Những “thị trấn ma” độc hại nhất thế giới

Quyên Nhâm, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/04/2014

Hẳn bất cứ ai cũng cảm thấy hơi chùn bước trước khi ghé thăm những thị trấn hoang tàn này...

Các thị trấn hoang trên thế giới với kiến trúc đổ vỡ thường kích thích trí tò mò của nhiều người. Tuy nhiên, để khám phá những nơi này, khách du lịch phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Một vài “thị trấn hoang” gây nhiễm độc cho con người bởi chất hoá học, phóng xạ và thậm chí là vũ khí sinh học.

Phần lớn các thị trấn độc hại này bị bỏ hoang là do người dân ở đây được trả tiền bồi thường để có thể tái định cư ở nơi khác theo chính sách của Superfund (quỹ tiền tệ Mỹ chuyên giải quyết các vấn đề về ô nhiễm). 

May mắn thay, một số địa điểm đã được khử độc để thu hút khách du lịch mặc dù phần nào chúng vẫn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, bạn nên cân nhắc trước khi đặt chân đến những địa danh này.

1. Thị trấn Wittenoom, phía Tây Australia

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II, Wittenoom được gọi là thành phố amiang. Bởi vào thời kỳ này, Wittenoom từng là nơi sinh sống của 20.000 người với nghề khai thác amiang. 



Mặc dù chính phủ đã cảnh báo về sự nguy hiểm của amiang xanh (có thể gây ra bệnh phổi và ung thư) thế nhưng các thợ mỏ vẫn tiếp tục công việc của mình vào thập niên 1940. 

Cho đến năm 1978, chính phủ ban hành lệnh cho ngừng hoạt động khai thác ở thị trấn này, mua lại nhà của cư dân để khuyến khích họ rời đi. Năm 1993, các bưu điện, trại dưỡng lão, trường học và sân bây tại Wittenoom đã bị đóng cửa hoàn toàn. 

Theo nhiều tài liệu cho biết trong số 20.000 người sinh sống tại Wittenoom trước đây, có đến 2.000 người bị chết bởi những căn bệnh liên quan đến amiang.


Ngày nay, những hầm mỏ chứa amiang xanh ở Wittenoom đã lấn vài km ra những vùng xung quanh do các đường ống tích trữ trước kia bị mục và phát tán sau nhiều năm không được sử dụng, sửa chữa. 

Chính phủ khuyến cáo khách du lịch không nên đến gần thị trấn, tuy nhiên vẫn có một vài người cố gắng lui tới vì họ tin theo lời của một số nhà địa lý học, mật độ amiang ở đây đã đạt mức an toàn.

2. Thị trấn Picher, Oklahoma

Vào năm 1983, Superfund xây dựng nên thị trấn mỏ Pitcher tại khu Tar Creek (Thung lũng Hắc ín). Giữa thập niên 90, 1/3 số trẻ em ở Picher đã bị nhiễm độc chì và kẽm trong máu khiến chúng gặp khó khăn về vấn đề nhận thức (thầy, cô giáo đã nỗ lực hết sức mà các em vẫn không thể tiếp thu được bài giảng). 



Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính khiến người dân rời bỏ Picher. Một nghiên cứu được tiến hành năm 2006 cho thấy, việc khai thác mỏ nhiều đã khiến đất bị sụt lún. Sự thật là có trường hợp người lái xe motor tử vong do bị tụt xuống hố đất sâu. 

Sự việc này khiến cho chính phủ liên bang phải thực hiện mua lại nhà ở và đền bù cho người dân di cư. Vào năm 2011, chỉ còn lại 6 hộ gia đình sinh sống tại thị trấn này.


Kế hoạch dài hạn hiện nay đối với Picher là dỡ bỏ hoàn toàn mọi công trình và tiến hành khử độc. Vùng đất sẽ lại trở về như lúc chưa có hầm mỏ ở đó - là nơi cư ngụ của bộ tộc Quapaw. Hiện nay những thị trấn khác quanh khu vực này như Treece, Kansas, Cardin cũng đang bị bỏ hoang.

