Những đặc điểm khiến Ebola "diệt vong" con người hàng loạt

Bích Đào, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 05/08/2014

Theo các chuyên gia, virus Ebola vẫn "sống nhăn răng" dù cho người bệnh đã tử vong.

Chúng ta đã nghe thấy nhiều thông tin về virus Ebola đang hoành hành, gây ra cái chết của bao nhiêu người. Nhưng ít ai ngờ rằng, căn bệnh chết người không có thuốc chữa này đang lan tràn khắp châu Phi đến các quốc gia châu Mỹ, gây ra sự hoảng loạn mang tầm vóc quốc tế. 

Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu thêm về căn bệnh có thể phát triển thành “đại dịch thế kỷ” này.



Bệnh Ebola gây ra bởi loại virus sốt xuất huyết Ebola, thuộc chi siêu vi Ebolavirus hay EBOV - được phát hiện lần đầu ở dòng sông Ebola thuộc nước Cộng hòa Congo.



Cơ chế của loại virus này là can thiệp vào khả năng làm đông máu của cơ thể cũng như ảnh hưởng đến các lớp niêm mạc của mạch máu trong cơ thể người bệnh. 



Kết quả là các tiểu huyết cầu của chúng ta không thể thực hiện chức năng làm đông máu, dẫn đến sốc giảm thể tích và cuối cùng là cái chết. Căn bệnh này được ví như căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS nhưng với tốc độ lan truyền nhanh hơn nhiều.



Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được nhiều loại virus Ebola khác nhau đều có liên quan đến căn bệnh nguy hiểm này. Virus Zaire Ebola được tìm thấy đầu tiên ở Zaire chính là loại virus được ghi nhận là có khả năng gây tử vong cao nhất trong các trường hợp mắc bệnh. 

Một loại virus Ebola khác được phát hiện ở Sudan được cho là biến thể của Zaire Ebola và phát triển từ điều kiện chăm sóc bệnh nhân thiếu thốn và không đảm bảo vệ sinh.



Biểu hiện lâm sàng của bệnh Ebola thay đổi theo từng giai đoạn: trong vài ngày đầu, bệnh nhân sẽ chỉ bị sốt hay viêm họng bình thường. Ngày thứ 5 đánh dấu dấu hiệu khác lạ đầu tiên khi trên cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các vết phát ban sần.




Khi căn bệnh tiến triển, người bệnh thường bị chảy máu ở các vị trí khác nhau trên cơ thể. Thường thấy nhất là chảy máu ở các đường tĩnh mạc và màng nhầy. Bệnh trở nên trầm trọng hơn khi bệnh nhân bị thở gấp, hạ huyết áp, vô niệu (không thể đi tiểu) và cuối cùng dẫn đến hôn mê.




Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng những triệu chứng lâm sàng của bệnh Ebola đến rất bất ngờ. Người bệnh cũng thường bị đau đầu nghiêm trọng, đau khớp, sốt và chán ăn. Các triệu chứng tiêu hóa khác cũng xuất hiện như đau bụng, buồn nôn, ói mửa hay tiêu chảy.



Tỉ lệ sống sót của bệnh nhân nhiễm Ebola là khác nhau tùy theo chủng loại virus nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều tra cho thấy loài virus Zaire Ebola nguy hiểm nhất mang tỉ lệ tử vong cao đến 89%. Bệnh nhân nhiễm Sudan Ebola virus cũng được báo cáo là có tỉ lệ tử vong từ 41-56%.



Căn bệnh này đang biến thành mối lo đáng sợ của toàn nhân loại bởi hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa phát minh ra vaccine để chữa và phòng bệnh. 

Thêm vào đó, nhiều khó khăn vẫn đang cản trở công tác nghiên cứu và trợ giúp bệnh nhân thuộc vùng phát dịch đầu tiên ở châu Phi, bao gồm điều kiện vệ sinh thiếu thốn và các phong tục tập quán cổ hủ của địa phương.



Một phong tục cổ trong việc mai táng người chết ở đây là tắm rửa cho xác chết. Do virus này có thể dễ dàng lây truyền qua máu, mồ hôi hay bất kì chất dịch nào thải ra từ cơ thể người bệnh nên việc xử lý các xác chết cần phải cực kì cẩn thận. 

Điều này đã vô tình biến bước quan trọng của tang lễ truyền thống này thành một con đường lây nhiễm virus Ebola. 




Các nhà khoa học đã điều tra thấy rằng loại virus này có “sức sống” vô cùng mãnh liệt. Không giống như hầu hết các tác nhân gây bệnh khác sẽ chết khi chủ thể không còn hay chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, virus Ebola vẫn “sống nhăn răng” dù cho người bệnh đã tử vong. 

Không chỉ thế, nó thậm chí vẫn có khả năng truyền nhiễm sau khi đã được... chữa khỏi. 



WHO đã đưa ra thông báo về một trường hợp một người đàn ông dù đã sống sót khỏi căn bệnh quái ác này nhưng vẫn tìm thấy được virus Ebola trong tinh dịch 7 tuần sau khi hồi phục. Điều này giúp khẳng định thêm về tuổi thọ đáng ngạc nhiên của tác nhân gây bệnh chết người này.




Mặc dù đây không phải là một căn bệnh mới phát hiện gần đây tuy nhiên biện pháp chữa trị dành cho Ebola vẫn chưa được tìm ra. Một phần là vì lý do kinh tế đằng sau việc nghiên cứu phát triển vaccine. 



Các chuyên gia đã phần nào chủ quan khi phát hiện ra căn bệnh chết người nhưng chỉ ảnh hưởng và tập trung ở vùng nghèo đói của châu Phi. 

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của dịch Ebola và nguy cơ biến thành đại dịch, các chuyên gia đã nhanh chóng "bắt tay" vào công việc và hi vọng sẽ đưa ra được liệu pháp chữa bệnh cũng như vaccine phòng bệnh trong thời gian sớm nhất.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Medical Content, VOX, Smithsonianmag...