Những nhà sách độc đáo trên thế giới

Pit, Theo 12:23 29/12/2010

Bước vào các nhà sách này có lẽ chúng mình sẽ phải trầm trồ đấy nhỉ? <img src='/Images/EmoticonOng/05.png'>

Sách second-hand luôn là một lựa chọn tiện lợi và "kinh tế" với nhiều người. Vậy thì tại sao chính các hiệu sách không chọn cho mình một địa điểm... second-hand luôn nhỉ? Có điều những địa điểm ấy từng là những công trình đẹp mắt, thú vị hay những phương tiện giao thông cũ kĩ.
 
Nhà thờ thánh Dominic, Hà Lan
 
 
Một hiệu sách nằm ngay trong nhà thờ quả là một ý tưởng độc đáo. Điểm nhấn của nhà thờ này là những cột uốn làm bằng đá cẩm thạch và hiệu sách đã rất tinh tế khi xếp những kệ sách xen kẽ giữa các hàng cột. Ngay cả giá sách hai tầng bằng gỗ cũng được thiết kế khéo léo để hài hòa với kiến trúc của nhà thờ.
 
 
Cửa hàng sách Newstand trong rạp chiếu phim Alabama, bang Texas, Mỹ
 
 
Rạp chiếu phim Alabama mở cửa vào năm 1939 tại Houston sau đó vẫn được giữ nguyên thiết kế của một rạp chiếu phim nhưng thay vào đó là một cửa hàng sách do công ty Newstand mua lại. Thay vì các hàng dài các ghế ngồi là các hàng giá sách. Ở vị trí màn hình lớn cũng lại là một giá sách được trang trọng đặt lên các cuốn “best-seller” của cửa hàng. Tuy nhiên cửa hàng của Newstand đã chính thức đóng cửa vào tháng 9 năm 2009.
 
Hiệu sách El Ateneo trong rạp hát, Argentina
 
 
Thử tưởng tượng mình đang yên vị ở một trong những rạp hát đẹp nhất thế giới nhưng không phải để thưởng thức các vở Opera mà “lạc lõng” trong cả đống sách. El Ateneo thu hút hàng triệu du khách mỗi năm cơ đấy.
 
Nhà sách “nổi” Doulos
 
 
 Ra đời sau huyền thoại Titanic 3 năm, nhà sách nổi trên tàu Doulos đã hoạt động được khá nhiều năm. Theo thống kê thì nhà sách này có 3.000 đến 5.000 cuốn sách ở các kệ và khoảng nửa triệu cuốn nằm chờ ở trong kho. Con tàu này đã đi chu du khắp thế giới để bán sách, và vừa “về hưu” vào năm 2009.
 
Nhà sách “di động”
 
 
Chiếc xe đời cổ Airstream được tân trang lại thành hiệu sách di động từ năm 1959. Xuất phát từ quê nhà Quebec, nhà sách đã đi qua rất nhiều nơi để bán sách báo, tạp chí, các ấn phẩm tư nhân. Thật tiếc là nó đã thực hiện chuyến đi tour cuối cùng vào năm 2008.
 
Nhà sách nằm trong thùng… phân bón
 
 
Cửa hàng sách xinh xắn có hình dáng của tòa lâu đài nằm tại bang Winconsin nước Mỹ. Thật khó tin là trước đây người ta sử dụng nó để đựng… phân bón. Hiệu sách có tên Lâu đài Arkady này thực sự rất thú vị đối với những người “hoài cổ” vì bạn có thể tìm thấy ở đây rất nhiều sách báo được xuất bản từ những năm 1880 đến 1930. Nằm trên một cánh đồng của cặp vợ chồng già, nhà sách này chỉ được họ mở cửa vào các ngày thứ bảy của mùa hè mà thôi.
 
Hiệu sách tận dụng toa bếp trên tàu hỏa
 
 
Nằm tại bang Oregon của nước Mỹ, với màu đỏ thu hút và có “nội dung” bên trong là các thể loại sách thiếu nhi. Chắc hẳn các em nhỏ sẽ cực kì hào hứng khi được bố mẹ dắt ra đây chọn sách.
 
Lâu đài sách
 
 
Vùng Hay-on_wye ở xứ Wales được biết đến như thị trấn sách. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi thị trấn này tràn ngập sách, ngay đến tòa lâu đài Norman cổ kính nhất ở đây cũng được "tận dụng" để bán sách… second-hand. Đây cũng là tiêu điểm của các du khách khi đến thăm Vương quốc Anh.
 
Máy bán sách tự động
 
 
Tận dụng một máy bán thuốc lá cũ trên phố, nhà xuất bản Hamburger Automatenverlag của Đức đã cho ra đời một dịch vụ khá là hay ho trên đường phố. Bộ sưu tập sách kích cỡ nhỏ này có giá là 4 Euro cho mỗi quyển. “Mua tri thức” còn  hơn là mua thứ thuốc lá độc hại nhiều lần ấy nhỉ.