu năm 2007 đã chỉ ra, cuộc sống xa xưa trên Trái đất từng bao phủ một màu tím chứ không phải xanh như bây giờ. Các vi khuẩn cổ đại đã sử dụng một phân tử khác ngoài chất diệp lục để khai thác ánh sáng Mặt trời và chính chất này mang lại cho sinh vật sắc tím. 

Brasier và các đồng nghiệp đã phân tích hóa thạch một loại vi khuẩn được gọi là Gunflintia. Nó có đường kính khoảng 3 - 15 micron, có một lỗ rộng khoảng 1,23 micron. Rất có thể, chiếc lỗ này là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn khác đã ăn chúng. 

Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học nhận định, trong môi trường yếm khí không có khí oxy, vi khuẩn dị dưỡng ăn Gunflintia, sử dụng khí Sulfate và các hợp chất Sulfur oxy hóa khác trong quá trình trao đổi chất và tạo ra khí Hydrogen Sulfide (H2S) - chất có mùi trứng thối.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.

(Nguồn tham khảo: Livescience)