Phát hiện cá sấu cực lớn, ngày tàn của Trái đất

Lê Giang, Theo Mask Online 11:06 07/05/2012

Cùng các cập nhật: Trung Quốc ra cảnh báo thủy triều đỏ, khả năng bơi siêu phàm của gấu Bắc Cực...


Phát hiện loài cá sấu cực lớn


Nhà nghiên cứu Christopher Brochu thuộc Đại học Iowa (Mỹ) đã phát hiện, một loài cá sấu mới cực lớn có thể nuốt chửng cả người từng sống ở vùng Đông Phi. Theo vị giáo sư này, nó là con cá sấu lớn nhất từng được biết đến, với chiều dài hơn 27 feet (khoảng 8 mét), to hơn cả con cá sấu lớn nhất từng được ghi nhận ở sông Nile với chiều dài dưới 21 feet (dưới 7 mét). Còn lại hầu hết các con cá sấu đều nhỏ hơn nhiều.

Crocodylus Thorbjarnarsoni là loài cá sấu mới, lớn nhất từng được biến đến và có thể nuốt chửng cả người.

Loài mới này được đặt tên Crocodylus Thorbjarnarsoni (dựa theo tên chuyên gia cá sấu nổi tiếng John Thorbjarnarson) từng sống ở Kenya cách đây 2 - 4 triệu năm, giống với loài cá sấu anh em ở sông Nile nhưng có khối lượng lớn hơn. Qua kiểm tra hóa thạch loài cá sấu này tại Bảo tàng Quốc gia ở Nairobi (Kenya) cho thấy, nó là loài cá sấu khổng lồ và cần đến 4 người đàn ông mới nâng được hóa thạch lên.

Mặc dù chưa có bằng chứng về cuộc đụng độ giữa con người với loài cá sấu này nhưng Brochu cho biết, rất có thể cá sấu ăn thịt cả người. Lý do là bởi cá sấu thường ăn bất cứ thứ gì khi chúng nằm chờ ở nguồn nước, mà lúc đó con người (chỉ cao không quá 1,2 mét) và các động vật khác đều cần đến nước. Phát hiện này đã xác minh rằng, cá sấu khổng lồ sông Nile là loài khá trẻ và xuất hiện sau loài Crocodylus Thorbjarnarsoni. Như vậy cá sấu sông Nile cũng không phải là loài cổ xưa hay "hóa thạch sống" như nhiều người vẫn tin.

(Nguồn tham khảo: Physorg)

Thấy trước ngày tàn của Trái đất


Khi sử dụng kính thiên văn Hubble nghiên cứu thành phần khí quyển 4 ngôi sao lùn trắng, các nhà thiên văn học của Đại học Warwick (Anh) phát hiện được phần lớn vật chất trong khí quyển của chúng được tạo thành từ các nguyên tố có trong Hệ Mặt trời của chúng ta, như ôxy, magiê, sắt... Đây là thành phần tạo nên 93% địa cầu. Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện một tỷ lệ thấp carbon. Điều này cho thấy, những ngôi sao này từng có các hành tinh quay xung quanh trước đó.


Do sao lùn trắng là phần lõi còn lại của những ngôi sao có khối lượng cực cao, đã trải qua quá trình cháy hết nhiên liệu, vật chất trong khí quyển của chúng nhiều khả năng là tàn tích của các hành tinh xấu số. Những hành tinh này có thể từng ở quỹ đạo an toàn với sao trung tâm, nhưng khi Mặt trời của chúng nở ra, ngốn mất các hành tinh ở gần và làm gián đoạn các quỹ đạo của những hành tinh bên ngoài. Kết quả là toàn bộ các hành tinh bị càn quét hết, chỉ để lại những đám mây bụi xung quanh sao lùn trắng. Các chuyên gia cho rằng, đó là kịch bản tất yếu của chính Hệ Mặt trời của chúng ta trong vòng 4 đến 5 tỉ năm nữa.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc/ Reuters)

Băng gạc tự tiêu không cần xé bỏ


Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã sản xuất một loại băng gạc kiểu mới từ sợi amyloid, có thể được hấp thụ bởi cơ thể mà không cần xé bỏ. Các nhà khoa học thuộc Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) đã chuyển hóa thành công tinh bột chất lỏng thành sợi, sau đó dệt thành tấm giống như giấy và cuối cùng sản xuất ra loại băng mới này. Nó được gắn trên da, sau một thời gian sẽ chuyển hóa thành đường glucose và được hấp thụ vào cơ thể mà hoàn toàn không gây hại.


Các nhà khoa học cho biết, sợi amyloid được sử dụng rộng rãi và là hợp chất dồi dào nhất với giá “mềm” nhất. Ngoài công dụng được sử dụng để sản xuất băng gạc, công nghệ này còn có thể ứng dụng sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh với giá thành rẻ và thân thiện với môi trường.

(Nguồn tham khảo: Vietnam+)

Khả năng bơi siêu phàm của gấu Bắc Cực


Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, gấu Bắc Cực có thể bơi liên tục hơn 675km trong suốt 10 ngày để tìm kiếm những tảng băng chưa tan chảy. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đã tiến hành gắn thiết bị theo dõi GPS vào cổ của hơn 500 con gấu Bắc Cực cái ở vùng biển Beaufort Sea, Alaska. Sau 5 năm theo dõi, nhóm nghiên cứu phát hiện trong những tháng mùa hè khi băng tại Bắc Cực ở mức thấp nhất, gấu Bắc Cực phải bơi xa hơn, trong thời gian dài hơn để tìm những tảng băng mới chưa bị tan chảy.

Gấu Bắc Cực có khả năng bơi xa hơn để thích nghi với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Cụ thể, 1/3 trong tổng số 52 con gấu Bắc Cực được theo dõi có thể bơi liên tục hơn 48km. Một con gấu có thể bơi 354km liên tục không nghỉ, trong khi, một con gấu Bắc Cực khác đã lập kỷ lục khi bơi liên tục 675km trong suốt 10 ngày liền. Kết quả khảo sát USGS là bằng chứng cho thấy gấu Bắc Cực đang thích nghi rất nhanh với sự thay đổi môi trường ở Bắc Cực. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lo ngại việc phải bơi liên tục trong khoảng thời gian dài sẽ khiến gấu Bắc Cực trở nên yếu hơn và giảm khả năng sinh sản. Hiện nay, gầu Bắc Cực đã được xếp vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng của Chính phủ Mỹ.

Cơ quan USGS cho biết trên Daily Mail, “Gấu Bắc cực có thể bơi liên lục trong thời gian dài đồng nghĩa chúng có nhiều cơ hội sống sót hơn. Tuy nhiên, việc phải bơi một khoảng cách dài cần rất nhiều năng lượng. Vì thế, một con gấu Bắc cực giảm trung bình 20% trọng lượng cơ thể sau 1 tháng bơi trên biển”. Các nhà khoa học cũng thống kê được rằng, thời gian trung bình gấu Bắc cực hoạt động dưới nước gấp 2,3 lần so với trên các tảng băng. Điều này chứng tỏ lượng băng vào mùa hè ở Bắc Cực đã giảm hơn rất nhiều so với trước đây. Gấu Bắc cực thường phải bơi nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Chúng không thể tồn tại nếu không săn được hải cẩu - nguồn thực phẩm chính của chúng.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet/Dailymail)

Trung Quốc ra cảnh báo thủy triều đỏ


Đợt thủy triều đỏ có diện tích 780km2 vừa được phát hiện trên vùng biển thuộc thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những hiện tượng bùng phát tảo biển nở hoa, xảy ra ở cửa sông, mặt biển tích tụ nhanh chóng những cột hoa do tảo biển sinh ra. Theo cảnh báo của Cơ quan đại dương quốc gia (SOA), mẫu tảo được tàu tuần tra biển thu thập từ vùng nước này đã bị phát hiện nhiễm độc. 

