Những chiến dịch kêu gọi "không ăn thịt chó" đáng suy ngẫm trên thế giới

Gabby, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/04/2014

Cùng tìm hiểu những hành động cụ thể được thực hiện trong chiến dịch kêu gọi mọi người “không ăn thịt chó” ở các nước châu Á.

Từ xưa tới nay, thịt chó được một bộ phận con người tại các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… tiêu thụ như thức ăn "khoái khẩu". 

Cùng với sự phát triển xã hội, có nhiều người đã lên án hiện tượng này bởi theo họ, chó là loài vật thông minh, trung thành với con người nên không đáng bị ăn thịt. 

Nhiều chiến dịch kêu gọi việc không ăn thịt chó đã ra đời, thu hút sự hưởng ứng của rất đông các thành phần xã hội.
 
 
Chó được nuôi, giết mổ làm thịt không phải là chuyện mới mà đã có lịch sử từ rất lâu đời. Việc tiêu thụ, ăn uống thịt chó có mặt trên hầu hết các châu lục: từ châu Phi, châu Á cho tới cả châu Mỹ.

Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam được xem là thiên đường của các “tín đồ” thịt chó. Theo Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới WSPA, ước tính mỗi năm có khoảng 25 triệu con chó bị giết thịt để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân. Theo tờ Apple Daily số ngày 21/06/2013 có đề cập, riêng một “lễ hội thịt chó” được tổ chức tại Ngọc Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) đã sát hại đến 100.000 con chó.


  

Tại Hàn Quốc, thịt chó được gọi với cái tên Gaegogi. Theo ước tính của BBC trong năm 2003, khoảng 4.000 - 6.000 nhà hàng tại Hàn Quốc có phục vụ món ăn làm từ thịt chó với giá khoảng 10 USD (hơn 200.000 VND). 

Hãng tin danh tiếng này cũng tuyên bố rằng mỗi năm, người dân xứ sở kim chi tiêu thụ 8.500 tấn thịt chó cho việc ăn uống và 93.600 tấn cho việc sản xuất thuốc bổ Gaesoju.


  

Người Hàn Quốc cũng như không ít dân tộc Á Đông khác cho rằng, thịt chó là một vị thuốc bổ thận, tráng dương do đó chúng trở thành món khoái khẩu cho các quý ông. 

Đặc biệt, người Hàn rất ưa thích thịt chó vì họ tin loại thức ăn này giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể trong những ngày mùa hè nóng bức. Đó là lý do mà mùa hè ở đất nước này còn được biết tới là mùa thịt chó.


  

Việt Nam cũng được xếp vào top những quốc gia tiêu thụ nhiều thịt chó nhất thế giới. Trong quan niệm của người Việt xưa, ăn thịt chó vào dịp cuối tháng âm lịch là cách để giải đen, mang lại may mắn trong tháng tới. 

Tờ Associated Press tháng 10/2009 đã đưa ra nhận xét rằng, nền kinh tế phát triển nhanh ở nước ta phần nào đã dẫn tới sự bùng nổ của các nhà hàng thịt chó ở miền Bắc; một con chó 20kg vào thời điểm đó có giá bán 100 USD (tương đương hơn 2 triệu đồng và xấp xỉ lương hàng tháng của một công nhân mức trung bình ở Việt Nam).


  

Trước thực trạng trên, rất nhiều chiến dịch truyền thông đã ra đời nhằm kêu gọi mọi người nói “không” với thịt chó. Năm 2011, khoảng 30 thành viên của tổ chức CARE (Coexistence of Animal Rights on Earth) đã tập hợp lại để phát động chiến dịch chống việc ăn thịt chó tại Hàn Quốc vào dịp Bok Nal (tức 3 ngày nóng nhất mùa hè theo lịch Hàn Quốc và cũng là thời điểm nhiều người ăn thịt chó nhất).


  

Thông qua các băng rôn, biểu ngữ và poster, CARE cũng cho phép những người tham gia chiến dịch ôm một chú chó bất kì được cứu ra từ các lò giết mổ nổi tiếng. CARE cho rằng, hành động ấy sẽ giúp cộng đồng hiểu rằng: chó là động vật đồng hành chứ không phải một món ăn.



 
Một năm sau đó, một nhóm có tên gọi Animal Rights cũng đã thực hiện một chiến dịch với nội dung tương tự trước của Đại sứ quán Hàn Quốc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. 

Thông điệp chính trên các poster của chiến dịch này là “Friend - not food” (Bạn chứ không phải đồ ăn) hay “Dog - Man’s Best Friend/ Man – Dog’s Best Hope” (Chó - người bạn tốt nhất của con người/ Con người - hi vọng tốt nhất của loài chó).


  

Thái Lan vốn không có truyền thống về ăn thịt chó. Tuy nhiên nạn buôn bán chó lậu từ đất nước này qua các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc đã trở thành một vấn nạn nghiệm trọng UniDog - một tổ chức phi lợi nhuận của Thái Lan đã phát động chiến dịch “Beg for life” (Cầu xin sự sống) để phản đối hiện tượng trên.


 
 
 
Thông qua hình ảnh những chú chó mắt tròn xoe, đáng thương, đeo chiếc bát quanh cổ, cầu xin người chủ của mình, UniDog muốn gửi tới tất cả chúng ta thông điệp "I'm begging for life, not food" (Tạm dịch là: “Tôi cầu xin sự sống, chứ không xin con người thức ăn”).


  

Những chiến dịch truyền thông trên phần nào đã đem lại tác dụng và gây ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội. Tại Trung Quốc. Theo tờ Huffingtonpost, có khoảng 279 poster ở nhà ga, xe lửa, bến xe, thang máy trong các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu với nội dung kêu gọi không ăn thịt chó. 

Báo cáo của CNN năm 2010 cũng cho hay, chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc việc cấm tiêu thụ thịt chó. Trước khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 diễn ra, chính phủ nước này cũng đã yêu cầu bỏ thịt chó ra khỏi thực đơn của các nhà hàng để không gây khó khăn cho du khách nước ngoài.


  

Chiến dịch kêu gọi không ăn thịt chó cũng đang phát triển ở Hàn Quốc. Một khảo sát gần đây của Bộ Nông nghiệp nước này cho thấy, 59% người Hàn Quốc dưới 30 tuổi không ăn thịt chó. Trong đó, 62% họ nói rằng, chó là vật nuôi chứ không phải lương thực, việc ăn thịt chó hoàn toàn là cổ xưa, lỗi thời.
 
Ăn thịt chó hay không hoàn toàn là quyền ở bạn. Nhưng với các bạn trẻ Việt Nam, bạn nghĩ sao về những chiến dịch kêu gọi không ăn thịt chó này?
 
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Global News, Pawnation, Huffington Post, Wikipedia...