Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới

Hồng Đức, Theo Pháp luật xã hội 00:00 24/11/2013

Gìn giữ sức khỏe con người, chống mù lòa, đảm bảo an toàn cho "người đẹp"... là những công dụng đủ nâng tầm toilet...

Công dụng của bồn cầu, nhà vệ sinh thì đã quá rõ ràng, đó là nơi để “giải quyết nỗi buồn” lớn nhỏ, là nơi trung chuyển những sản phẩm bài tiết của con người. Thử tưởng tượng một ngày không có toilet (nhà vệ sinh) sẽ khó chịu đến nhường nào.

Tuy nhiên theo thống kê, khoảng 1/3 dân số thế giới không được tiếp cận ngay cả “hố xí” cơ bản nhất,  phải chấp nhận “đi” lộ thiên, và theo dự đoán đến năm 2100, khi dân số thế giới đạt 11 tỉ người, tỉ lệ này sẽ ngày càng lớn. 

Điều này đem lại nhiều hệ lụy không lường được, vì toilet không chỉ là “nơi giải quyết nỗi buồn”, mà còn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời khác cho con người. Hãy cùng trang Livescience tìm hiểu những công dụng khiến “bồn cầu” có thể thay đổi thế giới. 
 
1. Đảm bảo an toàn cho "phái đẹp"

Một trong những tác dụng không ngờ khác của nhà vệ sinh đó là để đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Tại những vùng không có toilet, phụ nữ cần đi những nơi xa và khuất để “giải tỏa”- điều này khiến nguy cơ bị xâm hại tình dục của họ tăng lên. 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 1

Để tránh rủi ro, rất nhiều chị em chọn giải pháp “toilet bay”- flying toilet- ám chỉ việc “đi” vào những túi bóng có sẵn trong nhà, sau đó vứt đi. 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 2

Tuy nhiên, những “toilet bay” này lại chính là ổ nuôi dưỡng những vi khuẩn đáng sợ, như khuẩn Chlamydia trachomatis gây bệnh đau mắt hột, hoặc vi khuẩn gây tiêu chảy đầy khó chịu. 

2. Chống mù lòa

Bệnh đau mắt hột là một trong những bệnh gây mù hàng đầu thế giới nhưng có thể ngăn chặn. Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng Chlamydia trachomatis gây ra. Đây cũng là ký sinh trùng gây nhiễm trùng ống tiểu và có thể lây qua đường tình dục. 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 3
Ký sinh trùng Chlamydia trachomatis qua kính hiển vi.

Đau mắt hột phổ biến ở trẻ nhỏ từ 3- 5 tuổi. Nguồn mang bệnh có thể là từ những con ruồi đậu vào mắt người sau khi chúng đã “đắm chìm” trong “bể phân”. Ngoài ra, việc tiếp xúc với dịch mủ từ mắt người bệnh cũng góp phần lây lan căn bệnh. Tựu trung, nguyên nhân khiến căn bệnh này bùng phát là do vệ sinh kém, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 4

Bệnh đau mắt hột gây kích thích mắt, khiến mắt đỏ dần, nổi cộm khó chịu và để lại sẹo giác mạc. Khi mắc bệnh đau mắt hột, nếu không được điều trị kịp thời, thị lực sẽ giảm dần và có thể trở nên mù lòa. 

Theo số liệu của WHO, ước tính, hiện nay đang có khoảng 21,4 triệu người trên thế giới mắc bệnh đau mắt hột, trong đó 2,2 triệu người bị ảnh hưởng thị lực và 1,2 triệu người bị mù do căn bệnh này gây nên.

3. Phát triển phổ cập giáo dục

Tại nhiều nơi trên thế giới (chẳng hạn như Ấn Độ), bàn luận về “giải quyết nhu cầu” là cấm kỵ, đặc biệt là với phụ nữ. Việc không thể tự do ngôn luận vấn đề “tế nhị” khiến nhiều cô gái trẻ bỏ học, do các trường học thiếu khu vệ sinh riêng và cuối cùng, số lượng các bé gái được đến trường rất ít. 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 5

Các giải pháp như xây dựng nhà vệ sinh công cộng đã được tính đến. Theo một nghiên cứu vào năm 2008 tại Bhopal, Ấn Độ, sau khi lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng, số lượng nam giới sử dụng nhiều gấp đôi số lượng nữ. 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 6

Điều này chứng tỏ, giải pháp này chưa thực sự hiệu quả, nó chưa đủ sức nặng để kéo các bé gái đến trường nhiều hơn. Điều này càng cho thấy, việc giải quyết vấn đề vệ sinh cá nhân tại đất nước Ấn Độ này là vô cùng cấp thiết.

4. Tiết kiệm năng lượng

Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, nước thải toilet chứa nguồn năng lượng sinh hóa gấp 10 lần năng lượng cần thiết để xử lý nó. Thông tin này mở ra hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học và kỹ sư nhằm phát triển công nghệ xử lý nước thải mới hơn để tiết kiệm năng lượng, nước sạch.

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 7

Hiện nay, quỹ Bill and Melinda Gates (tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới với sự góp vốn của tỉ phú Bill Gates) đã đề ra giải thưởng tài trợ Reinvent the Toilet Challenge (tạm dịch: Thách thức tái phát minh nhà vệ sinh). 

Giải thưởng này dành cho những ý tưởng về nhà vệ sinh siêu sạch mà không cần bất kỳ kết nối đường ống nước hoặc điện nào, có thể tiết kiệm 5cent/ người/ ngày. 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 8
Hình ảnh mô tả hệ thống nhà vệ sinh khép kín được giải thưởng.

Quỹ đã trao giải thưởng trị giá 100.000 USD (khoảng 2 tỉ VND) cho Viện công nghệ California (Mỹ) về ý tưởng phát triển hệ thống nhà vệ sinh khép kín sử dụng năng lượng Mặt trời, đồng thời có thể tái chế nước tiểu và biến phân thành năng lượng có thể lưu trữ được. 

5. Lợi ích hiển nhiên: Giữ gìn sức khỏe cho con người

Việc xử lí chất thải con người không đúng cách có thể là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng. Khi một cộng đồng không có bồn cầu/nhà vệ sinh, cư dân sẽ phải đi “lộ thiên” gần nơi họ sinh sống, hoặc đi thẳng xuống sông, hồ - nguồn nước chính phục vụ cho ăn uống và nhu cầu vệ sinh cá nhân khác như tắm, gội… 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 9
Việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm có thể gây tiêu chảy, dịch tả quy mô lớn, thậm chí gây chết người.

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, tại Ấn Độ cứ mỗi phút trôi qua có khoảng 1,1 triệu lít chất thải thô được đổ thẳng vào sông Hằng. Còn hai quốc gia châu Phi Sierra Leone và Guinea, năm 2012 một trận mưa lớn đã tạo nên một dòng “lũ chất thải”, khiến dịch tả bùng phát và lan truyền đã giết chết 392 người, cùng 25.000 người bị nhiễm bệnh. 

Những tác dụng không ngờ của toilet làm thay đổi cả thế giới 10

Thêm vào đó, những căn bệnh do chất thải con người gây nên có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương, giảm nhận thức và chậm lớn cho trẻ em. Tình trạng điều kiện vệ sinh kém cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi. 

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, Wikipedia...