Điểm lại các vụ máy bay "bị bắn nhầm" trong lịch sử

Việt Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/07/2014

Cùng đi tìm nguyên nhân gây ra "những máy bay MH17" khác trong lịch sử…

Ngày 17/07/2014, thêm một lần nữa cả thế giới chấn động bởi thảm họa kinh hoàng về chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Theo đó, nguyên nhân ban đầu khiến chiếc máy bay "xấu số" mang số hiệu MH17 gặp nạn khi bay qua không phận Ukraine được cho là do đã bị một tên lửa bắn “nhầm”.

Vụ việc đang làm dấy lên những nghi ngờ và giả thuyết khác nhau để lý giải sự cố trên. Tuy nhiên, đây không phải là tai nạn duy nhất trong lịch sử nhân loại khi máy bay dân sự bị bắn hạ nhầm bởi các vũ khí quân sự. 

Hãy cùng ngược dòng lịch sử và đi tìm nguyên nhân gây ra những máy bay “MH17” trong quá khứ.
 
1. Chuyến bay 114 của hãng hàng không Libyan Arab Airlines 
Ảnh chụp chiếc máy bay xấu số năm 1972.

Ngày 21/02/1973, chiếc máy bay Boeing 727 mang số hiệu 5A-DAH của hãng hàng không Libyan Arab đã bị bắn rơi bởi 2 chiếc máy bay quân sự F-4 Phantom II của quân đội Israel trên bán đảo Sinai, làm 108 người thiệt mạng trên tổng số 113 người có mặt trên máy bay.
 
Mô phỏng bằng máy tính số phận "đen đủi" của chiếc Boeing 727.

Theo những tài liệu được lưu trữ, chiếc Boeing này đang trong hành trình từ Benghazi (Libya) tới Cairo thì gặp một cơn bão cát lớn. Mặt khác, la bàn bị hỏng khiến phi công điều khiển máy bay bay lạc vào vùng kiểm soát của Israel. 

Khi đó, hai chiếc máy bay chiến đấu F-4 Phantom II của quân đội Israel đã yêu cầu 5A-DAH hạ cánh song phi hành đoàn đã từ chối hợp tác. Hậu quả là chiếc Boeing 727 này đã bị bắn rơi ở độ cao 6.100m ngay trên sa mạc Sinai.
 
2. Chuyến bay 870 của hãng hàng không Aerolinee Itavia
 
Ảnh chụp chiếc máy bay tử nạn trước thảm họa.

Năm 1980, chiếc máy bay McDonnell Douglas DC-9-15 đã rơi một cách khó hiểu xuống vùng biển Tyrrhenian, nằm giữa Ponza và Ustica khi đang trong chuyến bay Aerolinee Itavia Flight 870 từ Bologna tới Palermo (Italia). 

Chiếc máy bay đã bất ngờ bị bắn hạ và đâm xuống biển, gây ra cái chết của toàn bộ phi hành đoàn và hành khách - tất cả là 81 sinh mạng. 

 

Tai nạn của chuyến bay Aerolinee Itavia Flight 870 được truyền thông Ý khi đó gọi là Ustica Massacre (tạm dịch là thảm sát ở Ustica) vì mức độ thiệt hại khủng khiếp của nó. 

Phần còn lại của chiếc máy bay xấu số được trưng bày trong bảo tàng.

Rất nhiều nguyên nhân và giả thuyết đã được đưa ra như bom khủng bố hay máy bay bị tên lửa của NATO bắn phải khi tiến hành chiến dịch quân sự… Song cho tới tận ngày hôm nay, thảm họa này là một trong số ít những tai nạn hàng không chưa được làm sáng tỏ.

3. Chuyến bay 655 của hãng hàng không Iran Airlines
 
Chiếc Airbus A300 cùng loại với máy bay xấu số trong thảm họa.

Ngày 03/07/1988, cả thế giới chứng kiến một trong những tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử. Đó là ngày chiếc máy bay Airbus A300 -203 B2 của hãng hàng không Iran Airlines bị bắn hạ ngay trên không, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng tại chỗ.
 
Tên lửa đất đối không phóng từ tàu sân bay USS Vincennes của Mỹ.

Theo đó, chiếc Airbus A300 đang trong hành trình bay từ Tehran tới Dubai thời điểm tai nạn xảy ra. Khi bay qua vùng vịnh Ba Tư, máy bay này bị tàu sân bay USS Vincennes của Mỹ bắn hai tên lửa đất đối không SM-2MR vào do nhầm tưởng đây là máy bay quân sự chiến đấu. 

Chiếc Airbus phát nổ và lao thẳng xuống biển, kéo theo đó là mạng sống của 290 người đang có mặt trên máy bay khi đó.
 
4. Chuyến bay 1812 của hãng hàng không Siberia Airlines
 
Bản đồ hành trình bay của chiếc Tupolev Tu-154.

Thật tình cờ, trước MH17, một chiếc máy bay khác cũng đã từng bị bắn hạ trên lãnh thổ Ukraine bởi một tên lửa đất đối không. Đó là chiếc Tupolev Tu-154 trong chuyến bay 1812 của hãng Siberia Airlines từ Tel Aviv tới Novosibirsk (Nga). 

Thảm họa này xảy ra ngày 04/10/2001 đã cướp đi mạng sống của 78 người (66 hành khách, 12 phi hành đoàn) trên chuyến bay.
 
"Hung thủ" gây ra thảm họa chính là tên lửa đất đối không S-200 của quân đội Ukraine.

Khi sự việc này xảy ra, phần lớn đều cho rằng đây là một hành vi khủng bố. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, sự việc dần sáng tỏ khi chính quyền Ukraine thừa nhận đó là một tai nạn do vụ thử tên lửa đất đối không S-200 của quân đội nước này trên bán đảo Crimea. Sau thảm họa trên, Ukraine đã bị cấm thử tên lửa Buk hay S- 300 trong vòng 7 năm sau đó. 

5. Chuyến bay 007 của hãng hàng không Korean Airlines

Đối với người dân Hàn Quốc, ngày 01/09/1983 là một ngày buồn trong lịch sử hàng không nước này khi chiếc máy bay Boeing 747 – 230B trong chuyến bay mang số hiệu 007 của Korean Airlines bốc cháy và rơi xuống biển.



Theo đó, khi đang trong hành trình từ New York tới Seoul (Hàn Quốc), chiếc Boeing này đã bị bắn hạ bởi máy bay Su -15, làm 269 người trên máy bay thiệt mạng tại khu vực gần đảo Moneron.


Nguyên nhân sâu xa của thảm họa này được cho là do chế độ điều khiển tự động của chiếc Boeing 747 đã lái máy bay theo hành trình khác so với kế hoạch ban đầu, bay vào không phận của Liên Xô khi đó. Hậu quả là quân đội Liên Xô do nghi ngờ đây là máy bay gián điệp của Mỹ nên đã cho bắn hạ ngay lập tức chiếc Boeing này.

Theo nhiều chuyên gia, tên lửa gây ra thảm họa MH17 nhiều khả năng là loại tên lửa đất đối không tầm trung, tương đương tên lửa Buk của Liên Xô cũ. 

Đây là loại vũ khí có thời gian lắp đặt cực ngắn và tầm bắn lên tới 72.000 feet (khoảng 22.000m). Trong khi đó, tại thời điểm xảy ra tai nạn, máy bay MH17 đang ở độ cao 10.000m. 

Tuy nhiên, nguyên nhân và trách nhiệm gây ra thảm họa trên cho tới nay vẫn cần điều tra trong thời gian tới.


* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, Slate, CNN, Wikipedia...