Những tục lệ nổi tiếng được “hư cấu” để khiến bạn tốn tiền

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 20/06/2015

Tặng nhẫn đính hôn bằng kim cương, tặng kẹo chocolate ngày Valentine… là những tục lệ được các thương gia nghĩ ra làm tiền trong túi bạn không cánh mà bay.

Tục lệ, truyền thống là những thói quen đã ăn sâu vào trong tâm trí con người, được truyền từ đời này sang đời khác. Có những tục lệ gắn liền với sự hình thành các quốc gia dân tộc, khởi nguồn từ rất xa xưa và mang nhiều ý nghĩa giáo dục. 

Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Bốn tục lệ dưới đây tuy rất phổ biến trên khắp toàn cầu nhưng thực chất, chúng được tạo ra bởi các thương gia chỉ để bạn mua nhiều hơn sản phẩm của họ mà thôi.

1. Tặng nhẫn đính hôn bằng kim cương

Vào thế kỷ XX, nhẫn đính hôn được xem là một mặt hàng xa xỉ và hiếm khi được đính kim cương, đặc biệt khi giá trị của loại đá quý này liên tục sụt giảm do những mỏ kim cương khổng lồ mới được phát hiện ở Nam Phi. 



Nhưng tất cả điều này đã bị đảo lộn và thay đổi khi công ty kim cương De Beers xuất hiện. Năm 1939, công ty này quyết định gắn kim cương vào nhẫn để tôn lên giá trị của thứ trang sức này. Họ đã thuê hãng quảng cáo NW Ayer & Son với mục đích sớm đưa sự thử nghiệm nói trên trở thành trào lưu thời bấy giờ. 



Hãng quảng cáo NW Ayer & Son đã giới thiệu những chiếc nhẫn đính hôn gắn kim cương và âm thầm lan rộng xu hướng qua các tạp chí thời trang. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, nhẫn kim cương vẫn không phải là vật tượng trưng cho lời cầu hôn. 

Chỉ mãi tới năm 1948, khi hãng đưa ra chiến dịch quảng cáo “Kim cương là vĩnh cửu”, người ta mới thấy De Beers đã "thông minh" như thế nào. Bằng cách đánh vào tình cảm người tiêu dùng, De Beers đảm bảo những khách hàng đã mua sẽ không bán lại kim cương. Điều này cho phép công ty này dần dần nắm quyền kiểm soát thị trường.



De Beers còn ma mãnh hơn khi khuyến khích các chàng trai xem nhẫn kim cương là một món quà tặng bất ngờ. Họ nhận thấy khi để nữ giới tham gia vào quá trình lựa chọn trang sức, các nàng sẽ chọn nhẫn rẻ hơn. Bằng cách khuyến khích tạo bất ngờ, công ty đạt được mục tiêu lợi nhuận cao khi chỉ có nam giới đi mua nhẫn.

Và cho tới tận hôm nay, việc tặng nhẫn đính hôn bằng kim cương luôn được coi là một tục lệ đẹp được tất cả các cặp đôi đang yêu ủng hộ.

2. Tặng kẹo ngày Valentine

Valentine luôn là dịp để các cặp đôi đang yêu thể hiện tình cảm của mình với nửa còn lại. Như một lẽ tất yếu, những hộp kẹo (đặc biệt là kẹo chocolate) ngọt ngào hình trái tim sẽ là món quà tuyệt vời mà các bạn trẻ không thể bỏ qua.



Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Trước thế kỷ XIX, hầu như không ai nghĩ tới việc tặng kẹo trái tim cho người mình yêu vào lễ Valentine.



Chính những nhà cung cấp bánh kẹo đã đề xuất và cổ xúy mạnh mẽ cho ý tưởng tặng kẹo nhân ngày Valentine. Năm 1892, công ty bánh kẹo Journal chủ trương thuyết phục khách hàng lựa chọn kẹo cho ngày Valentine so với những món quà “rẻ tiền, kỳ cục” khác.



Chiến dịch thuyết phục khách hàng thành công mỹ mãn khiến cho các hãng bánh kẹo thu được món lợi lớn nhân danh “tình yêu”. Tính đến năm 2004, người tiêu dùng đã mua hơn 35 triệu hộp kẹo hình trái tim mỗi năm.

3. Trang trí trước cửa nhà để đón Giáng sinh

Đây lại là một tục lệ nữa liên quan đến dịp lễ Noel. Đa số chúng ta sẽ nghĩ rằng việc làm này có ý nghĩa đem niềm vui Giáng sinh lan tỏa đến khắp mọi người.



Nhưng không, tục lệ trên thực sự chỉ bắt nguồn từ thời nữ hoàng Victoria, Anh Quốc (1837 - 1901). Trước thời điểm này, phần lớn mọi người chỉ trang trí cây thông trong nhà mình vào lễ Giáng sinh. Hệ quả là ngay cả trong dịp lễ quan trọng nhất của năm này, đường phố phương Tây thường xuyên rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Vì vậy khi ấy, nhiều người bán hàng cố gắng trang trí mặt trước cửa tiệm của mình thật đẹp vào dịp Giáng sinh để có thể thu hút khách hàng. Sau đó, những người thuộc tầng lớp giàu có của Anh đã học theo trào lưu để khiến ngôi nhà của họ trông đẹp hơn. 


Trào lưu này phát triển vô cùng nhanh và mạnh mẽ, vượt cả Đại Tây Dương để tới với châu Mỹ. Theo nhiều tài liệu, đến năm 1950, việc trang trí nhà cửa khi Giáng sinh ở Mỹ đã gần giống với ngày nay. 



Ngoài ra, người ta còn bổ sung thêm các chuỗi đèn chớp nháy để mọi thứ trông lung linh hơn.

Nguồn: Mentalfloss, Metro, Wikipedia