Những hiểu lầm về thảm họa không gian Challenger

Thủy Chip, Theo 00:00 30/01/2011

Cùng nhìn lại thảm họa khủng khiếp trong ngành hàng không vũ trụ sau khi nó đã xảy ra 25 năm. <img src='/Images/EmoticonOng/00.png'>

25 năm trước, ngày 28/01 năm 1986, tàu con thoi Challenger đã gặp tai nạn và cả 7 phi hành gia đã thiệt mạng. Thảm họa đó đã khiến chương trình du hành không gian của NASA phải ngừng lại một thời gian dài. Tuy nhiên, trong câu chuyện về tàu Challenger vẫn có những điều mà mọi người hiểu lầm suốt từ đó tới nay
 
Tàu Challenger đã nổ tung
 
Đa số mọi người tin rằng tàu Challenger nổ tung 73 giây sau khi cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida. Nhưng thực tế thì con tàu không nổ và mọi chuyện diễn ra phức tạp hơn nhiều.
 
 
Bình nhiên liệu gắn ngoài của nó đã vỡ và toàn bộ số hidro cũng như oxy lỏng phát tán ra ngoài. Khi hai chất trộn lại, chúng tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ trên không trung. Con tàu vẫn tiếp tục bay lên cao nhưng nhanh chóng trở nên mất ổn định.
 
Cuối cùng, tàu tách khỏi thùng chứa nhiên liệu và không thể có được lực đẩy cần thiết. Động cơ phía đuôi và động cơ chính bị rời ra, cả hai cánh của tàu cũng như thế. Cabin của phi hành đoàn và phần trước tàu rời hẳn khỏi khoang chứa đồ và vỡ nát khi rơi xuống mặt biển.
 
Phi hành đoàn đã chết ngay lập tức
 
 
Bức ảnh dưới đây chụp lại nụ cười của 7 nhà du hành vũ trụ khi họ lên bệ phóng. Người ta tin rằng họ đã thiệt mạng ngay lập tức khi con tàu nổ tung.
 
Nhưng thực ra họ không chết khi bị vụ nổ đẩy lên cao, cũng chưa chết khi con tàu vỡ tung. Các chuyên gia tin rằng họ vẫn sống tới khi cabin lao xuống lòng nước Đại Tây Dương với vận tốc trên 300km/h.
 
Khi được tìm thấy, thi thể của 7 nhà du hành vẫn bị gắn chặt vào ghế. Ngoài ra, có một số bằng chứng rằng họ đã bị bất tỉnh khi cabin giảm áp trong quá trình vụ tai nạn diễn ra.
 
Hàng triệu người đã theo dõi vụ tai nạn qua TV
 
Sau khi thảm họa xảy ra, các đoạn băng về vụ tai nạn của tàu Challenger đã được phát đi phát lại trên các hệ thống truyền hình chính. Vì thế nhiều người tưởng lầm rằng họ đã được theo dõi trực tiếp vụ tai nạn ngay khi nó xảy ra.
 
 
Đa số các mạng truyền hình chính không phát trực tiếp vụ phóng tàu Challenger. Ngoài ra, nó diễn ra trong giờ làm việc buổi sáng và chỉ có một số người theo dõi được sự việc ngay lập tức qua mạng truyền hình vệ tinh của NASA và CNN.
 
Cái lạnh là nguyên nhân của thảm họa
 
Các trụ băng bám quanh tháp phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida được chụp lại khi người ta điều tra về thảm họa ngay trong buổi sáng hôm đó. Vụ phóng tàu Challenger diễn ra trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ C, lạnh nhất trong lịch sử các phi vụ tương tự của NASA.
 
 
Vì thế, một số người cho rằng nhiệt độ thấp đã khiến một vòng cao su trong số các thiết bị trên tàu bị rời ra. Tuy nhiên, các kỹ sư đã phủ nhận điều này. Cái lạnh chỉ là một trong số các nguyên nhân và không phải là yếu tố quyết định. Điều đầu tiên dẫn tới các sự kiện trong thảm họa là rò rỉ khí gas nóng, từ đó tạo ra vụ nổ khổng lồ.
 
Các tàu con thoi giờ đây đã có trang bị ghế thoát hiểm
 
Thực ra ghế thoát hiểm chưa chắc đã cứu mạng được các phi hành gia vì chúng cũng rất nặng và cồng kềnh. Kể cả nếu có ghế thoát hiểm trên tàu con thoi, chúng cũng sẽ chỉ được trang bị cho trưởng phi hành đoàn và phi công phụ, những người thực sự lái tàu con thoi.
 
 
NASA cũng đã trang bị cửa thoát hiểm cho các tàu con thoi sau này nhưng chúng chỉ hoạt động tốt khi tàu bay chủ yếu theo phương nằm ngang và với vận tốc cũng như quỹ đạo ổn định. Tàu Challenger khi ấy bay thẳng lên trời và bị rung lắc, vì thế cửa thoát hiểm cũng không thể làm nhiệm vụ của mình.