Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại

Quốc Trung, Theo Mask Online 00:01 08/02/2013

Wadjet - thần bảo hộ các Pharaoh, Mehen - thần bảo vệ Mặt trời, thần Apep - hiện thân bóng tối và sự hỗn loạn...

Từ xa xưa, loài rắn đã xuất hiện trong những thần thoại và truyền thuyết của người Ai Cập. Nhiều vị thần Ai Cập có hình dạng rắn hoặc nửa người nửa rắn. Với quyền năng của mình, họ có thể mang lại cả điều tốt lẫn điều xấu cho con người. 

Nhân dịp năm rắn Quý Tỵ 2013 sắp tới, chúng ta hãy cùng đi tìm những vị thần đội lốt rắn huyền bí...
 
1. Thần Apep - hiện thân bóng tối và sự hỗn loạn
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 1Thần rắn Apep trên tranh tường Ai Cập.
 
Trong tiếng Hy Lạp, thần Apep còn có tên là Apophis. Đây là một vị ác thần, hiện thân của bóng tối và sự hỗn loạn. Kẻ thù không đội trời chung của Apep là thần Mặt trời Ra - vị thần của ánh sáng và trật tự. 
 
Người Ai Cập xưa tưởng tượng, Apep có hình dạng của một con rắn khổng lồ luôn tìm cách nuốt chửng Mặt trời. Họ tin rằng, mỗi khi nhật thực xảy ra, Apep đã nuốt được thần Ra trong chốc lát nhưng cuối cùng luôn bị thất bại. 
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 2
Cảnh thần rắn Apep bị tiêu diệt.
 
Cuộc chiến giữa hai thần Apep và Ra không bao giờ ngừng lại. Nhưng người Ai Cập cổ tin Apep là một vị thần của cõi âm nên sẽ không bao giờ bị giết chết. 
 
2. Mehen - thần bảo vệ Mặt trời
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 3Thần rắn Mehen bao bọc quanh thần Mặt trời.
 
Theo tưởng tượng của người Ai Cập xưa, Mặt trời thực chất là một con thuyền chở thần Ra đi từ phía Đông sang phía Tây. Sau hoàng hôn, thần Ra sẽ đi vào thế giới âm phủ nơi thần bóng tối Apep đang chờ sẵn, chuẩn bị một cuộc chiến khốc liệt. 
 
Mehen là một thần rắn, tham gia bảo vệ con thuyền Mặt trời. Thần sẽ cuộn tấm thân của mình xung quanh thần Ra và che chở cho thần. 
 
3. Nữ thần Meretseger - bảo hộ công nhân
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 4
Tranh vẽ thần Meretseger.

Meretseger là một vị nữ thần có đầu rắn. Thần chịu trách nhiệm bảo hộ những người công nhân xây dựng lăng mộ các Pharaoh tại Thung lũng các vị vua - nơi tập trung nhiều lăng mộ của hoàng gia Ai Cập cổ. 
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 5
Thần Meretseger trong hình dạng rắn.

Đây là một nữ thần vừa nguy hiểm song cũng lại hết sức nhân từ. Nữ thần chữa lành bệnh cho những người công nhân gặp tai nạn trong quá trình xây lăng mộ và phun nọc độc vào kẻ dám xâm phạm hầm mộ hoàng gia. 
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 6
Quang cảnh ngày nay ở khu vực Thung lũng các vua.

Tuy nhiên, quyền lực của thần Meretseger chỉ giới hạn trong phạm vi những người công nhân xây mộ. Sau khi khu vực Thung lũng các vua bị bỏ hoang, việc thờ cúng nữ thần cũng biến mất ở Ai Cập cổ đại. 
 
4. Nữ thần Renenutet - thần mùa màng
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 7
Một bức tượng nữ thần Renenutet.
 
Renenutet là nữ thần của mùa màng và sự sung túc ấm no. Cứ vào mùa thu hoạch, người dân Ai Cập cổ lại dâng các lễ vật cho thần để bày tỏ sự biết ơn. 

Renenutet có hình dạng của một phụ nữ đội vương miện với cái đầu rắn. Chồng của Renenutet là Sobek, thần của sông Nile. 
 
5. Wadjet - thần bảo hộ các Pharaoh
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 8
Nữ thần rắn Wadjet trên tường lăng mộ nữ hoàng Ai Cập Hatshepsut.

Người Ai Cập cổ xưa tin rằng, các Pharaoh được nữ thần rắn Wadjet bảo vệ. Bà còn là thần hộ mệnh giúp các bà mẹ đang sinh nở. 
 
Những vị thần đội lốt rắn thời Ai Cập cổ đại 9Biểu tượng kền kền và rắn trên mặt nạ vàng vua Tutankhamun.

Ban đầu, Wadjet là nữ thần bảo hộ của vùng hạ Ai Cập (vùng hạ lưu sông Nile). Thần xuất hiện trên vương miện của các Pharaoh như một biểu tượng của quyền lực. Sau khi hai vùng hạ Ai Cập và thượng Ai Cập thống nhất, thần rắn Wadjet cùng thần kền kền Nekhbet cùng xuất hiện trên mũ miện của các Pharaoh. 
 

Bạn có thể xem thêm: