Những câu chuyện thú vị xung quanh ngày Cá tháng Tư

Ái Nhi, Theo 00:01 01/04/2011

Đây có lẽ là một trong những ngày lễ đặc biệt nhất được mong đợi hàng năm. <img src='/Images/EmoticonOng/02.png'>

Giả thiết về nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư
 
Vào thời xưa, người ta đón mừng tân niên vào ngày 1/4, sau ngày Xuân Phân (20/3 hoặc 21/3). Đến thời trung cổ, nhiều quốc gia Châu Âu tổ chức Lễ Truyền Tin vào ngày 25/3 và xem nó như ngày tân niên.
 
Vào năm 1582, Giáo hoàng Gregory XIII ban hành công lịch mới (gọi là lịch Gregory) thay thế lịch cũ Julius. Theo công lịch này, ngày tân niên được chọn là ngày 1/1. Nước Pháp đã đón nhận lịch này và thay đổi ngày đầu năm thành ngày 1/1. Vào thời điểm này, có nhiều người không chấp nhận ngày tân niên 1/1, hoặc cũng có thể họ không biết sự thay đổi đó, nên vẫn tiếp tục chào đón tân niên vào ngày 1/4. Kết quả là họ bị những người khác cười chế nhạo, và phong tục này đã lan rộng khắp Châu Âu. Và họ trở thành “April Fool” (kẻ ngốc tháng 4 – Cá tháng Tư).
 
Lịch Gregory thay thế lịch Julius.
 
Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn gốc của ngày này không rõ ràng. Một số người cho rằng ngày 1/4 là ngày đánh dấu sự chuyển mùa từ Đông sang Xuân tại các quốc gia Âu Mỹ. Còn một số khác lại tin rằng ngày này xuất phát từ việc chấp nhận Công lịch mới.
 
Người Pháp gọi ngày nói dối là ngày Cá tháng 4. Vào ngày này, thỉnh thoảng trẻ em Pháp lại dán hình con cá lên lưng bạn học, và la lên “Cá tháng 4” khi trò chơi khăm bị phát hiện. Những người bị “sập bẫy” bị gọi là “Con cá tháng Tư”, còn tác giả của những trò trêu đùa cũng không bị giận vì quy tắc của những trò đùa này là nó không được gây hại cho bất kỳ ai.
 
 
Ngày Cá tháng 4 đã trở nên quen thuộc ở nhiều quốc gia, bắt đầu từ Pháp lan sang Anh, Mỹ,...và nhiều nơi khác. Ở Scotland, ngày Cá tháng Tư kéo dài tới 48 giờ. Ở Việt Nam, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ngày Cá tháng Tư cũng đã được chấp nhận và nhanh chóng trở thành cơ hội để mọi người cùng chia sẻ các bất ngờ, thú vị đầy tính hài hước.
 
Các chiêu lừa kinh điển trong ngày Cá tháng Tư
 
Cây Spaghetti trong trò đùa của BBC
 
Những năm gần đây, các đài phát thanh, chương trình truyền hình và các trang web trên khắp thế giới thường nói đùa bạn đọc và người nghe vào ngày Cá tháng Tư. Một trong những lời nói dối nổi tiếng nhất là năm 1957 khi đài BBC của Anh phát bộ phim tài liệu về mùa thu hoạch mì ống thường niên tại Thụy Sỹ. Phim quay cảnh một gia đình đang lượm những sợi mì từ “các cây mì spaghetti”. Món mì Italia rất được ưa chuộng tại Anh thời điểm đó và nhiều người Anh đã "ngây thơ" tin vào trò lừa của BBC tới nỗi họ muốn tìm hiểu xem làm thế nào để có thể tự trồng được các cây spaghetti!
Gmail paper – chiêu lừa của Gmail
 
Vào ngày Cá tháng Tư năm 2007, công cụ tìm kiếm trên internet Google đã thông báo cung cấp dịch vụ mới Gmail Paper, nơi người sử dụng dịch vụ thư miễn phí có thể lưu giữ email vào kho lưu trữ giấy mà Google sẽ in ra và rồi gửi cho họ miễn phí. Còn năm 2008, Google đã "mời" mọi người tham gia dự án thám hiểm sao Hoả.
 
"Quốc đảo San Serriffe" theo miêu tả của The Guardian trong ngày Cá tháng Tư năm 1977.
 
Ngày 1-4-1977, nhật báo The Guardian của Anh đã phát hành một phụ san kỷ niệm 10 năm thành lập đảo quốc San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ trên Ấn  Độ Dương với những hình ảnh minh họa hết sức tươi đẹp về địa lý và văn hóa của quốc gia này. Điện thoại của tòa soạn báo hôm đó réo liên tục vì có rất nhiều độc giả muốn biết thêm thông tin về địa điểm du lịch tuyệt vời đó. Trò đùa đã thành công đến nỗi nhiều năm sau, người ta vẫn còn háo hức chờ xem năm nay sẽ bị tờ báo lừa như thế nào.
 
Đĩa bay nhân tạo – trò đùa của Richard Branson năm 1989
 
Ngày 31-3-1989, hàng ngàn người đang lái xe trên đường cao tốc ngoại ô London, thủ đô nước Anh, đã được chứng kiến một cảnh tượng ngoạn mục: Một vật thể lạ hình chiếc đĩa đang hạ cánh xuống thành phố của họ. Cảnh sát lập tức có mặt khi được thông tin về sự xuất hiện của người ngoài hành tinh.
 
Khi cánh cửa đĩa bay bật mở, một thân hình trong bộ đồ bay xuất hiện khiến mọi người đứng tim khi chứng kiến giờ phút lịch sử: thấy người ngoài hành tinh. Thế nhưng chiếc đĩa bay đó chỉ là một khinh khí cầu. Tác giả của nó là Richard Branson, nay là một nhà doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Là người thích đùa, anh đã cố tình thiết kế chiếc khinh khí cầu của mình theo hình đĩa bay và dự định cho nó hạ cánh tại Công viên Hyde Park-London vào đúng ngày 1-4, nhưng do gió đổi hướng anh đã không thể hạ cánh đúng thời gian và địa điểm như trong kế hoạch.