3. Thị trấn Times Beach, Missouri

Trong suốt thập niên 1970, thị trấn Times Beach, bang Missouri, Mỹ là nơi cư trú của khoảng 2.200 người dân. Thời gian này, thành phố đã thuê công ty Russell Bliss trải dầu thải lên các con đường trong thị trấn để chống bụi. 



Tuy nhiên, Russell Bliss dùng loại dầu từ một nhà máy sản xuất hexachlorophene - chất được sử dụng để chế tạo chất độc màu da cam. Russell Bliss cho biết, họ không hề biết số lượng dầu bỏ đi đó lại có hàm lượng lớn dioxin độc hại đến vậy. 

Trận lụt năm 1982 với mực nước cao trên 3m đã khiến chất dioxin lan ra khắp thành phố. Ước tính, mật độ dioxin ở Times Beach vượt 100 lần so với mức an toàn, do đó, chính quyền yêu cầu mọi người dân trong vùng phải sơ tán. 


Sau khi tiến hành quá trình khử độc, hiện nay, Times Beach đã trở lại. Nhưng giờ đây, Times Beach trở thành công viên của bang Missouri, toàn bộ kiến trúc, cơ sở vật chất ở thị trấn này đã bị loại bỏ hoàn toàn. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học vẫn thi thoảng ghé thăm và kiểm tra nồng độ dioxin ở nơi này.  

4. Thị trấn Brio, Texas

Khu lọc dầu Brio thuộc Harris, Texas bao gồm rất nhiều công ty hóa chất đã tuyên bố phá sản vào năm 1982. Chính lượng dầu chưa xử lý được chôn dưới đất bị rò rỉ ra nguồn nước đã gây ảnh hưởng đến người dân sống gần đó: tỷ lệ sinh giảm, nhiều người mắc phải bệnh bạch cầu và căn bệnh hiếm gặp khác. 



Năm 1992, 6 công ty hóa chất và công ty bất động sản đã đồng ý bồi thường cho cư dân vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cơ quan bảo vệ môi trường đã đặt một tấm chắn sâu khoảng 150m dưới đất để ngăn chặn sự nhiễm độc của khu lọc dầu lây lan sang các vùng khác.


Mặc dù vậy, năm 2010, chính quyền địa phương xác định được mức nhiễm độc bên dưới khu lọc dầu vẫn sâu tới hơn 160m. Cơ quan bảo vệ Môi trường sau đó đã đưa Brio vào danh sách khu vực cần quan tâm đặc biệt và tiến hành xử lý, khử độc vùng này.

5. Thị trấn Centralia, Pennsylvania

Vụ cháy than dưới lòng đất Centralia kéo dài trong suốt 50 năm đã tạo nên một trong những thảm hoạ môi trường lớn nhất nước Mỹ. Nguyên nhân của vụ cháy này chưa được làm sáng tỏ nhưng nó đã lây lan sang cả một mỏ than lớn. 



Đường phố bị biến dạng do nhiệt và khí gas trong khi khí độc từ vụ cháy toả ra khắp nơi. Một cư dân của Centralia đã bị rơi xuống hố đất chứa chất carbon monoxide (CO) gây chết người ở ngay sân sau nhà ông. Vì vậy năm 1984, những người dân địa phương đã phải sơ tán khỏi Centralia.


Ngày nay, thị trấn đã thu hút lượng khách du lịch rất lớn đến tham quan nhưng không ai còn được phép nhập cư đến đây. Bởi theo ước tính của chuyên gia, lượng than sẽ đủ để kéo dài vụ cháy trong vòng 250 năm nữa và nó sẽ còn tiếp tục thả khí độc ra ngoài không khí trong tương lai gần.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Io9, Livesciecne...