Hình ảnh một đợt thủy triều đỏ ở bang California (Mỹ).

Đây là đợt thủy triều đỏ đầu tiên được phát hiện ở Biển Đông và Hoàng Hải. SOA cho biết, thủy triều đỏ được gây ra bởi hoa của giống tảo Noctiluca Scintillan. SOA nói, họ vẫn sử dụng công nghệ viễn thám vệ tinh, kết hợp với tàu tuần tra và trực thăng để theo dõi bất kỳ thay đổi gì của thủy triều đỏ. Tảo có thể bám vào cá và khiến cá chết ngạt. Mật độ của tảo dày thêm khi nồng độ muối trong nước biển và nhiệt độ nước biển tăng. Sự bùng phát số lượng tảo có thể gây thiệt hại cho ngành đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản. Các chất độc có thể đi vào chuỗi thức ăn, tích tụ trong cá và động vật vỏ sò. Những người ăn phải các loại hải sản nhiễm độc này bị nhiều loại ngộ độc khác nhau. Tuy nhiên, không phải đợt thủy triều đỏ nào cũng độc. 

(Nguồn tham khảo: China Daily)

Thiết bị giúp những trẻ bị tự kỷ giao tiếp tốt hơn


Mới đây, Tom Kirkman - một sinh viên trường Đại học Dundee (Scotland) đã phát minh ra một thiết bị mới có tên Passive Play nhằm giúp trẻ tự kỷ giao tiếp tốt hơn. Passive Play là một thiết bị tương tác dành cho những đứa trẻ bị tự kỷ. Thiết bị này có hình lập phương, với các mặt cảm ứng có các hình vẽ đặc thù, được kết nối với một ứng dụng chạy trên nền tảng hệ điều hành iOS.


Khi những đứa trẻ tác động vào các mặt cảm ứng của thiết bị, tín hiệu sẽ được gửi đến thiết bị của cha mẹ chúng, qua đó cha mẹ của đứa trẻ có thể biết được con mình thích hình vẽ nào, từ đó sẽ có khả năng kết nối và tương tác với con mình tốt hơn. Thiết bị này được cho là phát huy tác dụng khám phá được suy nghĩ của các trẻ tự kỷ, vì chúng thường không giao tiếp với mọi người xung quanh và chỉ thể hiện những suy nghĩ thực khi ở một mình.

Passive Play cũng sẽ không chỉ giúp các bậc cha mẹ giao tiếp tốt hơn với đứa trẻ bị tử kỷ mà còn giúp các nhà khoa học tìm hiểu được nhiều hơn về căn bệnh này. Tom Kirkman dự định sẽ có một buổi thuyết trình tại trường Đại học Dundee vào cuối tháng 5 nhằm giới thiệu kỹ hơn về tính năng của thiết bị này.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Kỷ niệm 58 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2012) 


Cách đây 58 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Cuộc chiến mang ý nghĩa rất lớn trong việc kết thúc vai trò của người Pháp ở bán đảo Đông Dương và đưa tới việc kí kết hiệp định chia Việt Nam ra thành 2 miền: Bắc - Nam. Trận Điện Biên Phủ được nhắc đến như một chiến thắng vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây. 

Ngày 6/12/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Phương tiện vận chuyển thô sơ nhưng là sự kết tinh của khối đoàn kết đại dân tộc đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trận địa pháo ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch khiến tướng lĩnh, quân sĩ Pháp ngạc nhiên trước sức mạnh của tinh thần đoàn kết Việt Nam. 

Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries đánh dấu mốc son chói lọi của con người, đất nước Việt Nam.

(Nguồn tham khảo: LSVN, Wikipedia)