Những nữ gián điệp "tinh ranh" nhất mọi thời đại

Mymoon, Theo 00:01 17/05/2011

Cùng xem phụ nữ làm gián điệp thì sẽ có những mánh khóe gì nào.

Năm 1861, Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và muốn thay đổi dự luật để xóa bỏ thể chế nô lệ. Trước ngày ông nhậm chức, bảy tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ phản đối chính sách cởi mở này và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống. Chính quyền Abraham Lincoln không công nhận chính phủ Liên minh miền Nam này. Nội chiến Hoa Kỳ là cuộc tranh chấp quân sự giữa Chính phủ Liên bang và 11 tiểu bang phía Nam Hoa Kỳ. Nhân kỷ niệm 150 sự kiện lịch sử này, hãy cùng nhìn lại 5 gián điệp nữ nổi tiếng nhất của cuộc nội chiến nổi tiếng này nhé.

1. Harriet Tubman

 
Người phụ nữ nô lệ này được biết đến bởi chiến công trong cuộc đảo chính mang lại tự do cho hơn 300 người trong đó có cả bố mẹ của bà. Bà là một trong những điệp viên Liên bang nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Sinh năm 1820 ở Maryland, Tubman đã từng xin tình nguyện làm đầu bếp và y tá trong Liên bang trước khi được triệu tập tham gia mạng lưới điệp viên tại miền Nam Carolina. Tubman là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ đã dẫn dắt một đoàn thăm dò quân đội khi bà giúp đại tá James Montgomery lên kế hoạch cho một cuộc đột kích vào các đồn điền trồng lúa dọc sông Combahee để giải phóng nô lệ.

Vào ngày 1/6/1863, đại tá Montgomery, Tubman và vài trăm lính da đen đã dùng tàu chiến ngược sông, luồn lách qua trận địa đầy rẫy mìn nổi dọc hai bên bờ để phá hủy các kho chứa lương thực của các bang ly khai với Hoa Kỳ nhằm gây ra nội chiến và giải phóng 750 nô lệ. Sau chiến tranh, mặc dù có nhiều cống hiến cho quân đội, Tubman vẫn chỉ nhận được nguồn trợ cấp rẻ mạt 20 USD (khoảng 412.000 VNĐ) một tháng. Mãi đến khi bà qua đời, thượng nghị sỹ New York lúc bấy giờ, bà Hilary Clinton lên nhận chức mới chú ý tới vấn đề trợ cấp của Tubman. Cuối cùng, Quốc hội đã quyết định trao 11.750 USD (khoảng 242,5 triệu VNĐ) cho gia đình của bà ở Auburn.

2. Pauline Cushman

 
Sinh sống tại New Orleans vào những năm 1863, Pauline Cushman là một diễn viên nữ tuổi 30 với đồng lương rẻ mạt và cuộc sống vô cùng chật vật khó khăn. Một hôm, trong khi đang biểu diễn ở Louisville, tiểu bang Kentucky, Cushman được yêu cầu ngừng diễn để đến chúc rượu Jefferson Davis – tổng thống của bảy tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ đòi tách riêng và các thành viên cùng phe. Cushman đã liên lạc với cảnh sát trưởng của Quân đội Liên bang tại địa phương và bày tỏ mong muốn sử dụng cơ hội này nhằm lấy lòng phe miền Nam và trở thành một đặc vụ liên bang nhanh nhạy.

Liên bang ngay lập tức cử Cushman đến công tác tại vùng chiếm đóng Nashville và làm việc cho quân đội của Cumberland. Bà đã chịu trách nhiệm thu thập thông tin địch, phát hiện những gián điệp trong hàng ngũ mình và đưa tin về Liên bang trước khi bị nghi ngờ và bắt giữ.

Cushman bị kết án treo cổ nhưng may mắn thoát chết trong một lần tiến công bất ngờ của quân đội Liên bang vào Shelbyville.

Sau chiến tranh, Cushman kiếm tiền bằng cách tiếp tục diễn xuất và thỉnh thoảng đi kể những câu chuyện thời chiến của mình. Khi công chúng không còn thích thú với những câu chuyện của bà, Cushman bắt đầu sử dụng ma túy và chết vào tuổi 60 do sốc thuốc. Bà đã được mai táng theo nghi thức quân đội tại San Francisco.

3. Mary Elizabeth Bowser

 
Mary Elizabeth Bowser vốn là một nô lệ phục vụ cho gia đình nhà Van Lew ở vùng Richmond, bang Virginia. Khi John Van Lew qua đời vào tháng 9/1843, ông vẫn quy định cho bà Eliza vợ mình không được thả tự do cho bất kỳ nô lệ nào trong gia đình. Tuy nhiên, Eliza và con gái bà lại là những người chống lại luật nô lệ và bí mật đối đãi tử tế với các người hầu trong gia đình trong đó có cả Bowser.

Khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ xảy ra, gia đình nhà Van Lew đảm nhiệm việc cung cấp lương thực, thuốc thang và sách cho những người lính đóng quân gần nhà tù Libby. Cô nô lệ Bowser đã chịu trách nhiệm đưa tin tức giữa những người tù và nhà chức trách Liên bang, qua đó giúp những tù nhân vượt ngục. Để thực hiện nhiệm vụ, bà đã tin cậy vào hội bí mật của những người ủng hộ Liên bang tại Richmond.

Vào mùa thu năm 1865, Bowser đã có một bài diễn thuyết tại Brooklyn ám chỉ về việc đã từng làm mật thám trong Nhà trắng của Liên minh miền Nam suốt cuộc nội chiến.

Tuy câu chuyện này vẫn chưa thể xác minh nhưng những cố gắng và sự sẵn sàng hy sinh mạng sống để đóng góp một phần quan trọng vào đường dây mật của vùng Richmond là hoàn toàn đáng ghi nhận.

Sau chiến tranh, người ta không có thêm bất cứ thông tin gì về Bowser.

4. Belle Boyd

 
Một trong những gián điệp nổi tiếng nhất của Liên bang, Belle Boyd được sinh ra trong một gia đình chủ nô danh giá ở gần Martinsburg, tiểu bang Virginia. Năm 17 tuổi, Boyd bị bắt giữ vì bắn vào một binh sĩ Liên minh miền Nam khi tên này đột nhập vào nhà và xúc phạm mẹ mình. Mặc dù Liên minh đã điều tra và xóa bỏ mọi tội danh, họ vẫn để mắt theo dõi Boyd sau đó. Trẻ trung và quyến rũ, Boyd đã sử dụng sức hấp dẫn của mình để moi thông tin từ các quan chức Liên minh. Bà đã giúp tướng Jackson giành thắng lợi trong chiến dịch đồi Shenandoah năm 1862.

Belle Boyd đã ba lần bị Liên bang miền Bắc bắt giữ vào tù trong các năm 1862 và 1864. Sau này, bà bỏ trốn khỏi Mỹ và kết hôn với tướng Samuel W. Hardinge, một sĩ quan hải quân đã từng bắt giữ bà. Hardinge nhanh chóng bị cáo buộc là gián điệp của phe miền Nam và chịu tử hình ngay sau đó.

Sau chiến tranh, Belle Boyd đã cho xuất bản cuốn hồi ký gồm 2 tập kể lại cuộc đời gián điệp và tù giam của bản thân. Bà tái hôn 2 lần và qua đời năm 1900.

5. Rose O'Neal Greenhow

 
Rose O'Neal Greenhow vốn là một phụ nữ nổi tiếng giao tiếp rộng ở Washington. Bà trở thành góa phụ năm 40 tuổi và là người đặc biệt theo tư tưởng của những bang ly khai.

Bắt đầu làm điệp viên cho Liên minh miền Nam năm 1861, Greenhow tận dụng các mối quan hệ xã hội của mình để lấy thông tin về các hoạt động của Quân đội Liên bang và gửi theo dạng những tin nhắn đã được mã hóa.
 
Một trong những tin nhắn quan trọng nhất được giấu trong tóc của bà đã giúp quân Liên minh miền Nam giành thắng lợi đầu tiên trong trận Bull Run. Nghi ngờ về những hoạt động tình báo của Greenhow, Allan Pinkerton, sĩ quan trưởng của nhóm công tác bí mật mới được thành lập của Liên bang đã ra quyết định bắt giữ bà. Sau nhiều tháng trời bị giam giữ tại nhà tù Old Capitol, Greenhow được chuyển về Baltimore, Maryland. Tại đây, bà được quân Liên minh miền Nam chào đón như một anh hùng.

Tổng thống miền Nam, Jefferson Davis đã cho gửi Greenhow sang Anh và Pháp để tranh thủ sự ủng hộ. Ở châu Âu, bà đã cho xuất bản cuốn “Cuộc sống tù ngục của tôi và những năm đầu của việc bãi bỏ luật nô lệ ở Mỹ”.

Tháng 9-1864, Greenhow trở về miền Nam nước Mỹ, đi cùng với một tên buôn lậu người Anh, cả hai mang theo số vàng trị giá 2000 USD (khoảng 41 triệu VNĐ). Một tàu chiến của Liên bang đã truy đuổi con tàu gần bờ biển Bắc Carolina khiến nó bị mắc cạn trên cát. Không nghe theo lời khuyên của trưởng tàu, Greenhow đã bỏ trốn trên 1 con thuyền nhỏ cùng hai người nữa. Không may, con thuyền bị lật úp và bà chết đuối do số vòng vàng đeo trên cổ quá nặng. Thi thể của Greenhow dạt vào bờ ngày hôm sau và được Liên minh miền Nam chôn cất vô cùng trang trọng.